5 thủ thuật “móc túi” khách hàng của cây xăng

12/08/2010 15:00 GMT+7 | Xe

Hiện nay, rất nhiều chủ cây xăng đang ăn nên làm ra nhờ sử dụng những thủ thuật gian lận tiền của khách hàng.

1. Sử dụng hệ thống chip điện tử

Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng, các chủ cây xăng có thể dễ dàng tậu một con chip điện tử về để “ăn cắp” tiền của khách hàng đến mua. Được cài đặt hoặc giấu trong máy bơm xăng, chip điện tử đấu nối với một hệ thống dây chôn ngầm dưới mặt đất dẫn vào phòng điều hành bên trong. Thông thường, hệ thống chip điện tử được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong phòng điều hành nên khách hàng không thể phát hiện ra.


Mỗi khi đoàn kiểm tra đến, các nhân viên sẽ rút sợi dây nối từ cột bơm xăng vào phòng điều hành. Chỉ cần làm như vậy, máy bơm xăng sẽ trở về chế độ hoạt động chuẩn. Khi đoàn kiểm tra đi, hệ thống chip điện tử sẽ được đấu nối trở lại để tiếp tục “móc túi” khách hàng.

2. Khuếch đại điện áp để thay đổi chỉ số

Cũng giống như mô-tơ nước, hệ thống bơm xăng cũng có một thiết bị đo gắn trên đường ống gọi là cảm biến. Bộ điều khiển chuyển tín hiệu từ cảm biến tới bo mạch bằng điện áp, dòng điện hoặc số xung. Sau đó, bộ vi xử lý sẽ hiển thị thông số trên màn hình. Thông qua màn hình, người tiêu dùng có thế biết khối lượng xăng đã bơm và giá tiền. Để gian lận tiền của khách hàng, các cây xăng sẽ lắp thêm một thiết bị ngay trên đường chuyển điện áp về bo mạch. Tác dụng của thiết bị này là khuếch đại điện áp để tác động vào thiết bị đo lường làm thay đổi chỉ số trên màn hình tự động.

3. Bấm cò vòi bơm xăng

Theo một nhân viên từng làm ở cây xăng, bấm cò cũng là một cách để bớt xén lượng xăng bơm vào xe khách hàng. Đã thành lệ, khách hàng mỗi khi đi đổ xăng đều mua theo số tiền chẵn như 20.000, 30.000 hoặc 40.000 đồng... Lợi dụng tâm lý này, các cây xăng sẽ ăn bớt xăng mà khách hàng không biết.

Ví dụ, nếu khách hàng đổ 50.000 nghìn tiền xăng, nhân viên cây xăng chỉ cần bấm cò vòi bơm 2 lần thì đồng hồ trên màn hình sẽ nhảy lên số tiền 50.000 đồng trong khi lượng xăng bơm vào xe mới chỉ tương đương 30.000 đồng. Tuy nhiên, cách bấm cò để ăn bớt tiền của khách cụ thể như thế nào thì vẫn còn là một điều bí ẩn.

4. Đổ chồng tiền

Đây là cách thức gian lận tiền khá đơn giản, chỉ cần để ý một chút thì người tiêu dùng cũng dễ dàng phát hiện ra. Các nhân viên cây xăng sẽ đổ xăng cho người này rồi tiếp tục đổ cho người tiếp theo mà không ấn đồng hồ về số 0. Cách thức gian lận này thường được áp dụng vào giờ cao điểm khi nhiều khách hàng cùng vào mua xăng một lúc. Ví dụ, có 2 máy bơm xăng đang chạy, một bên đồng hồ đã hiển thị sẵn 20.000 đồng, nhân viên bán xăng sẽ thực hiện thao tác đổ chồng để tiết kiệm thời gian. Lúc này, khách mua xăng đã dắt xe lên phía trước để nhường chỗ cho người xếp hàng đằng sau nên không nhìn rõ số tiền trên đồng hồ. Cứ như thế, nhân viên bán xăng có thể dễ dàng qua mặt khách hàng mà không bị phát hiện.

5. Bơm hơi vào bình xăng của khách

Khi khách hàng đổ xăng với số tiền 30.000 đồng, màn hình mới hiển thị 25.000 thì nhân viên cây xăng đã bí mật ngắt vòi bơm và nhẹ nhàng dốc vòi cho xăng chảy ngược vào trong máy. Sau đó, nhân viên bán xăng tiếp tục bấm vòi để tống hơi vào trong bình xăng của khách vì biết rõ đồng hồ vẫn tính tiền như bình thường. Như vậy, không có thêm giọt xăng nào chảy vào trong bình mà số tiền trên bảng đồng hồ vẫn hiển thị là 30.000 đồng. Cách “ăn bớt” xăng này tương đối phổ biến và được nhiều nhân viên cây xăng lợi dụng.

Ngoài 5 cách gian lận trên, các nhân viên bán xăng còn có một “mánh” khác. Đó là lợi dụng sự sơ ý của người tiêu dùng để rút vòi bơm ra và bấm đồng hồ về số 0. Để thực hiện được cách thức này, phải có sự phối hợp nhanh ý giữa hai nhân viên đứng cùng một máy bơm xăng.

Trên đây chỉ là 5 trong số vô vàn cách “ăn cắp” của một số cây xăng hiện nay. Chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những người tiêu dùng. Trường hợp gian lận điển hình nhất là cây xăng của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân Lộc, đặt tại xóm 7, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 27/7 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ "ăn cắp" xăng lớn nhất từ trước đến nay. Bằng cách sử dụng hệ thống chip điện tử, chủ cây xăng đã thu lời bất chính gần 200.000 triệu đồng. Sau vụ việc này, nhiều người dân tỏ ra lo ngại vì không biết nên mua xăng ở đâu mà không bị “móc túi”. Vẫn còn đó biết bao cây xăng sử dụng nhiều cách thức để lừa dối người tiêu dùng mà chưa bị phát hiện.

Theo 24h

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm