13/01/2020 08:30 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chùa Thanh Mai nằm trên sườn núi, giữa rừng phong, khung cảnh yên tĩnh, trong lành. Đường từ chân núi lên chùa chạy qua rừng, dưới những bóng cây cổ thụ râm mát. Từ độ cao hơn 200 mét nhìn xuống, mái chùa cong nét cổ, núi giăng hàng phía xa, làng mạc trong thung lũng, cảnh sắc gần xa như tranh vẽ.
Chùa được xây dựng từ thời Trần. Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), người nối nghiệp Phật hoàng Trần Nhân Tông, đã mở mang chùa thành chốn tổ của của thiền phái Trúc Lâm vào thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.
Địa điểm xây chùa là núi Thanh Mai, hay núi Tam Ban, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, Hải Dương. Chùa tựa lưng vào núi, nhìn về hướng nam, phía trước là núi Báo Vọng, nơi có mộ Hàn lâm học sĩ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Chùa Thanh Mai có nhiều tháp cổ: Viên Thông Bảo Tháp, xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang xây dựng năm 1702; tháp Linh Quang xây dựng năm 1703 cùng 5 ngôi tháp khác.
Chùa còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm 1362, nói về thân thế và sự nghiệp của thiền sư Pháp Loa. Bia cũng cho thấy hoạt động của thiền phái Trúc Lâm và tình hình tôn giáo xã hội của thời kỳ ấy.
Năm 1992, chùa Thanh Mai được công nhận là di tích văn hoá quốc gia. Chùa được trùng tu, xây dựng trong nhiều năm, đến năm 2005 cơ bản hoàn thành. Các công trình chính của chùa có tam quan, nhà bia, phật điện, nhà tổ, tháp tổ.
Chùa có kiến trúc hình chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, theo phong cách kiến trúc thời Trần. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim, trên mái đắp nổi bốn chữ "Thanh Mai thiền tự".
Hội chùa Thanh Mai diễn ra từ ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm, với nhiều hoạt động phong phú, thu hút du khách gần xa.
Nhà báo Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất