Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé

31/12/2022 14:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Cuộc đua doanh thu giữa phim nội địa và các tác phẩm nước ngoài tại phòng vé Việt 2022 đã sớm ngã ngũ khi Doctor Strange in the Multiverse of Madness ra rạp và thu về hơn 200 tỷ.

Điện ảnh Việt 2022 “chốt sổ” bằng hai tác phẩm cùng ra rạp vào tuần thứ 3 của tháng 12 là Thanh Sói - Cúc dại trong đêm Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên Linh Cái. Sau một tuần phát hành, tính đến hết 30/12, doanh thu của hai tác phẩm hiện lần lượt là 10,9 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng (số liệu từ Box Office Vietnam). Đây là con số khiêm tốn so với những tác phẩm phát hành đón đầu dịp lễ Giáng Sinh và ít nhiều được hưởng ké danh tiếng từ các tựa phim thành công cùng chuỗi đã ra mắt trước đó là Hai Phượng (2019) và Thất sơn tâm linh (2019).

Cục diện phòng vé trong những tuần qua phản ánh tình hình chung của rạp chiếu phim Việt Nam trong năm 2022: Bom tấn ngoại “còng lưng” gánh doanh thu, phim Việt có những đột phá trong ý tưởng nhưng vẫn sa lầy vào những điểm yếu chí mạng tồn tại từ năm này qua năm khác.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 1.

Thanh Sói, Đảo độc đắc vô hình trước Avatar 2, bom tấn ngoại “gánh còng lưng” doanh thu phòng vé Việt

Việc Thanh Sói và Đảo độc đắc chỉ thu về trên dưới 10 tỷ đồng sau gần một tuần trụ rạp là điều có thể dự đoán được. Hai tác phẩm đến từ Việt Nam chỉ như “Châu chấu đá xe” trong cuộc cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của bom tấn Avatar: The Way of Water (2022). Tại Việt Nam, The Way of Water đã bỏ túi hơn 197 tỷ đồng tiền bán vé, nhăm nhe soán ngôi Doctor Strange in the Multiverse of Madness cho ngôi vị phim có doanh thu cao nhất 2022. 

Phim ngoại chiếm phần lớn trong chiếc bánh doanh thu tại phòng vé Việt là điều không còn khiến khán giả bất ngờ. Tuy nhiên, bước sang 2022 - năm mà nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng nhận xét là khoảng thời gian “chứng kiến nhiều thảm họa điện ảnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây" - thế cân bằng mong manh về doanh thu giữa phim nội và phim ngoại đã sụp đổ. 

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 2.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 3.

Avatar: The Way of Water đang càn quét phòng vé Việt Nam cũng như toàn cầu. Phim đã kiếm hơn 1 tỷ USD chỉ sau 2 tuần phát hành (Ảnh: Disney)

Năm 2022, phòng vé Việt xuất hiện 6 tác phẩm vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Trong đó đứng top 5 là các phim ngoại Doctor Strange in the Multiverse of Madness (200,5 tỷ đồng), Minions: The Rise of Gru (199 tỷ đồng), Avatar: The Way of Water (190 tỷ đồng), Bỗng Dưng Trúng Số (181 tỷ đồng), Thor: Love and Thunder (119,5 tỷ đồng)... Nằm ở cuối danh sách, với doanh thu theo công bố của đơn vị phát hành vừa chạm mốc 100 tỷ đồng là Em Và Trịnh - phim duy nhất đến từ Việt Nam. 

Năm 2022 có thể coi là sự thụt lùi của điện ảnh Việt rong cuộc đua với phim ngoại tại phòng vé. Giai đoạn 2019-2021, mỗi năm rạp chiếu phim đều có ít nhất hai tác phẩm nội địa cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Năm 2021, Bố già của Trấn Thành bỏ xa nhiều bom tấn ngoại nhập khi xác lập kỷ lục doanh thu vô tiền khoáng hậu 420 tỷ đồng - cao gấp 1,5 lần thành tích 279 tỷ đồng mà phim siêu anh hùng Avengers: Endgame (2019) từng xác lập tại Việt Nam. 

Không chỉ thua về số lượng, phim trăm tỷ duy nhất - đồng thời là bộ phim nội địa có doanh thu cao nhất - của Việt Nam trong năm 2022 cũng được đồn đoán chỉ vừa đủ hòa vốn. Theo nhiều nguồn tin, bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã tốn tròm trèm 50 tỷ đồng để thực hiện. 

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 4.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 5.

Em và Trịnh là phim Việt có doanh thu cao nhất phòng vé 2022 (Ảnh: Galaxy)

Trên bảng tổng sắp doanh thu phim Việt 2022, xếp vị trí thứ hai là tác phẩm tâm lý, chính kịch Bẫy ngọt ngào của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư với hơn 80 tỷ đồng doanh thu. Đứng thứ ba là phim Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc Nghề siêu dễ, kiếm 68,8 tỷ đồng. Chìa khóa trăm tỷ xếp thứ tư với 65,3 tỷ và Chuyện ma gần nhà đứng thứ năm với 58,8 tỷ đồng. Danh sách này chưa hề thay đổi kể từ tháng 4/2022. 

Trong số trên dưới 40 phim Việt phát hành trong năm 2022, con số tác phẩm đạt doanh thu từ 50 tỷ chỉ đếm được trên đầu ngón tay - với Cô gái từ quá khứ là phim “chốt sổ” ở vị trí thứ 6 với 53 tỷ đồng kiếm về hồi tháng 10/2022. Tổng doanh thu của chùm tác phẩm này chỉ vừa đủ giúp phim Việt rút ngắn khoảng cách về doanh thu với 5 bom tấn ngoại có doanh thu trên 100 tỷ được liệt kê bên trên. 

Phần còn lại của bức tranh doanh thu phòng vé là cuộc chiến không cân sức giữa hàng trăm tựa phim ngoại - mà rất nhiều trong số đó có doanh thu từ 50 tỷ đến 70 tỷ hoặc hơn - với vài chục tựa phim Việt nhưng phân nửa đã bị liệt vào hàng thua lỗ khi chỉ kiếm vài tỷ, vài trăm triệu thậm chí vài chục triệu trước khi âm thầm rời rạp. 2022 là một năm mà phim Việt thua sâu, thua đau trước các tác phẩm ngoại nhập trong cuộc đua doanh thu phòng vé. Đây là một thực tế ta buộc phải thừa nhận trước khi tranh luận những câu chuyện như doanh thu thấp không có nghĩa phim thua lỗ.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 6.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 7.

Thanh Sói - Cúc dại trong đêm được đầu tư tới 46 tỷ đồng nhưng mới chỉ thu về hơn 10 tỷ đồng (Ảnh: Studio68)

Nỗi sầu muôn thuở của điện ảnh Việt

Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói "không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Thế nhưng phim Việt 2022 vẫn trượt dài bởi những tồn tại bao lâu vẫn thế trong xây dựng kịch bản và sự hời hợt trong khâu sản xuất. Các thảm họa điện ảnh Việt Nam 2022 hiện ra muôn hình vạn trạng trên màn ảnh rộng. Nhưng khi bắt bệnh cho chùm phim này, thì mọi triệu chứng đều chỉ quy về hai nguyên nhân: cốt truyện quá tệ và thiết kế mỹ thuật cẩu thả. Đây là những khuyết điểm không còn mới với điện ảnh Việt, nhưng trong một năm có quá nhiều thảm họa điện ảnh như 2022, chúng dường như đã đẩy sức chịu đựng của khán giả tới cực hạn

Người tình, Người thứ ba kể những câu chuyện yêu đương tay ba nhàm chán với cách giải quyết vấn đề cũng không có gì ấn tượng; 578: Phát đạn của kẻ điên lại khiến khán giả ngao ngán vì kịch bản rời rạc, lời thoại lủng củng với nhiều mẫu câu không thể tồn tại trong tiếng Việt; Cù lao xác sống hay Trò chơi tử thần cũng không thoát khỏi cái dớp "nói như rồng leo làm như mèo mửa"… Về mặt thiết kế mỹ thuật cẩu thả, chắc chắn không có bộ phim nào phát hành trong năm 2022 có thể tệ hơn được cặp bài trùng Virus cuồng loạnHuyền sử vua Đinh. Đảo độc đắc vừa ra rạp cũng bị chê vì khâu xử lý kỹ xảo hình ảnh chưa đến nơi đến chốn. 

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 8.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 9.

Khâu thiết kế mỹ thuật của Đảo độc đắc bị chê (Ảnh: IMDb)

Tuy nhiên, công bằng mà nói, không thể phủ nhận điện ảnh Việt 2022 vẫn có những điểm sáng, gợi mở một tương lai đầy hứa hẹn bất chấp tình hình kinh doanh chung bết bát. Năm nay, điện ảnh Việt chào đón nhiều “lần đầu tiên” - các ý tưởng làm phim độc đáo từ dàn đạo diễn thuộc nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, phần hình ảnh táo bạo của nhiều tác phẩm hành động cũng cho thấy sự chịu chơi, chịu chi và sức sáng tạo đến từ các nhà làm phim Việt trong cuộc đua bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày đầu năm mới 2022, phòng vé Việt chào đón Rừng thế mạng, tác phẩm đầu tiên của Việt Nam lấy đề tài sinh tồn. Hồi tháng 4, điện ảnh Việt chào đón bộ phim Đêm tối rực rỡ! của đạo diễn ngoại Aaron Toronto; phim khai thác một cách độc đáo và đầy trào phúng câu chuyện tang ma của người Việt. Giữa năm, Em và Trịnh là tác phẩm thương mại hiếm hoi thuộc thể loại tiểu sử, lấy chất liệu cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ra rạp. Nửa cuối năm, Cù lao xác sống là phim điện ảnh khai thác đề tài zombie đầu tiên của Việt Nam được ra rạp… 

Đây đều là các ý tưởng làm phim độc đáo so với mặt bằng chung của nền điện ảnh dựa quá nhiều vào thể loại tình cảm - hài những năm gần đây. Nó cho thấy quyết tâm thay đổi, sự tìm tòi sáng tạo cũng như liều lĩnh của nhà làm phim khi lựa chọn hướng đi mới nhiều rủi ro. Rừng thế mạng hay Cù lao xác sống không thành công về doanh thu, nhưng là những người mở đường để sau này Việt Nam có thêm nhiều tác phẩm sinh tồn hay phim xác sống chất lượng. Bởi hành trình vạn dặm đều đầu từ một bước chân.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 10.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 11.

Các mặt ưu và nhược điểm của Cù lao xác sống sẽ giúp những tác phẩm tiếp theo khai thác đề tài xác sống của Việt Nam cải thiện về chất lượng (Ảnh: Lotte)

578: Phát đạn của kẻ điên từng là tựa phim hứng chịu chỉ trích của dư luận và rời rạp trong thua lỗ ê chề. Nhưng có một sự thật là khán giả chê nội dung 578, nhưng ít người dám khẳng định phần hành động - đặc trưng là các pha cận chiến quyết liệt giữa nam chính và kẻ thù - của phim hời hợt hay kém ấn tượng. Tương tự, Thanh Sói - Cúc dại trong đêm là tác phẩm gây tranh cãi về nội dung, nhưng luôn nhận được những lời có cánh khi nói về phần kỹ thuật quay phim và chỉ đạo võ thuật. 

Dù hai tác phẩm đều “rớt đài” trong cuộc cạnh tranh doanh thu và chất lượng kịch bản, nhưng tâm huyết mà nhà làm phim dành cho khâu hình ảnh của phim là có, khát vọng mang đến cho khán giả một bộ phim hành động mãn nhãn là có thật. Tinh thần này, cùng với nền tảng công nghệ vã kỹ thuật sử dụng trong 578 Thanh Sói xứng đáng để những nhà làm phim tiếp theo thử sức ở thể loại phim hành động, võ thuật học hỏi.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 12.

Chưa năm nào phim Việt chạm đáy như 2022, bom tấn ngoại gánh còng lưng phòng vé - Ảnh 13.

Kịch bản rời rạc, lời thoại chán, nhưng 578: Phát đạn của kẻ điên vẫn là một tác phẩm sở hữu các phân cảnh hành động đẹp mắt (Ảnh: Lotte)

 

Hoan Ca

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm