25/09/2019 07:02 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - NXB Hội Nhà văn vừa cho ra mắt tác phẩm Chết chịu của nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline (qua bản dịch của dịch giả Dương Tường). Tôi không có ý định bàn về cuốn sách từ phương diện phê bình văn học mà chỉ nhân đây trao đổi một vấn đề ngôn ngữ. Bởi cái tên Chết chịu là một kết hợp lạ tai và chắc hẳn phải bắt nguồn từ một sự lạ nào đó trong cuộc sống.
"Chết chịu" có 2 từ đơn (2 thành tố) theo kết hợp "chết + chịu". Vậy trước hết ta thử bản về một cấu trúc tổng quát "X + chịu" trong tiếng Việt.
Thử thống kê, ta cũng thấy trong tiếng Việt có khá nhiều từ được hình thành theo công thức này: ăn chịu, bán chịu, mua chịu, đong (gạo) chịu, chơi chịu...
"Chịu" trong tiếng Việt, với tư cách một từ độc lập, có tới 7 nét nghĩa: 1. nhận lấy điều không hay, bất lợi cho mình (chịu tội, chịu đòn...); 2. thích ứng hoặc tiếp nhận một tác động nào đó, thường là không hay, từ bên ngoài (khả năng chịu lạnh tốt, chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão...); 3. nợ lại, chưa trả ngay (mua chịu, không bán chịu...); 4. [kng] thừa nhận cái hay, cái hơn của người khác (không ai chịu ai, bà còn phải chịu ông...); 5. [kng] tự nhận bất lực, không kham nổi (chịu không thể nào nhớ nổi, khó quá xin chịu...); 6. bằng lòng, đồng ý, tuy vốn không muốn, không thích (năn nỉ mãi mới chịu giúp, nói mãi mới chịu nghe...); 7. cố gắng làm việc gì đó một cách tự nguyện (chịu học hỏi ở người khác...). (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017)
Như vậy, ta thấy chỉ có nét nghĩa thứ ba của “chịu” (nợ lại, chưa trả ngay) là phù hợp với cấu trúc "X + chịu". Vậy là, “chịu” chỉ có nghĩa này khi là một thành tố đứng sau trong kết hợp với một từ nào đó. Khi đứng độc lập, “chịu” có tới 6 nghĩa còn lại (1, 2, 4, 5, 6, 7) như trong từ điển.
Nhưng chỉ với tư cách là "vai phụ" trong kết hợp, “chịu” lại có một ngữ nghĩa rất riêng, rất đặc biệt.
“Ăn chịu” là "ăn nhưng phải chịu tiền, chưa có tiền trả ngay". “Bán chịu” là "bán hàng (cho ai đó) nhưng chưa lấy tiền ngay, người mua nhận hàng rồi sau một thời gian mới trả tiền". “Mua chịu” tương tự như “chơi chịu” là "mua hàng (của ai đó) hay có hành vi chơi bời (nào đó) nhưng chưa trả tiền ngay mà trả sau"... Tất nhiên, hành vi "chịu" đó chỉ xảy ra khi có sự đồng ý giữa hai bên (trong quan hệ mua/bán, cho/nhận) và theo một thoả thuận nhất định (phải trả trong khoảng thời gian nào đó chứ không được kéo dài quá mức bình thường).
Trong cuộc sống, nhất là ngày xưa, không ít trường hợp người ta phải lùi thời hạn thanh toán cho ai đó mà theo thông lệ trao đổi cần phải "tiền trao cháo múc". Vì hoàn cảnh: một bên khó khăn, bên bán tạm bán vì thông cảm hoặc để giữ khách. Tuy nhiên, chuyện cho "chịu" như thế nhiều khi cũng kèm điều kiện (bên trả chịu kia khi trả phải kèm lãi hay thế bằng một vật dụng có giá trị hơn, mới đáng để "chịu thiệt lâm thời")…
***
Phân tích kỹ như thế để chúng ta quay lại xem xét cấu trúc "chết chịu" lạ lùng kia. Bởi "chết" (chấm dứt sự sống) là tuân theo quy luật sinh tử ở đời. “Sinh có hạn, tử bất kỳ”. Không ai biết trước và không ai có thể "giao kèo" với tạo hoá về cái chết của mình (Trời kêu ai nấy dạ).
Dịch tổ hợp tiếng Pháp (Mort à crédit) là "chết chịu", người dịch đã dựa trên những tình tiết éo le, đặc biệt của câu chuyện liên quan tới nhân vật chính (bác sĩ Ferdinand Bardamu) với những thăng trầm nghiệt ngã: Một cuộc đời tưởng chừng vô vọng không lối thoát bỗng dưng sang trang mới nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh và lạ kỳ. Theo các nhà phê bình văn học, đây là "một tiếng kêu hận thù và tuyệt vọng", "lời trách móc cay đắng trước số phận".
Giải thích lí do chuyển ngữ tên sách là "Chết chịu" mang tính "gây hấn" này, dịch giả Dương Tường nói rằng: "Người ta thường mua chịu, bán chịu, chưa ai nói chết chịu. Nhưng ở đây, đến cái chết còn không đủ". Số phận của nhân vật nghiệt ngã tới mức "chết chưa được chết, chết mà chưa dám chết, phải sống để trả cho xong những trái ngang, oan trái ở đời". Một cái "chịu" đắng cay làm sao.
Chính cuộc sống đã "cấp" cho từ ngữ những kết hợp mới. Hãy coi "Chết chịu" là một trong những ví dụ sống động như thế. Cấu trúc "X + chịu" trong tiếng Việt đã có thêm một biến thể hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ, hoàn toàn khác.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất