Chữ và nghĩa: Shipper và… hơn thế nữa

22/06/2022 07:14 GMT+7

Báo Tuổi trẻ (ngày 16/6/2022) có rút một cái tít trên trang 1, nhan đề “Shipper tắt app, chuyển nghề”. Sau đó, cộng đồng các facebooker đã diễn ra một tranh luận khá sôi động về việc “nên hay không nên sử dụng hai từ tiếng Anh (shipper, app) ở đây?”.

Chữ và nghĩa: Mắm mặn chết dòi

Chữ và nghĩa: Mắm mặn chết dòi

Đây có phải chỉ là kinh nghiệm làm mắm không nhỉ?

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một luồng ý kiến cho rằng, tại sao không viết là “Người giao hàng tắt ứng dụng, chuyển nghề”, vừa diễn đạt đúng nội dung, vừa giữ được sự trong sáng tiếng Việt. Dùng chen tiếng Anh như thế là lai căng, sính ngoại (nhất là trên báo chí, càng nên tránh).

Một luồng khác lại ủng hộ và cho rằng, nhiều từ nước ngoài (Hán, Pháp, Anh) đã được Việt hóa, quen thuộc đến mức không có gì là xa lạ, khó hiểu. Các từ ngữ như vậy đã đi vào kho tàng tiếng Việt và truyền thông sử dụng cũng là bình thường…

Dù chỉ là cuộc tranh luận trên diễn đàn mạng trong phạm vi nhỏ, nhưng nó lại động chạm tới một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay: Sử dụng từ ngữ nước ngoài (ở đây là tiếng Anh) như thế có nên? Nếu có thì ở chừng mực nào thì chấp nhận được?

***

Shipper là một danh từ tiếng Anh, có nghĩa là “người giao hàng”. Giao hàng có thể giao trực tiếp, có thể gửi qua một trung gian và cũng có thể là người sắp xếp hàng gửi đi (trên tàu xe, qua bưu điện…).

Thử vào Google gõ từ khóa “shipper”, máy lập tức cho hơn 50 triệu kết quả. Còn các bài viết liên quan tới hoạt động của shipper (chỉ ở Việt Nam) thì có thể có hàng ngàn bài. Rõ ràng, đây đang là một hoạt động rất thông dụng trong giao dịch (thương mại, mua bán) hiện nay. Hoạt động này đặc biệt đắc dụng trong mấy năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn, thậm chí có lúc làm tê liệt các giao dịch thông thường.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Mọi nhu cầu ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống. Không có một sản phẩm hoặc sự kiện ngôn từ nào xuất hiện lại không có lý do của nó. Trong các từ ngữ phát sinh trong ngữ vựng tiếng Việt xuất phát từ nhân tố “nội sinh” và “ngoại sinh”. Tiếng Việt trong lịch sử mấy ngàn năm qua đã thu nạp và làm giàu cho vốn từ của mình không ít từ tiếng Hán (trên 35%, theo thống kê mới nhất của các nhà từ điển học), tiếng Pháp (khoảng trên ٢.٠٠٠ từ) và gần đây là tiếng Anh.

Các từ nhập ngoại, có thể vì tiếng Việt chưa có (bê-tông, camera, complet, cravate, các-vi-dit, GDP, ghi-đông, gram, kilogram, lốp, ô-tô, săm, gác-ba-ga, xích…). Nhưng cũng thể là từ tiếng Việt đã có nhưng vẫn nhập vì nét nghĩa không hoàn toàn trùng khớp với từ Việt (bolero, gala, festival, file, marketing, studio…). Và cũng có thể là bản thân tiếng Việt đã có từ đó, nhưng vẫn nhập cho “song hành” tồn tại (lưỡng khả) và sử dụng trong từng ngữ cảnh thích hợp.

Chẳng hạn, từ MC (master of ceremony) có nghĩa là “người dẫn chương trình”, shopping có nghĩa là “mua sắm”, laptop có nghĩa là “máy tính xách tay”, comment có nghĩa là “bình luận”, bye có nghĩa là “tạm biệt”, OK có nghĩa là “tốt, được, đồng ý”… Có thể nói rất nhiều. Tần số sử dụng các từ tiếng Anh như vậy nhiều đến nỗi mọi người Việt đều cảm thấy bình thường. Thống kê cho thấy số người Việt sử dụng một số từ (như bye, check-in, laptop, micro, module, OK, play-off, pressing, shopping, VAR, U17, U19, U23, USB,…) còn cao hơn biến thể Việt tương đương.

Sở dĩ như vậy, cũng vì các từ này: 1) đã quá quen thuộc; 2) nói (và viết) ngắn gọn hơn, có tính định danh (chứ không phải là một tổ hợp tự do); 3) gần với ngữ cảnh đang dùng, đã được quốc tế hóa (trong xu hướng hội nhập).

Chẳng hạn, từ “tivi” đang thắng thế so với “máy thu hình”, “MC” dùng nhiều hơn “người dẫn chương trình”, “online” thì trở nên quá thông dụng, hơn hẳn “trực tuyến”, “SEA Games” thì mọi người Việt đều hiểu và thấy gọn nhẹ hơn tổ hợp “Đại hội thể thao Đông Nam Á”…

***

Việc dùng các từ nhập ngoại này hoàn toàn không chỉ trong cách nói khẩu ngữ. Khi từ ngoại được chấp nhận “nhập tịch”, nó hoàn toàn được “đối xử” bình đẳng như các từ Việt khác. Báo Tuổi trẻ giật tít “Shipper tắt app, chuyển nghề” cũng bình thường với phong cách báo chí (lạ, gây ấn tượng, phù hợp với nhận thức của cộng đồng ngôn ngữ và không hề gây trở ngại trong giao tiếp).

Các nhà từ điển gần đây đã thống kê không ít các từ tiếng Anh, bổ sung vào từ vựng tiếng Việt cho toàn dân. Cuốn Từ điển từ mới (khoảng 1.000 từ) do Viện Ngôn ngữ học biên soạn đã được NXB TP.HCM ấn hành năm 2002 chỉ là một ví dụ; sẽ còn tiếp tục công bố những cuốn tiếp theo.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm