Chữ và nghĩa: 'Đêm hôm qua cầu gãy'

23/03/2022 07:26 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi nhớ đến ví dụ này (Đêm hôm qua cầu gãy) khi gần đây nhiều người phản ứng về tít báo nhan đề “Quyết định liều tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi” và cho rằng tít này vừa “tối” vừa không hay. Ngay sau đó, trên mạng xuất hiện một số câu mà chắc là nhiều người nói tiếng Việt đều cảm thấy “có vấn đề” về cách hiểu:

Chữ và nghĩa: Ngoáy và chọc ngoáy

Chữ và nghĩa: Ngoáy và chọc ngoáy

“Ngoáy” và “chọc ngoáy” là 2 động từ quen thuộc trong tiếng Việt. Càng quen thuộc hơn vì gần đây nó được nhắc đến nhiều (tới mức kỷ lục) trong kết hợp từ “ngoáy mũi” - thao tác bắt buộc trong quy trình xét nghiệm Covid-19 được thực hiện thống nhất trên toàn cầu.

- Bún chả ngon hay bún chả ngon?

- Cột điện cao thế hay cột điện cao thế?

- Hổ mang bò lên núi hay hổ mang bò lên núi?

- Năm con hổ đang đến hay năm con hổ đang đến?

“Có vấn đề” là các cấu trúc này sẽ dẫn đến ít nhất có 2 cách hiểu. Hiện tượng này các nhà ngữ học thường gọi là “ambiguous” (lưỡng nghĩa), hay là biểu hiện của “câu mơ hồ” (câu không rõ ràng về ngữ nghĩa, có thể hiểu theo hai hay nhiều hướng). Trong một số ngôn ngữ biến hình (như tiếng Nga chẳng hạn), do các quy tắc ngữ pháp rất chặt chẽ nên sự mơ hồ của các kết hợp là rất hạn chế (dù vẫn có). Tuy nhiên, với ngôn ngữ đơn tiết như tiếng Việt thì chuyện hiểu sai cấu trúc rất dễ xảy ra.

Trở lại ví dụ ban đầu. Ta thấy câu “Đêm hôm qua cầu gãy” có thể được hiểu là: 1) “Đêm hôm qua (chứ không phải đêm hôm kia hay một đêm nào đó) cầu bị gãy. Hoặc 2) “Đêm hôm (khuya khoắt đi) qua cầu gãy”. Rõ ràng, việc phân tán hai cách hiểu là do cách ngắt dòng tổ hợp “đêm hôm qua” (đêm hôm qua, đêm hôm/ qua).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Có một ví dụ đã đi vào giai thoại dân gian. Đó là chuyện một bác nông dân làm đơn mổ con trâu nhà mình. Đưa lên quan, quan không đồng ý, phê: “Trâu cày không được thịt” (Trâu dùng vào việc cày ruộng, không được giết thịt). Nhưng sau đó, con trâu xấu số kia vẫn bị giết. Khi được hỏi sao chống lệnh, bác nông dân nói: Tôi làm đúng lệnh. Quan phê “Trâu cày không được, (thì) thịt” mà!”. Cái dấu phẩy “tai quái” mà người nông dân ranh mãnh cố tình đặt sai kia đã giúp cho ông trắng án.

Tương tự, các cấu trúc “bún chả ngon” sẽ được hiểu: 1) “bún chả (này) ngon” hoặc 2) “bún (này) chả (chẳng) ngon”. “Cột điện cao thế” sẽ được hiểu: 1) “cột điện (này) cao thế” (lời đánh giá) và 2) chỉ một loại cột điện (“cột điện cao thế” khác với “cột điện thấp (hiệu điện) thế”). “Hổ mang bò lên núi” có thể hiểu: 1) “(con) hổ mang (tha) (con) bò lên (trên) núi” và 2) “con (rắn) hổ mang bò (lên) trên núi”..

Tất cả các ví dụ trên đều có thể triệt tiêu tính mơ hồ bằng một ngữ cảnh “đủ bề rộng”. Chẳng hạn, ai đó nói: “Cái cầu ấy đã có bao nhiêu năm. Vậy mà, đêm hôm qua cầu gãy rồi đó”. Sẽ hoàn toàn khác với ai đó nói “Một thân một mình, đêm hôm qua cầu gãy làm gì. Nguy hiểm lắm!”. Tương tự, ai đó nói: “Bún chả ngon đấy! Cậu nên đi ăn!” sẽ khác hẳn “Bún chả ngon! Tớ thích bánh cuốn hơn!”. Hay “Đang online thì mất mạng” sẽ khác hẳn “Đừng có đùa vào điện, mất mạng như chơi!”, v.v…

Tuy nhiên, sẽ có những câu hoàn chỉnh lại mơ hồ, khó phân tích. Vì cứ “chiếu” theo trật tự cú pháp thì rất dễ hiểu sai. Ví dụ câu “Anh bộ đội cám ơn người nông dân thành thực”. Vậy nên hiểu “Anh bộ đội cám ơn người nông dân một cách thành thực” hay “Anh bộ đội cám ơn người nông dân vì người này đã tỏ ra thành thực”? Lời dặn của người cha với con trai: “Đừng uống chè, uống rượu con nhé! Đừng đánh cờ, đánh bạc con nhé!” thì anh con trai có thể hiểu “Cha dặn mình “đừng uống chè, đừng đánh cờ” còn “uống rượu, đánh bạc” thì được”.

Tương tự, tít bài “Mỹ đang tìm cách cô lập Nga khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine” trên một tờ báo vừa qua khiến người đọc có thể hiểu hành động “mở chiến dịch quân sự ở Ukraine” có thể do Mỹ chứ không phải Nga.

Còn tít bài “Quyết định liều tiêm cho trẻ 5- 11 tuổi” rất có thể được hiểu là một “quyết định liều lĩnh” chứ không phải “quyết định về “lượng vừa đủ cho một lần dùng (liều) khi tiêm cho trẻ”. Vì là tiêu đề nên khi đọc qua, người đọc dễ hiểu sai. Còn nếu là một câu trong bài thì người đọc dựa vào ngữ cảnh sẽ “giải mã” chính xác nội dung cần truyền đạt.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm