Chữ và nghĩa: 'Quá đát', 'hết đát'… vẫn dùng đấy thôi!

09/10/2019 07:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Đát” ở đây dĩ nhiên không phải là một từ thuần Việt. Trong tiếng Việt xưa nay, “đát” chỉ có mặt là một thành tố trong kết hợp duy nhất là “bi đát”. “Đát” trong “quá đát” là cách phát âm (dù chưa chuẩn) của một từ tiếng Anh: date, có nghĩa là ngày (tháng).

Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua

Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua

Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu từ tuần này, TT&VH khởi đăng mục "Chữ và nghĩa" với hy vọng có thể trở thành một diễn đàn nho nhỏ để cùng bạn đọc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Quá đát” là một tổ hợp từ nửa ta, nửa Tây mà chắc chắn là không xa lạ gì trong giao tiếp tiếng Việt những năm gần đây.

Bây giờ, nếu ai đó bước chân vào hiệu thuốc hoặc siêu thị, cầm bất kỳ một vỉ thuốc hay một đồ hộp nào đó, việc đầu tiên là họ lật món hàng đó lên ngắm nghía, cố tìm cho được một dòng chữ, in khuất nẻo ở góc. Dòng chữ này có giá trị vô cùng quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định tới việc mua hay không mua của khách hàng.

Đó là những ký hiệu bắt buộc, in thời hạn sử dụng của sản phẩm. Chẳng hạn, dòng chữ ấy có thể là: EXP. (EXPIRE) DATE: 02.07.19 (hoặc 020719, 02july19...); có nghĩa là: Ngày còn hiệu lực (ngày còn giá trị sử dụng) của sản phẩm đó là 2/7/2019.

Nếu đầy đủ hơn, người ta có thể ghi cả ngày xuất xưởng (PRODUC. DATE), nhưng đại đa số người ta chỉ ghi vắn tắt một chỉ số về ngày, tháng, năm. Thông tin này mặc nhiên được hiểu đó “là thông báo của nhà sản xuất về thời hạn sử dụng món hàng đó”. Và trong trường hợp thời gian (ngày) sử dụng của sản phẩm đã qua rồi, người ta thường gọi đó là “hàng quá đát” hay “hết đát”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Hàng quá đát” như vậy được coi là hàng mất phẩm chất, cần bị loại bỏ, không đem ra sử dụng được nữa. Đây là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá giá trị sử dụng của hàng hóa (thường chỉ dùng cho các loại thuốc tân dược và thực phẩm đóng hộp hàng loạt).

Hàng mà gọi là “quá đát” thì coi như bỏ đi, “cho cũng không thèm lấy” chứ đừng nói tới chuyện bán mua. Đã qua rồi cái thời kỳ “điếc không sợ súng”, sữa hộp để lâu ngày vẫn luộc lên để dùng; bánh quy hộp để qua năm vẫn mở ra “chiêu đãi” khách quý; cũng như thuốc Tây để mãi, ngả màu lấm tấm mốc vẫn đem bán và uống rất “vô tư”...

Tuy nhiên, về mặt ngôn ngữ, tại sao người ta lại thích nói “quá đát” (một kết hợp rất “cọc cạch” về cấu trúc), chứ không dùng một cụm từ đồng nghĩa, tường minh của tiếng Việt là “quá (thời) hạn sử dụng”, hay “hết hạn dùng”? Phải chăng là một lối nói mang tính thời thượng?

Theo chúng tôi, trước hết là do cách nói “quá đát” có tính cụ thể hơn, dùng cho một phạm vi hẹp, chỉ áp dụng cho những mặt hàng thực phẩm và thuốc men. Đó là những mặt hàng mà thị trường tiêu dùng quốc tế đòi hỏi nghiêm ngặt phải ghi chính xác thời hạn sử dụng tới từng ngày. Nói “đát” chính là nhấn mạnh tới tiêu chuẩn này. Nó dễ gây liên tưởng và mang tính cập nhật trong bối cảnh giao tiếp hiện hữu. “Đát” (cũng như một vài từ khác nữa) như một dấu tích ghi nhận một hiện tượng xã hội về thái độ cần có trong thị trường tiêu dùng.

Thứ hai, nói “quá đát” có sắc thái biểu cảm cao hơn. Nó dễ tác động tới người nghe. Với hai âm tiết đơn giản, lạ tai, gây ấn tượng mạnh tới người nghe và vì thế, tăng sự chú ý và rất đắc dụng trong lối nói khẩu ngữ. “Thời hạn sử dụng” vừa mang sắc thái trung hòa, vừa có thể áp dụng trong một phạm vi rộng, cho nhiều loại hình đối tượng.

Người ta có thể dùng “thời hạn sử dụng” đối với nhà cửa, đường sá, máy móc, vật tư các loại... mà đối với những đối tượng này, độ chính xác về thời gian không gắt gao lắm. Một chiếc ô tô, một chiếc máy chụp X quang, một chai dầu nhớt... quá hạn sử dụng hàng tháng (thậm chí hàng năm) có lẽ cũng không sao (!). Nhưng một hộp sữa mà hạn ghi sử dụng đã gần hết, hoặc có khi cũng còn năm, bảy ngày nữa là cũng đủ làm cho người mua bỏ qua.

Chính nhờ những khác biệt về nội hàm và ngoại diên như vậy mà “quá” đát” có một “ưu thế” riêng. Nó nhanh chóng được chấp nhận và sử dụng khá rộng rãi trong giao tiếp tiếng Việt. Thậm chí nó còn mở rộng “địa bàn” hoạt động, có mặt ở những phạm vi và nội dung ngữ nghĩa hoàn toàn khác: có hàng quá đát thì cũng có người quá đát, và cả những gì vô hình, không nắm bắt được như tình yêu cũng “quá đát”... (Cứ theo đà này thì nhiều người nói đùa là có khi cả Thượng đế rồi cũng quá đát!). Ngay trên sách báo cũng có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ: Một thế kỷ sắp bắt đầu. Nhiều giá trị đã lỗi thời như một thứ tiền “quá đát” vô dụng; Đôi ta còn có những gì/ Người thì quá đát, tình thì quá ôi; Nhiều vận động viên đã hết thời..., nói như những người trong cuộc là “quá đát” nhưng vẫn đắt giá ở giải quốc gia; Thôi em bỏ cái kiểu nghĩ ấy đi, lạc hậu “quá đát” lắm rồi...

Đây là một hiện tượng tạo từ theo hướng ngoại nhập và bắt đầu bằng con đường truyền khẩu, một hiện tượng khá phổ biến trong những năm gần đây, mặc dù không hẳn là bản thân tiếng Việt không có từ tương đương (Như chúng ta vẫn nói phôtô (photocopy) thay vì sao chụp; ti vi (television) thay vì máy (thu) vô tuyến truyền hình; trang web (hay website) thay vì trang tự giới thiệu, tự quảng cáo; penalty thay cho quả phạt đền, quả phạt 11 mét...). Và mặc dù những lối nói kiểu như “quá đát” đang được mọi người hào hứng chấp nhận, nó vẫn cần có một thời gian để thích ứng và khẳng định khả năng tồn tại của mình trong vốn từ tiếng Việt.

Tình ta còn chút ấy thôi

Em xưa đã “quá đát” rồi còn đâu!

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm