Chữ và nghĩa: Mèo già hóa cáo hay mèo lại hoàn mèo?

28/01/2023 08:29 GMT+7 | Văn hoá

Năm 2023 đã đến. Theo âm lịch, năm này được gọi là Quý Mão, theo cách tính hệ can chi - một loại lịch cổ truyền của một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Mão (卯) là chi thứ tư trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) lấy con mèo làm vật tượng trưng. Nhân năm Quý Mão, ta cùng tìm hiểu hai thành ngữ liên quan đến loài Mèo.

Mèo già hóa cáo

Người Việt Nam ta (nhất là các gia đình ở nông thôn), thường có thói quen nuôi mèo (trong số các gia súc, gia cầm cần nuôi, như trâu bò, lợn gà, chó mèo, ngan vịt…). Bây giờ nhiều gia đình nuôi mèo (một loại thú cưng) để làm cảnh, chứ ngày xưa (và cả hiện nay), mèo luôn được coi là con vật hữu ích. Mèo được coi là "chuyên gia bắt chuột".

Mèo mướp (mèo có bộ lông màu xám tro, có vằn đen), mèo mun (mèo có bộ lông đen tuyền), mèo nhị thể (mèo có bộ lông có hai màu, thường là vàng và trắng) mèo tam thể (mèo có bộ lông có ba màu, thường là đen, vàng và trắng) đều có bản năng bắt chuột như nhau. Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy các chú mèo có thói quen kiên nhẫn, ngồi im lìm không động đậy hàng giờ trong góc nhà, hẻm tối. Mắt mèo rất tinh (giống như mắt cú mèo, cú vọ), nhìn thấu mọi vật giữa ban ngày hay ban đêm. Bất luận một con chuột nào ló đầu chạy ra là "a lê, hấp!", mèo bật dậy như lò xo, phóng như tên bắn và chỉ trong nháy mắt đã dùng móng vuốt quặp chặt và kết liễu con chuột bằng hàm răng nhọn hoắt.

Chữ và nghĩa: Mèo già có hóa cáo, hoặc mèo có lại hoàn mèo? - Ảnh 1.

Mèo mướp

Cứ theo logic mà suy, mèo bình thường đã khôn, thì khi già lại càng khôn hơn. Dân gian có câu "mèo già hóa cáo" ("Rắn già rắn có mào/ Mèo già hóa thành cáo"), ý nói mèo khi đã già sẽ lọc lõi, rất quái và có phẩm chất chẳng khác gì loài cáo.

Cáo là loài thú ăn thịt, gần giống chó, có chân thấp, tai to, mõm dài và nhọn. Cáo chuyên sống trong rừng và đặc biệt rất tinh khôn.

Vì vậy, không ít người cho rằng, nuôi lũ mèo già chỉ có hại. Nó không chỉ tinh ranh trong việc ăn vụng (cá kho, tôm rang, thịt kho…) mà còn rình lúc sơ hở bắt gà con, vịt con để ăn thịt. Người ta nhắc nhở nhau "Chó treo mèo đậy". (Muốn bảo quản thực ăn, thực phẩm, thì nhà có mèo phải đậy điệm thật kĩ, còn nhà có chó thì phải treo cao). Người ta còn khuyên, tốt nhất là tìm cách trừ khử lũ mèo già nua đi cho khỏi tốn cơm và khỏi mất an toàn mọi thứ.

Thực tế, không có bất cứ con mèo nào trên đời này (dù già đến mấy) lại có thể biến thành cáo cả. Mèo già biến thành cáo tức là đã có sự chuyển đổi lớn về chất. Quy luật "lượng đổi chất đổi" không đúng trong trường hợp này. Dân gian dùng thành ngữ này với ý ẩn dụ: Ở đời, có những người sống lâu, từng trải, có nhiều mánh lới, dễ biến chất để trở thành một người khôn ngoan lọc lõi, có nhiều mưu mô, thủ đoạn.

Mèo già vẫn chỉ mèo thôi

Chứ không thành cáo như đời nghĩ đâu

Chữ và nghĩa: Mèo già có hóa cáo, hoặc mèo có lại hoàn mèo? - Ảnh 2.

Mèo lại hoàn mèo

Truyện dân gian kể một người nuôi mèo, nghĩ nó quá khôn ngoan, tài giỏi, nên đặt tên là Trời.

Một hôm, có một ông khách đến chơi, thấy sự lạ mới hỏi rằng:

- Sao ông lại dám gọi nó là con Trời?

Chủ nhà đáp:

- Con mèo của tôi quý hóa có một không hai. Gọi nó là con mèo thì không được. Phải gọi là con "Trời" mới xứng đáng, vì không ai hơn được Trời.

Ông khách hỏi:

- Thế mây chẳng che được trời là gì?

Chủ nhà bảo:

- Thế thì tôi gọi nó là con Mây.

Khách lại hỏi:

- Thế nhưng gió lại đuổi được mây!

Chủ nhà lại bảo:

- Thế thì gọi nó là con Gió.

- Thế nhưng thành lại cản được gió!

- Thế thì tôi gọi nó là con Thành.

- Thế nhưng chuột lại khoét được thành!

- Thì tôi gọi nó là con Chuột.

- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!

Chủ nhà nghĩ ngợi rồi tặc lưỡi bảo:

- Rắc  rối nhỉ? Thôi thì tôi lại cứ gọi nó là con Mèo như trước vậy.

Thoạt nghe, câu chuyện trên có vẻ chỉ là một chuyện tầm phào, nói tếu táo cho vui. Nhưng thực chất, đây là một truyện ngụ ngôn (được xây dựng theo cấu trúc "A lại hoàn A", hoặc A vẫn là A).

Lấy chủ đề con mèo, truyện mang một triết lý: Tên gọi (và đặc trưng, tính chất) mọi sự vật, hiện tượng đã được xác định trong hệ thống ngôn ngữ (của cộng đồng) thì chúng ta phải chấp nhận, không tùy tiện thay đổi theo ý thích. Nếu thay đổi, chỉ một thành tố thôi, sẽ phá vỡ cấu trúc và làm rối loạn cả hệ thống.

Tên gọi là một cách định danh sự vật trong cuộc sống. Nó phải tuân thủ logic, trật tự và lớp lang, hàng lối. Hãy tôn trọng trật tự ngôn ngữ như trật tự cuộc đời như nó vốn có. Nên "mèo lại hoàn mèo" là đương nhiên.

Tên gọi có lối, có hàng

Chớ nên thay đổi mà ngang cua bò.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm