Chữ và nghĩa: Mềm và cứng

31/03/2021 07:12 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bây giờ, giở qua các trang quảng cáo, rao vặt trên báo, ta thường bắt gặp các nội dung, đại loại: Công ty cần tuyển gấp một số nhân viên: 2 đứng quầy bán, 1 kế toán, 3-4 ship hàng. Yêu cầu: Nam hoặc nữ, tuổi 20-35, có năng lực nghiệp vụ và khả năng giao tiếp (thêm tiếng Anh càng tốt). Thời gian làm việc theo yêu cầu công ty và theo thỏa thuận. Lương cứng: 7-9 triệu đồng/ tháng (tùy công việc) v.v…

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)...

Vậy ngoài "lương cứng" có "lương mềm" không? Và cần phải hiểu 2 khái niệm này thế nào cho đúng?

“Mềm” và “cứng” là 2 tính từ quen thuộc, nằm trong cặp từ trái nghĩa của tiếng Việt.

Trong Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), “cứng” được phân tách thành 9 nét nghĩa: 1. có khả năng chịu đựng tác động của lực cơ học mà không bị biến dạng (cứng như thép); 2. mạnh mẽ và có khả năng chịu tác động bất lợi từ bên ngoài mà không bị lay chuyển hoặc thay đổi bản chất (lý lẽ rất cứng); 3. [kng] có trình độ, năng lực khá so với yêu cầu (tay nghề thuộc loại cứng); 4. [kng] có số lượng, mức độ coi là hơi cao so với yêu cầu hoặc so với mức thông thường (giá ấy cứng quá, không mua được); 5. ở trạng thái mất khả năng biến dạng, cử động, vận động (xi măng chết cứng, chân tay tê cứng); 6. không còn cách nào có thể thay đổi được, đành phải chịu (chịu cứng, không cãi vào đâu được); 7. thiếu sự uyển chuyển, sinh động trong cử động, động tác (động tác múa còn cứng, nét vẽ hơi cứng); 8. thiếu sự linh hoạt trong cách đối xử, ứng phó, do quá nguyên tắc, không thay đổi cho phù hợp với yêu cầu khách quan (tính ông ấy cứng lắm, khó mà xoay chuyển được); 9. [thức ăn] hơi mặn, không dịu (đậu phụ kho hơi cứng).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn “mềm” có 4 nét nghĩa: 1. dễ bị biến dạng dưới tác động của lực cơ học (mềm như bún); 2. có khả năng làm những động tác nào đó và chuyển đổi động tác một cách rất dễ dàng, tự nhiên (tay múa rất mềm); 3. dễ dàng có những nhân nhượng tùy theo hoàn cảnh, trong quan hệ đối xử (đấu tranh có lúc mềm, lúc cứng); 4. [kng] rẻ, dễ được chấp nhận (mua được với giá rất mềm).

Nếu đối chiếu với nội dung định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (hiện có) thì không thể tìm ra một nét nghĩa thích hợp trong "lương mềm/ lương cứng".

"Lương cứng" là "thù lao (chắc chắn) được nhận theo mức quy định của chủ sử dụng lao động với người lao động, ổn định theo từng tháng". Với người làm công ăn lương, họ sẽ thường xuyên nhận được theo chu kỳ (thường tính bằng tháng) một mức thù lao theo công việc (có thể theo hệ số ngạch, bậc, có thể theo thỏa thuận 2 bên).

"Lương mềm" là một cách nói, chỉ "thù lao bổ sung ngoài lương cứng, căn cứ vào hiệu quả công việc (vượt định mức hàng tháng) hay sáng kiến xuất sắc (đem lại lợi ích cho chủ lao động), hay tiền phụ cấp, tiền thưởng giữa kỳ, cuối năm, ngày lễ Tết...".

Hoặc, bây giờ đi ra đường, khi tham gia giao thông, ta thường thấy nói tới "dải phân cách cứng" và "dải phân cách mềm". Thực ra, chỉ có "dải phân cách cố định" và "dải phân cách di động". “Dải phân cách cố định” là "dải phân cách có vị trí cố định trên mặt đường (giữa, 2 bên) và được phân chia bằng một vật liệu cứng, bền chắc (như bê tông, rào sắt)". Còn “dải phân cách di động” là "dải phân cách có thể di chuyển theo bề rộng mặt đường, được tạo bởi các cột bê tông hoặc nhựa composite có thể xê dịch tùy theo yêu cầu".

Hoặc, trong công nghệ thông tin - tin học, có 2 khái niệm rất thông dụng: "bản cứng", "bản mềm", để phân biệt, “bản cứng” là "bản in ra giấy, đóng thành tập" (nhìn thấy, cầm nắm được) với “bản mềm”, tức bản điện tử (bản lưu bằng kỹ thuật số, chỉ đọc được trên thiết bị điện tử).

Cách nói (và viết) "lương cứng, lương mềm", "dải phân cách cứng, dải phân cách mềm", "bản cứng, bản mềm" là những cách nói khẩu ngữ. Tuy nhiên, từ cách dùng thông dụng và phổ biến hiện nay, “Từ điển tiếng Việt” có thể tham khảo và bổ sung những nét nghĩa mới sao cho phù hợp.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm