30/11/2022 07:48 GMT+7 | Văn hoá
"Có lưng không có bụng, có bụng lại chẳng có lưng". Có phải đây là một câu tục ngữ đã quá tường minh về ngữ nghĩa? Bởi "bụng" và "lưng" là hai bộ phận cơ thể rất quen thuộc. Làm gì có chuyện ai đó chỉ có lưng mà không có bụng (và ngược lại)?
Vậy ta phải truy tìm ngữ nghĩa đích thực mà dân gian định gửi gắm ở câu tục ngữ này. Trước hết, "lưng" ở đây hoàn toàn không phải là… "lưng". Cũng lạ đấy nhỉ?
"Lưng", một danh từ có nhiều nghĩa. Ngoài nghĩa đã nói ở trên, "lưng" còn được dùng để chỉ một loại "bao dài và hẹp, hai đầu không may bít, thường được người xưa dùng để buộc quanh thắt lưng làm đồ trang sức/ làm ví đựng tiền" (Nguyễn Đức Dương, Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010). Theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) thì "lưng" là "dải hoặc bao dài bằng vải buộc cho đẹp, hoặc [thời trước] để đựng tiền, thường dùng để chỉ tiền riêng, tiền vốn" (Ví dụ: "Bõ công cha mẹ sắm sanh/ Tiền lưng gạo bị cho anh vào trường" - ca dao). Lưng này gần với một vật dụng khác ngày xưa dân gian hay dùng là "ruột tượng" (bao vải dài dùng để đựng tiền hay gạo, đeo quanh bụng hoặc ngang lưng, Từ điển tiếng Việt, đã dẫn).
Thế là ta đã lần ra nét nghĩa của "lưng" trong câu tục ngữ. Và từ đây, ta thấy sáng ra ẩn ý: "Lưng" biểu trưng cho lưng vốn, tiền bạc. Còn "bụng" (hay "lòng", "dạ") biểu trưng cho ý nghĩ, tình cảm của con người.
Từ ẩn ý này mà suy ra hàm ý: "Kẻ sẵn tiền trong lưng thường ít có lòng nhân đức; kẻ giàu lòng nhân đức thường trong lưng lại ít khi sẵn tiền. Hay dùng để nói về một tình cảnh trái khoáy nhưng lại rất hay gặp ở đời. Kẻ lắm của thường ít có lòng nhân; kẻ giàu lòng nhân lại ít khi có của" (Từ điển tục ngữ Việt, đã dẫn).
Cái gọi là "trái khoáy" là ở cách sử dụng từ ngữ. Bình thường, bất luận ai đó đều phải "có lưng và có bụng". Hai bộ phận cơ thể này hiển nhiên không thể tách rời. "Có lưng không có bụng" là một thủ pháp chơi chữ bằng cách hoán dụ (lưng không còn là lưng, bụng không dùng chỉ bụng), từ đó mà mang nghĩa ẩn dụ. Câu tục ngữ mang một triết lý nhân sinh. Sự không ăn nhập giữa "lưng" và "bụng" chính là sự bất thường vẫn có trong cuộc sống. Tiền bạc và lòng tốt lại không tương thích với nhau.
Tiền không tỷ lệ thuận với lòng nhân và ngược lại. Đấy cũng là một lời nhắc nhở chúng ta. Tiền bạc là cần, là quý, nhưng hãy biết sử dụng đồng tiền để làm nên điều tốt, điều có lợi cho cộng đồng. Đó mới chính là thông điệp đích thực mà câu tục ngữ muốn truyền tải. Lời cha ông nhắn gửi từ ngày xưa và bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Có lưng mà chẳng có lòng
Cuộc đời như thế là không vẹn tròn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất