23/12/2022 09:42 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Trong giới kinh doanh, hiếm thấy một vị chủ tịch nào được hâm mộ không kém gì những ngôi sao. Nhưng không giống đại đa số minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc, vị chủ tịch này lại vô cùng gần gũi.
Chụp ảnh selfie nhân viên, xếp hàng lấy đồ ăn trưa như công nhân phân xưởng, đó là những hành động khiến thái tử Lee Jae-yong (nay đã chính thức lên chức chủ tịch) khác biệt trong mắt người dân Hàn Quốc. Không ai nghĩ người đàn ông quyền lực bậc nhất xứ sở kim chi có thể dễ gần đến thế.
Là thế hệ thứ ba tiếp quản chaebol khổng lồ, chủ tịch Lee sống ẩn mình sau lớp rèm nhung lụa, nhưng sự thế đã đổi thay trong 5 năm trở lại đây, khi ông liên tiếp xuất hiện trên các mặt báo khi dính líu tới bê bối hối lộ. Khi bước ngày một gần tới chiếc ghế chủ tịch, Lee Jae-yong đã tỏ rõ sự khác biệt với những bậc tiền nhân: ông đã xây dựng cho mình một hình ảnh thân thiện hơn trước, và từ đó có cho mình … một nhóm người hâm mộ không thua kém những idol âm nhạc Hàn Quốc.
Ở thời điểm bài viết được thực hiện, tài khoản Instagram jaeyong3831 đã có tới 264.000 người theo dõi và bài đăng nào cũng tràn ngập những comment tích cực, họ tán dương sự khiêm nhường của chủ tịch Lee cũng như bày tỏ mong muốn ông Lee sẽ thành công. Cũng không lấy gì làm lạ, khi người dân Hàn Quốc gắn bó mật thiết với nhãn hiệu Samsung và những sản phẩm chất lượng cao do tập đoàn này sản xuất.
Nhưng tình đơn phương thì không bền, và đó là lý do chủ tịch Lee cố gắng xây dựng một mối liên kết trực tiếp với thế hệ trẻ. Người trong và ngoài cuộc đều có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển mình rõ rệt của các tập đoàn lớn nhỏ, khi thế hệ trẻ dần bước lên thay thế những "cây đa cây đề" tạo nền móng cho sự thành công.
Lee Kun-hee, cha của chủ tịch Lee Jae-yong là lãnh đạo đã biến Samsung trở thành thế lực công nghệ tầm cỡ thế giới, trong khi đó ông của chủ tịch Lee, Lee Byung-chul là cá nhân góp công tạo nên Kỳ tích sông Hán, sự kiện biến đất nước Hàn Quốc đói nghèo trở thành quốc gia phát triển và sở hữu hàng loạt những tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh.
Trong con mắt đương đại, Lee Jae-yong là một vị chủ tịch khiêm tốn gánh trên vai trọng trách dẫn dắt gã khổng lồ Samsung - một trong những tập đoàn danh giá đại diện cho bộ mặt đất nước Hàn Quốc trên trường quốc tế. Sự thành, bại của chủ tịch Lee sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh xứ sở kim chi.
Chủ tịch Lee cũng không phải cá nhân quyền lực duy nhất mong muốn kết thân với thế hệ trẻ Hàn Quốc. Những năm gần đây, chủ tịch tập đoàn SK Group, ông Chey Tae-won và phó chủ tịch tập đoàn Shinsegae, ông Chung Yong-jin bắt đầu hoạt động mạnh trên mạng xã hội. Họ không ngần ngại chia sẻ những giây phút riêng tư cũng như suy nghĩ của mình trước công chúng.
"Trong quá khứ, các tài phiệt có ít cơ hội giao tiếp với cộng đồng do định kiến, nhưng có vẻ giờ là thời khắc các tài phiệt đã có thể tách biệt mình khỏi ô danh cố hữu", Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý công tác tại Đại học Dancook cho hay.
Những thế hệ cháu, chắt tiếp quản tập đoàn thường bị chỉ trích, bởi lẽ họ đã mang danh "thái tử", "công chúa" từ thuở lọt lòng.
Vào thập niên 60, khi các tài phiệt bắt đầu có quyền lực trong tay, phần lớn công chúng thừa nhận vai vế của họ khi những cá nhân này trực tiếp cống hiến cho Kỳ tích sông Hán. Nhưng quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn, và những người thừa kế tập đoàn ngay lập tức đứng trước nghi vấn của quần chúng, rằng họ có xứng đáng với trọng trách được giao phó.
Không phải ngoại lệ, trước đây thái tử Lee cũng đối mặt với những áp lực tương tự, thậm chí Lee Jae-yong còn từng nếm mùi cay đắng. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, thái tử Lee thất bại trong việc điều hành một loạt những startup công nghệ, trong đó phải kể đến e-Samsung. Các doanh nghiệp dưới trướng thái tử Lee lụn bại chỉ sau một năm hoạt động, riêng e-Samsung thua lỗ tới 20 tỷ won.
Sau một loạt những bê bối xoay quanh nhận hối lộ, biển thủ và các hành vi vi phạm pháp luật khác, thái tử Lee đã phải xin lỗi trước công chúng hồi năm 2020. Cũng tại sự kiện gây tiếng vang toàn cầu này, Lee Jae-yong tuyên bố sẽ chấm dứt tục lệ cha truyền con nối tại Samsung. Sau khi ra tù hồi tháng 8/2021, thái tử Lee bị cấm tham dự các cuộc họp với các giám đốc cấp cao của Samsung. Lệnh cấm đã bị bãi bỏ khi Lee Jae-yong được đương kim Tổng thống Yoon Suk-yeol ân xá.
Ngay cả khi hình ảnh nhã nhặn của chủ tịch Lee Jae-yong trước công chúng có là một phần kế hoạch của Samsung, thì rõ ràng tập đoàn công nghệ khổng lồ đã đang tận dụng sức ảnh hưởng từ cộng đồng người hâm mộ chủ tịch Lee. Có lẽ đây sẽ là bước đệm để đưa chủ tịch quay lại vị trí cốt cán của tập đoàn, vào thời điểm 2 năm sau ngày cha của ông qua đời. Ông Lee đã nhiều lần xuất hiện tại nhiều công xưởng trọng yếu của Samsung - từ văn phòng, xưởng gia công cho tới những nhà máy đang trong giai đoạn thi công, điều này khiến người trong và ngoài cuộc phỏng đoán Lee Jae-yong sẽ sớm tiếp quản tập đoàn trước khi năm 2022 kết thúc.
Những hình ảnh thân thiện hơn của chủ tịch Lee sẽ có thể xóa nhòa những định kiến về tài phiệt kinh tế, vốn bị coi là "sào huyệt" của tham nhũng và lạm quyền. Chắc chắn ông Lee không thể tẩy trắng được những thất bại trong quá khứ, nhưng thế hệ trẻ có lẽ sẽ thấu cảm hơn với một cá nhân quyền lực nhưng lại có một nhân cách dễ gần, thân thiện.
"Không nhiều người trẻ tại Hàn Quốc biết tới những dự án cũ của ông Lee, có thể kể đến e-Samsung. Đó đã là thời kỳ ông Lee được coi như một ẩn sĩ không được ai biết tới", giáo sư Kwon tiếp tục nhận định. "Tuy nhiên, công chúng tỏ ra thân thiện với ông Lee không đồng nghĩa với việc họ đã tha thứ cho ông. Sự khoan dung sẽ tới khi ông Lee vẽ ra một kế hoạch mới, cải thiện dựa trên những sai lầm mình đã phạm phải trong quá khứ".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất