Chủ tịch Lê Hùng Dũng: 'Man City có thiện chí thì VFF không thể từ chối'

29/01/2015 13:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - CLB hàng đầu nước Anh Man.City đang có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào bóng đá trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước khả năng hợp tác này, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã trao đổi thắng thắn với Thể thao & Văn hóa cuối tuần.

* Thưa ông, VFF có kỳ vọng nhiều không vào mối quan hệ hợp tác với Man.City, khi mà CLB này vốn không có truyền thống về đào tạo trẻ?

- Theo tôi biết hiện nay Man.City đang xây dựng một trung tâm đào tạo trẻ có quy mô rất lớn. Vả lại, Man.City có thiện chí hợp tác với VFF thì chúng tôi đâu thể nói lời từ chối, vì như thế ít nhất cũng tốt hơn là không làm với ai.

Man.City có tiền rồi dần dần sẽ có truyền thống. Truyền thống là cái gì? Truyền thống là do thành tích, mà thành tích bây giờ có thể kém, nhưng họ đã bắt đầu đi theo con đường đào tạo trẻ, mà họ lại có tiền đầu tư, thuê chuyên gia đào tạo trẻ có kinh nghiệm, đào tạo cầu thủ trẻ để họ trưởng thành.



Chủ tịch Lê Hùng Dũng hy vọng vào khả năng hợp tác với Man.City. Ảnh: Tuân Phạm

Người ta thiếu cái gì thì người ta bỏ tiền thuê người làm thôi, còn chúng ta cũng như vậy. Người ta đã có quyết tâm lại còn có thiện chí hợp tác thì tại sao chúng ta lại từ chối?

* Phải chăng vì thành công của Học viện HA.GL Arsenal JMG mà VFF càng có quyết tâm hợp tác với Man.City?

- Tính tới thời điểm hiện tại tôi đã tham gia khóa thứ 4 trong bộ máy VFF. Tôi đã dự không biết bao nhiêu cuộc họp cũng như hội thảo và các chuyên gia đều nói ra rả rằng cần phải đào tạo trẻ…, cứ đào tạo trẻ nói với nhau như thể “tụng kinh” vậy.

Nhưng đào tạo thế nào, nếu dựa vào ngân sách thì lại có quy định của ngân sách. Với chuẩn mực đào tạo như thế thì có lứa cầu thủ chúng tôi đào tạo thành công, mà cũng có lứa không thành công. Nhưng để có một thế hệ cầu thủ được đào tạo thành tài nhờ tiền ngân sách thì cũng không dễ.

Một số CLB do doanh nghiệp tài trợ hoặc sở hữu như SLNA hay mới đây là Hà Nội.T&T cũng có đào tạo trẻ, nhưng chỉ đào tạo theo phương châm “lấy mỡ nó rán nó” mà thôi, chẳng hạn như HLV của họ xuất phát là cầu thủ có thành tích, có kinh nghiệm, khi hết tuổi đá bóng thì học làm HLV, rồi quay lại CLB dạy dỗ cầu thủ trẻ.

Còn Học viện HA.GL Arsenal JMG đào tạo một lứa cầu thủ mới, xuất phát từ việc tuyển dụng họ từ khi còn rất nhỏ, rồi được đào tạo một cách bài bản, với một thương hiệu lớn của nước ngoài, với nguồn kinh phí không theo tiêu chuẩn chế độ mà theo nhu cầu của các chuyên gia huấn luyện.

* Thưa ông, việc trông đợi nhiều vào các mô hình đào tạo nước ngoài liệu có phải là hướng đi đúng, khi mà bản thân các học viện đào tạo còn nhắm tới cả mục đích kinh doanh chứ không chỉ đào tạo cầu thủ trẻ cho bất kỳ nền bóng đá quốc gia nào?

- Bây giờ có ai mà không làm kinh doanh? Trong thời buổi kinh tế thị trường xuất hiện trên cả thế giới như hiện tại thì làm gì có ai làm từ thiện mãi được. Người ta bỏ tiền ra, làm cùng với mình, thu được cái gì thì đấy là chuyện hai bên hợp tác cùng có lợi, và sự hợp tác ấy mới tồn tại lâu dài, còn nếu đi xin thì không thể xin mãi được.



Học viện HA.GL Arsenal JMG đã cho ra lò lứa cầu thủ trẻ có chất lượng

Phải trên cơ sở thương mại, đôi bên cùng có lợi thì sự hợp tác mới tồn tại. Lợi ích là động lực để xã hội loài người phát triển, làm sao cứ một chiều xin một chiều cho mãi được. Bây giờ kinh tế thị trường rồi thì phải để kinh tế thị trường quyết định. Mà kinh tế thị trường là gì, là cái gì sinh lợi thì người ta làm.

* Ở chiều ngược lại, ông có thể cho biết VFF có động thái nào hỗ trợ các trung tâm đào tạo có tiếng trong nước nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí, điển hình như SLNA, hay không?

- Các CLB ở V-League bây giờ đều thuộc sở hữu của các công ty cổ phần. Nếu có sự hỗ trợ từ phía VFF thì VFF chỉ giới thiệu cho các CLB Việt Nam những CLB nước ngoài đang muốn làm ăn, hợp tác với chúng ta ở Việt Nam mà thôi. Còn các CLB có hợp tác được với những đội bóng nước ngoài hay không là phụ thuộc vào quá trình thương lượng chứ VFF không thể làm việc đấy thay cho các CLB.

VFF chỉ đóng vai trò là người đứng ra chọn lọc các CLB có thiện chí, muốn làm ăn với bóng đá Việt Nam, mà đào tạo trẻ thì cơ bản phải là từ CLB, còn nếu có sự hỗ trợ từ VFF thì chỉ là trợ giúp huấn luyện đội ngũ HLV đào tạo trẻ cho các CLB mà thôi. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn để Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đội ngũ HLV đào tạo trẻ cho các CLB.

Ví dụ khi hợp tác với các CLB nước ngoài, chẳng hạn như Man.City, mà đạt được thỏa thuận có chương trình huấn luyện theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm cho các HLV ở V-League và giải hạng Nhất tại Việt Nam thì VFF sẽ chi tiền cho toàn bộ khóa học này.

Xin cảm ơn ông!

Man.City đang sử dụng 2 tỷ cho bóng đá trên phạm vi toàn cầu

Ông Lê Hùng Dũng cho biết: “Man.City là CLB giàu có và tham vọng, chủ nhân của họ là tỷ phú dầu mỏ Arab có kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực bóng đá là 2 tỷ USD. Man.City có kế hoạch hợp tác với VFF, ngày 9/2 sắp tới họ sẽ đến Việt Nam và thảo luận với VFF”.


Hoàng Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm