Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và điều ước mang tên HA.GL

27/01/2015 05:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa về hiện tượng HA.GL ở Toyota V-League 2015, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không ngần ngại đánh giá cơn sốt mà khán giả dành cho HA.GL trong thời gian vừa qua chính là nét mới ở mùa bóng năm nay, và ông Dũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn: “Giá mà V-League có thêm nhiều đội bóng như HA.GL”

“Không giống ai mới là ông Đoàn Nguyên Đức”

“Tôi cho rằng việc liên tiếp phải đối mặt với những trận đấu khó khăn như trong thời gian vừa qua là thử thách cần thiết cho các cầu thủ trẻ của HA.GL. Dĩ nhiên mọi người phê phán là ông Đoàn Nguyên Đức làm bóng đá theo cách khác thường, không giống ai, nhưng đó mới chính là ông Đoàn Nguyên Đức.

Ông Đức từ hồi làm bóng đá tới giờ có giống ai đâu, không bao giờ đi theo lối mòn của ai cả. Một số người sử dụng tư duy cũ kỹ của mình để đo lại cách làm của ông Đức rồi nói ông Đức làm như thế là sai, đấy là quan điểm cá nhân của họ mà thôi.

Hồi mới làm bóng đá, ông Đức mua Kiatisuk, danh thủ bóng đá Đông Nam Á, thì lúc đấy nhiều người bình luận bầu Đức là kẻ dở hơi, phố núi thì ai biết là ai, nghèo như thế mà mua siêu sao về đăng ký chơi bóng cho vui thôi, nhưng cuối cùng bầu Đức lại được.

Rồi một việc làm không giống ai nữa của bầu Đức là ông sang bên Anh, liên kết với CLB nổi tiếng là Arsenal mở Học viện rồi tuyển một loạt em nhỏ mới 10 tuổi, 11 tuổi vào học. Rồi lúc đấy ông Đức chặt nguyên cả mấy hecta rừng cao su đang sinh lời để lấy đất làm Học viện. Thời đấy người ta gọi bầu Đức là kẻ chơi ngông, 7, 8 năm hoặc cả chục năm mới có một lứa cầu thủ, ai làm như vậy, trong khi cả V-League lúc ấy chỉ mua bán cầu thủ lòng vòng của nhau mà thôi.

Lấy kiến thức cũ kỹ của mình để bình luận về hành động của người làm cách mạng thì hơi khó”.

“Nền bóng đá sẽ có thêm sinh khí nếu có vài đội như HA.GL”

“HA.GL đang thành công, ít nhất là ở khía cạnh giúp cho V-League sôi động trở lại, khán giả đến sân đông hơn trước, còn cầu thủ thì cống hiến lối đá đẹp, hấp dẫn. Nếu là vì kết quả thắng thua mà đá đổ bê tông nhằm mục tiêu trước nhất là không thua thì cuối cùng chẳng ai tới sân xem bóng đá làm gì cả.

Ông Đức thừa tiền để làm bóng đá kiểu ngắt ngọn như thế nhưng ông ấy không làm mà quyết xây từ gốc. Tương tự như việc một người vừa tốt nghiệp phổ thông mà gặp phải đối thủ đã ra trường và đi làm từ lâu thì chắc chắn sẽ phải trả giá trong giai đoạn đầu. Điều đấy ai cũng tính được thôi.

Bây giờ một số anh không thích thì chế giễu, phê phán, mà trước đây ông Đức cũng từng bị phê phán như vậy rồi đấy thôi.   

Cái được từ cách làm bóng đá của bầu Đức là làm bài bản, nhờ sự bài bản như vậy tạo ra một lứa cầu thủ mới, có đạo đức có văn hóa, có chuyên môn, khi thi đấu trên sân thì tạo được sự hấp dẫn cho khán giả.

Phê phán khán giả thì khó, vì khán giả là những người tinh tường nhất, làm sao mà cấm họ đến sân được. Sự quan tâm của khán giả dành cho HA.GL là nét mới của V-League 2015, tôi cho là nếu V-League có vài đội bóng như vậy thì nền bóng đá sẽ có sinh khí ngay.

Một nền bóng đá sẽ còn lại cái gì nếu như cầu thủ dùng võ để đá bóng với nhau, khán đài thì vắng vẻ, trận nào cũng ngập tràn thẻ vàng thẻ đỏ, bản quyền truyền hình thì bán không ai mua”.

“Khán giả mới là người bỏ phiếu trung thực nhất”


3 trận của HA.GL trên sân nhà tính tới thời điểm này đều diễn ra cảnh sốt vé trầm trọng. Ảnh: Tuân Phạm

“Lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HA.GL coi như đã thành công về mặt chuyên môn, họ tạo được nét riêng rất đặc trưng của bóng đá Việt Nam. Nhìn HA.GL thi đấu không thấy giống với bất cứ CLB nào ở V-League.

Rất nhiều người phê bình nhược điểm của HA.GL nhưng có một điều không ai phủ nhận được là HA.GL đã tạo được sức hút đối với khán giả. Giới chuyên môn hoặc truyền thông có thể phê bình nhưng khán giả mới là người bỏ phiếu trung thực nhất.

Sự thực là bất chấp mọi lời phê bình, khán giả vẫn ùn ùn kéo tới sân theo dõi HA.GL thi đấu. Chúng ta không bao giờ thấy một việc lạ là khán giả của sân Lạch Tray tranh nhau mua vé để xem HA.GL thi đấu. Và dù HA.GL vẫn có những khán giả yêu bóng đá đẹp ở lại để hoan nghênh, vỗ tay khen ngợi cầu thủ HA.GL. Đây là hiện tượng xưa nay hiếm, bởi đây là trường hợp khán giả yêu cầu thủ của đội bóng đối địch.

Tôi cho rằng khán đài và khán giả chính là những người bỏ phiếu công tâm nhất, không bị chi phối bởi bất cứ quan điểm nào, mà bản chất con người chúng ta cũng vậy, luôn có ý thức hướng về cái hay, cái đẹp, chứ không phải người ta đến sân chỉ xem đội thắng. Nếu để đạt được mục đích chiến thắng mà sử dụng thứ bóng đá bạo lực hoặc đổ bê tông thì cũng không có ý nghĩa.

Tôi cho rằng sức hút mà HA.GL tạo được là nét mới chưa từng thấy trong lịch sử V-League và chúng ta nên cảm thấy vui mừng vì điều đó. Tôi cho rằng điều đấy không phụ thuộc vào kết quả thi đấu hiện nay.

Đã có một số ý kiến lo ngại về chuỗi trận toàn thua vừa qua của HA.GL và nhận xét như vậy là bất thường, nhưng tại sao SHB.Đà Nẵng tiếng tăm như vậy mà thua liền 3 trận thì không bị đặt vấn đề như thế? Tôi thấy hơi lạ ở chỗ đấy, nhưng thôi, việc mỗi người có quan điểm khác nhau thì chúng ta phải chấp nhận.

Tôi nói lại là V-League năm nay có nét lạ là HA.GL tạo được sức hút với người hâm mộ cũng như với truyền thông, và đặc biệt là VTV. Nhiều CLB than phiền VTV6 là  của HA.GL nhưng thực ra không phải như thế, người ta chỉ chọn những trận đấu có đông khán giả theo dõi để truyền hình trực tiếp mà thôi”.

“Thắng thua không phải là vấn đề quan trọng”

“Ông Đức từ nguồn vốn tư nhân, hợp tác với nước ngoài, đào tạo cầu thủ từ nhỏ, từ cơ bản thì thành công.

Thành công của ông Đức không phải ở chỗ ông cho cầu thủ đá ở V-League thì thắng hay thua. Quan trọng là việc ông Đức đã tạo ra một thế hệ cầu thủ mới, được đào tạo căn cơ, bài bản, và có đào tạo toàn diện từ chuyên môn bóng đá, rồi từ văn hóa, kể cả đạo đức nữa.

Tôi từng tham gia làm cuốn sách “100 năm bóng đá Việt Nam” cùng anh Trần Duy Long và một số nhà báo khác. Tôi có thể nói rằng trong 100 năm bóng đá được người Pháp du nhập vào Việt Nam thì đến tận bây giờ chúng ta mới có một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản như vậy, mà lại có một mô hình đào tạo dựa theo giáo trình của một CLB danh tiếng trên thế giới như Arsenal”.

Nỗi ám ảnh bán độ

“Nếu đội bóng nào cũng chọn lối đá khoán, phó thác hết cho ngoại binh thì V-League buồn lắm. Với những CLB như thế mà chọn cầu thủ lên ĐTQG thì sẽ trình bày bộ mặt như thế nào với khu vực? Lại còn những chuyện mà tôi nói một phần còn có lo ngại là chuyện cá độ bán độ nữa. Năm vừa rồi mới khám phá ra 2 đội thôi, không biết còn đội nào nữa không. Lỡ may gọi lên ĐTQG những cầu thủ bị cá độ khống chế, tham gia vào đường dây của họ thì rất phiền, lên ĐTQG mà họ dàn xếp tỷ số thì còn gì là ĐTQG.

Đấy là nỗi lo hoàn toàn thực tế và đã xảy ra trong quá khứ rồi. Chẳng hạn nếu như mấy cầu thủ của Ninh Bình và Đồng Nai tham gia cá độ mà được đưa lên ĐTQG vì đá hay quá rồi lại móc nối cá độ trên ĐTQG thì chết.

Cầu thủ có tài mà không kiểm soát được cái đầu thì cũng rất đáng lo ngại. Tôi lo ngại là có cơ sở, bởi thực tế là đã diễn ra chuyện như thế rồi”.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm