Chuyện quanh bản hợp đồng 20 năm VFF-AVG: Tại sao lại là 20 năm?!

09/01/2012 08:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Một trong những vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình kéo dài suốt thời gian vừa qua chính là thời hạn 20 năm của bản hợp đồng giữa VFF và AVG. Để rộng đường dư luận, TT&VH xin tổng hợp lại ý kiến của người trong cuộc về bản hợp đồng này cũng như một góc nhìn pháp lý mang tính tham khảo cho việc ký kết bản hợp đồng nói trên.

* Thưa ông, xin ông cho biết ý nghĩ đầu tiên của mình khi quyết định ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF là gì? Tại sao là 20 năm chứ không phải bất cứ một con số nào khác?


Ông Phạm Nhật Vũ

- Theo tôi, thời gian thông thường với một dự án để mà có thể hoàn vốn và bắt đầu sinh lời sẽ mất khoảng từ 7 đến 10 năm, nhưng đấy là những dự án kinh tế thông thường. Còn đối với các dự án, đề án mà có tính xã hội thì thời gian phải lâu hơn. Trong trường hợp này, con số 20 năm là thời gian được tính toán tới đủ độ an toàn để có thể đảm bảo là đạt được các mục tiêu đã đề ra.

* Theo quan điểm của ông, bản hợp đồng bản quyền có thời hạn 20 năm này có những ý nghĩa tích cực như thế nào với bóng đá VN?

- Theo tôi, một hợp đồng mà có một đầu mối và thời hạn dài thì sẽ có những điểm tích cực như sau: Thứ nhất, quy hoạch tổng thể đi kèm với chiến lược xây dựng hình ảnh bóng đá sẽ có tầm nhìn xa để không bị ảnh hưởng vì những yếu tố chắp vá. Thứ hai, việc xây dựng được hình ảnh của bóng đá tốt hơn, với chất lượng cao hơn thì nó sẽ giúp cho chất lượng của thi đấu cũng sẽ được nâng cao theo, bởi vì tác động về truyền thông đến với các đối tượng, từ HLV, VĐV và người hâm mộ, đều có thể gây ra những hiệu ứng. Và nếu chúng ta có một chiến lược để mà tạo ra động lực để mà kích thích và nâng cao sự quyết tâm cho các HLV, VĐV thì chắc chắn chất lượng thi đấu của họ sẽ tốt hơn.

* Trước khi quyết định ký hợp đồng bản quyền truyền hình 20 năm với VFF, AVG có lường trước được phản ứng của dư luận?

- AVG có lường trước được về những khúc mắc của người hâm mộ nhưng cũng chỉ là phần nào đó. Chủ yếu AVG nghĩ tới những lo lắng của người hâm mộ, đặc biệt với lớp người chưa có mức thu nhập cao, nhưng AVG không lo ngại về việc này, bởi mục tiêu của AVG rất trong sáng. Đến nay AVG vẫn đang bám sát những mục tiêu đó và thực hiện đúng những gì AVG đã đề ra. Đó là đảm bảo sự hài hòa giữa các lợi ích, trong đó sự phát triển thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là một trong những mục tiêu mà AVG hướng tới. Đi cùng với điều này AVG mong muốn sẽ mang lại cho người xem những sản phẩm truyền thông có chất lượng cao cả về âm thanh, hình ảnh…

* Tại sao AVG không chờ tới lúc chính thức có giấy phép phát sóng rồi mua bản quyền theo từng năm một từ VFF như các đài truyền hình khác đã làm ở những năm trước?

- Giấy phép phát sóng phải được hiểu một cách chính xác từ khía cạnh pháp lý là quyền thiết lập mạng hạ tầng truyền dẫn phát sóng, và việc thiết lập mạng hạ tầng truyền dẫn phát sóng này thì AVG đã được sự chấp thuận của Thường trực Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành khác từ tháng 4/2009.

(Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, trả lời phỏng vấn trên báo Thể thao Văn hóa ngày 17/1/2011)

+ Cần xem xét lại nghiêm túc hợp đồng với AVG


Ông Nguyễn Đức Kiên

“Rất tiếc là tôi đã đề nghị anh Vũ AVG (CT HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ-PV) cố gắng ở lại nhưng không được. Tôi phản đối hợp đồng mà VFF đã ký với AVG, việc bán bản quyền truyền hình trong 20 năm mà không thông qua các CLB, dù chúng tôi là thành phần chính tham gia cuộc chơi và thực tế tiền bản quyền VFF 50, các CLB nhận 50. Tôi đã nhiều lần liên hệ với anh Hỷ, anh Vũ AVG để phản đối và cũng nhận được phản hồi của anh Hỷ bảo rằng thông qua anh này, anh kia.

Đại loại là có những điều khoản bí mật, không được phép công bố nhưng các CLB cũng cần phải biết chứ không thể không cần thông qua, ký mà tất cả bị gạt ra ngoài thế. Một nhiệm kỳ của VFF chỉ kéo dài 3-4 năm nhưng lại ký một hợp đồng độc quyền những 20 năm. Tôi chưa nói đến tính hợp pháp, có đúng thẩm quyền hay không mà chỉ nhấn mạnh về mặt kinh tế rằng, một hợp đồng ràng buộc như vậy sẽ ảnh hưởng, tác động ghê gớm, sâu rộng với tương lai về sau của bóng đá VN.

Dưới góc độ một người làm CLB, tôi cho rằng nhất thiết cần phải xem xét lại bản hợp đồng này, vì tương lai của bóng đá”.

(Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB BĐ Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT VPF, phát biểu tại lễ tổng kết mùa giải V-League 2011)

+ Tôn trọng quyền lợi không đồng nghĩa với quyền sở hữu


Ông Lê Hùng Dũng

"Tôi khẳng định bản quyền truyền hình của V-League thuộc về VFF, giống như bản quyền World Cup thuộc FIFA, bản quyền EURO thuộc về UEFA. Các CLB được chia 50% giá trị bản quyền là VFF quan tâm đến các CLB. Trước đây, các CLB khó tìm tài trợ, người ta luôn hỏi có truyền hình trực tiếp không? Nếu không thì giá trị hợp đồng tài trợ rất thấp. Trước đây, số trận được tường thuật trực tiếp rất nhỏ nên rất khó có hợp đồng tài trợ lớn.

Mùa vừa rồi, với cách làm mới, tỷ lệ số trận được tường thuật trực tiếp lên đến 85% và mùa tới, chúng tôi đặt mục tiêu tường thuật trực tiếp 100% số trận đấu. Đó là cách tạo điều kiện để các CLB được truyền hình trực tiếp, nâng cao thương quyền, bán quảng cáo… Điều này quan trọng hơn số tiền được chia từ bản quyền.

Một vài CLB lên tiếng đòi đồng sở hữu bản quyền vì được chia lợi nhuận. VFF tôn trọng quyền lợi không đồng nghĩa với quyền sở hữu. Giống như anh đến ở trọ nhà tôi rồi sau đó anh lại kiện đòi quyền sở hữu căn nhà.

Bản quyền này có được chuyển sang cho công ty mới hay không thì chúng tôi sẽ bàn tiếp nhưng sẽ không làm trở ngại trong việc triển khai công ty mới. Cái nào đồng thuận thì triển khai trước, cái nào vẫn tranh cãi thì để tiếp tục thảo luận để hài hòa lợi ích cho tất cả các bên”.

(Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, Phó Chủ tịch HĐQT VPF, trả lời trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử ngày 3/10/2011)

+ VPF sẵn sàng dừng lại nếu…


Ông Võ Quốc Thắng

“Chiếu theo các luật liên quan VPF không sai nhưng cần các cơ quan Bộ ngành xem xét. Nếu các cơ quan Bộ ngành cho rằng VPF sai thì chúng tôi sẵn sàng dừng lại ngay các cuộc đàm phán. Theo tôi, nếu AVG ký hợp đồng về bản quyền truyền hình có thời gian từ 1-2 năm và với giá trị hợp đồng thấp thì chúng tôi cũng phải cắn răng chịu. Đằng này, họ (AVG và VFF) lại ký với nhau đến những 20 năm. Mọi người thử nghĩ, một hợp đồng kéo dài đến 20 năm thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn như thế nào...".

(Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB ĐT,LA, Chủ tịch HĐQT VPF, phát biểu trên báo Thanh Niên Online, ngày 5/1/2012)

+ Xem lại hợp đồng với AVG, đôi bên có lợi



Ông Đoàn Nguyên Đức

“Quan điểm cá nhân tôi rất ủng hộ AVG. Thậm chí, theo tôi khi thành lập, VPF nên mời họ tham gia góp cổ phần. Tôi hoàn toàn không phản đối AVG - ông Đức nói - Nói thực, tôi cho rằng làm việc với AVG còn dễ hơn làm việc với một số đài nhà nước khác. Vì sao? Họ là công ty tư nhân, chúng tôi cũng là tư nhân. Tại sao lại không ủng hộ đồng đội? Chúng tôi làm việc với truyền hình nhà nước khó, chứ tôi tin làm với AVG, chỉ cần một cuộc nói chuyện, hết…vài chai bia với anh Vũ (chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ-PV), là xong rồi”.

Trả lời câu hỏi về quan điểm đối với phát biểu của Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên, “VFF phải xem xét lại hợp đồng với AVG”, ông Đức nói: “Đấy là quan điểm cá nhân của anh Kiên. Tuy nhiên ở đây tôi cần nhắc lại, là anh Kiên cũng chỉ có 4,6% cổ phần trong VPF theo đề án thành lập. Còn VFF vẫn nắm quyền phủ quyết, mà họ là bên ký hợp đồng với AVG”.

Cũng theo bầu Đức, “tôi nghĩ có thể AVG còn chưa hiểu hết điều này, chứ nếu hiểu ra, họ cũng sẵn sàng hợp tác với VPF. Quan điểm của tôi là AVG tham gia chỉ có lợi cho đôi bên chứ không có hại. Họ truyền hình trực tiếp cho mình, tại sao mình không thích? Nếu chúng tôi đá tốt hơn, AVG hưởng lợi từ quảng cáo. Họ truyền nhiều thì hình ảnh của chúng tôi cũng được phổ biến rộng hơn. Chúng tôi đá kém thì họ bán quảng cáo cho ai”.

“Ai đó hiểu lầm, chứ giữa chúng tôi với AVG không có sự đấu đá nào cả. Có đấu, là đấu vì bóng đá “sạch”. Đây là của chung chứ của riêng ai đâu mà phải đấu. Họ kinh doanh lớn, chúng tôi cũng kinh doanh lớn. Cơ bản là chúng tôi làm đúng chứ không làm sai. Tôi tin rằng AVG làm việc với chúng tôi sẽ tốt hơn làm việc với VFF. Vấn đề là 2 bên ngồi lại với nhau để xem lại việc hợp tác như thế nào, để cả đôi bên cùng có lợi”.

“Đất nước này có chừng nấy người làm ăn lớn, mọi người biết nhau cả rồi, tại sao không ủng hộ giúp đỡ nhau. Ai có quan điểm muốn phá, tôi cho là không nên”

(Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB bóng đá HA.GL, Phó Chủ tịch HĐQT VPF, phát biểu trên báo Tiền phong, ngày 3/10/2011)

Hoàng Huy thực hiện


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm