Chủ nhân Man Booker 2017: Mọi thứ chúng ta yêu rồi đều đi đến hồi kết

18/10/2017 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) – George Saunders vừa trở thành người Mỹ thứ hai đoạt giải Man Booker, giải thưởng văn học có uy tín nhất của Anh, nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay Lincoln in the Bardo – tác phẩm được kể từ lời của 166 hồn ma.

Được phát hành vào tháng Hai năm nay và lập tức thành best seller, Lincoln in the Bardo là chiến thắng của một cuốn sách, được xây dưng quanh duy nhất một hình ảnh mang tính lịch sử. Vào thời Nội chiến Mỹ, con trai tổng thống, Willie Lincoln, đã chết vì bệnh thương hàn. Khi đó dấy lên tin đồn rằng Abraham Lincoln đã lẻn vào hầm mộ bồng xác đứa trẻ lên tay để ru nựng.

Chú thích ảnh
George Saunders bên tác phẩm chiến thắng của mình

Lincoln in the Bardo bắt đầu ở nghĩa trang năm 1862, nơi tổng thống Mỹ quá cố tới gặp cậu con trai chết non Willie. Tại đây, linh hồn của Willie đã gia nhập cộng đồng ma hỗn tạp, ồn ào, những người tồn tại giữa ranh giới của cuộc sống và cái chết. Đôi khi, Lincoln in the Bardo giống như một vở kịch hay cuộc nói chuyện thông thường hơn là một cuốn tiểu thuyết, khi người kể chuyện liên tục đổi từ hồn ma này tới hồn ma khác, và có rất nhiều ma - lên tới con số 166 – khiến độc giả ban đầu bối rối, mất phương hướng nhưng sau đó vô cùng hồ hởi, thích thú; xen lẫn đó là các nghiên cứu lịch sử, các mẩu tư liệu Saunders thu thập được hoặc trong một số trường hợp là tự sáng tạo ra.

“Cuốn sách này thật sự nổi bật vì sự cách tân của nó – đây là phong cách vô cùng khác biệt và cách nó làm sống lại những linh hồn vất vưởng trên thế giới này một cách đầy nghịch lý”, chủ tịch ban giám khảo Man booker năm nay, bà Baroness Lola Young, nhận xét về cuốn sách chiến thắng. “Ở đây, bi kịch rất cá nhân của Abraham Lincoln được đặt cạnh cuộc sống trước công chúng của ông, nơi ông là người thúc đẩy Nội chiến Mỹ”.

Bản thân tác giả Saunders cảm thấy được khích lệ khi ban giám khảo công nhận một cuốn sách độc đáo như vậy. “Đối với tôi, điều thú vị là cuốn sách khó nhằn, thuộc loại khác thường và không theo truyền thống,” ông Saunders nói. “Tôi không viết nó vì ngông cuồng mà bởi có một cảm xúc sâu thẳm trong tôi khiến cuốn sách chỉ có thể được viết theo lối này”. Theo ông, sau 30 trang, sẽ có nhiều độc giả bỏ cuộc.

Chú thích ảnh
"Lincoln in the Bardo" là một cuốn sách không dễ đọc

Saunders là nhà văn từ lâu rất nổi tiếng với những truyện ngắn trào phúng nhưng Lincoln in the Bardo mới là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông. Ông cũng là nhà văn người Mỹ thứ hai giành giải Man Booker (người đầu tiên là Paul Beatty thắng cuộc năm ngoái) khiến nhiều người hoài nghi rằng giải văn chương uy tín số một của Anh đang bị Mỹ hóa. Năm nay, ba trong số sáu người lọt vào chung khảo cũng là người Mỹ. Các cuốn sách đoạt giải của Saunders và Beatty đều đi sâu vào chủ đề bi thương trong lịch sử nước Mỹ.

Bà Young đã lập tức bác bỏ những chỉ trích nói trên: “Chúng tôi không nhìn vào quốc tịch của nhà văn. Chúng tôi chỉ quan tâm tới cuốn sách, điều mà cuốn sách nói với chúng tôi”.

Trước năm 2014, giải này chỉ trao cho công dân thuộc Khối thịnh vượng chung Anh quốc chứ chưa mở rông ra tất cả các nhà văn tới từ các nước nói tiếng Anh như hiện nay.

Dù có Mỹ hóa hay không, các tác phẩm của Saunders nói chung và Lincoln in the Bardo nói riêng đều đặc trưng bởi sự đồng cảm lớn lao. Chúng cho ta hiểu rằng để thật sự kết nối với người khác bạn phải đi vào tâm hồn của người đó và những cuốn sách này là một trong những cách giúp chúng ta làm được điều như thế. Trong một cuộc trò chuyện với Zadie Smith hồi đầu năm nay, Saunders đã giải thích rõ hơn suy nghĩ của ông về việc sách có thể giúp chúng ta tốt lên và thấu cảm người khác hơn.

Chú thích ảnh
Trong sáu tác giả vào chung khảo Man Booker năm nay thì có tới ba tác giả người Mỹ

“Vài ngày trước tôi đã có ý tưởng rằng có một người đọc, một người viết và họ khác biệt; họ không hoàn hảo và họ lộn xộn, mỗi người theo cách riêng. Về cơ bản thì họ cũng là những người tốt. Họ chỉ đơn giản là chính mình.

Rồi sau đó, vào khoảnh khắc đọc sách, cả người viết lẫn người đọc đều nổi lên và họ hôn nhau như hai con cá. Đó thật sự là điều xảy ra. Chúng ta biết là nó xảy ra. Trong một khoảng thời gian ngắn, họ trở thành tốt nhất hoặc ít nhất là tốt hơn.

Một người không hoàn hảo viết một cái gì đó và 60 năm sau, một người đọc cầm cuốn sách lên và có gì đó trỗi dậy khiến họ gặp nhau. Tôi tin rằng, khi điều đó xảy ra, khi người đọc bước ra thế giới, có khả năng sẽ có một sự biến chuyển theo hướng tích cực trong con người đó".

Theo logic ấy, Lincoln in the Bardo là một cuốn sách khiến mọi người tốt đẹp hơn miễn là họ chịu "nổi lên" để gặp nó.

Sinh ra ở Amarillo, Texas và lớn lên gần Chicago, Saunders không bao giờ hình dung có ngày ông sẽ sống bằng nghiệp viết lách. Ông tốt nghiệp ngành địa vật lý tại trường Colorado School of Mines rồi làm việc  ở Indonesia, nơi ông đọc để giết thời gian khi phải sống ở vùng hẻo lánh. Trở lại Mỹ, ông làm đủ các việc lặt vặt, từ gác cổng, thợ cắt tóc, làm việc trong cửa hàng tiện lợi và trong lò mổ.

Cuối cùng, ông ghi danh vào chương trình M.F.A (chương trình dạy viết văn thơ) ở Đại học Syracuse. Năm 1996 ông xuất bản tuyển tập đầu tay CivilWarLand in bad Decline, tác phẩm làm rạng danh ông như một tay viết sáng tạo nhưng tăm tối và điên rồ. Sau đó ông tiếp tục xuất bản một số tuyển tập khác trong đó có tuyển tập truyện ngắn ấn tượng năm 2013 Tenth of December (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Ngày mười tháng mười hai).

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Ngày mười tháng mười hai” của Saunders đã được dịch sang tiếng Việt

Saunders lần đầu có ý tưởng viết Lincoln in the Bardo vào cuối thập niên 1990 khi ông tới thăm Washington và người họ hàng của vợ đã chỉ ông xem hầm mộ, kể ông nghe câu chuyện Lincoln tới thăm xác con trai. Câu chuyện này ăn mòn  ông suốt 20 năm. Cuối cùng, tới năm 2012 ông quyết tâm bắt tay vào viết.

“Ý tưởng này đã ám ảnh ông ấy trong một thời gian dài”- Andy Ward, biên tập của Saunders và là tổng biên tập Random House cho biết. “Cuốn sách này là thứ tôi chưa từng thấy bao giờ”.

Saunders, một Phật tử Tây Tạng, đã đưa khái niệm Phật giáo về bardo – giai đoạn tồn tại giữa cái chết và đầu thai – để phủ lên bối cảnh lịch sử một lớp siêu nhiên. Mượn lời những hồn ma ở nghĩa địa, Saunders đã gắn nỗi đau của riêng Lincoln với nỗi đau chung của nhân loại trước cái chết và mất mát.

“Với tôi, cuốn sách là một câu hỏi hóc búa khủng khiếp: Chúng ta dường như sinh ra là để yêu thương nhưng mọi thứ chúng ta yêu rồi đều đi đến hồi kết. Chúng ta phải làm gì với điều đó?”, Saunders trả lời phỏng vấn The New York Times.

Chủ nhân giải Man Booker 2016: Nhà văn hài hước nhất nước Mỹ

Chủ nhân giải Man Booker 2016: Nhà văn hài hước nhất nước Mỹ

"Đánh bại" 5 tác giả khác trong danh sách chung khảo, Paul Beatty (54 tuổi) đã nhận giải thưởng văn học danh giá Man Booker 2016 của Anh, kèm theo số tiền 52.500 bảng.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm