07/05/2015 23:34 GMT+7 | Thế giới
Ngày 7/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ án nghe lén 14.140 thuê bao điện thoại. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo dư luận xã hội về tính chất và mức độ phức tạp tới mọi mặt đời sống xã hội.
7 bị cáo này gồm: Nguyễn Việt Hùng (41 tuổi, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội - nguyên Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng), Lê Thanh Lâm (33 tuổi, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Việt Hồng) và 5 nhân viên kỹ thuật Công ty Việt Hồng là: Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, nhân viên kỹ thuật Công ty Việt Hồng), Nguyễn Ngọc Kiều (29 tuổi), Lê Sỹ Phán (27 tuổi), Trần Minh Ngọc (25 tuổi), Nguyễn Thị Nga (25 tuổi) cùng bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo quy định tại Điều 226, khoản 2, điểm c – Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng (có trụ sở tại số 110 Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Nguyễn Việt Hùng làm Phó Giám đốc Công ty, phụ trách mảng dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin, kinh doanh phần mềm máy tính.
Do muốn được hưởng nhiều lợi nhuận hơn, trong năm 2013, Hùng đã thuê các bị cáo nêu trên cùng viết và bán phần mềm Ptracker có chức năng cơ bản sau: Xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS, phát tán phần mềm này để thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại.
Tổng cộng, đã có 14.140 tài khoản từng bị cài phần mềm giám sát Ptracker mà Hùng và đồng bọn đưa lên mạng. Trong đó, 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu (dữ liệu vẫn còn trong máy chủ của Công ty Việt Hồng), 6.693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ, 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian giám sát (gói dịch vụ khách hàng mua vẫn còn thời hạn).
Tại tòa, nói về nguyên nhân sản xuất phần mềm nghe lén, Nguyễn Việt Hùng khai, sau khi bị mất chiếc điện thoại di động, Hùng bị mất luôn những thông tin lưu trữ trong máy. Từ sự việc này, Hùng nghĩ tới việc cài một phần mềm đặc biệt vào điện thoại để lưu giữ thông tin. Phần mềm này có chức năng chạy ẩn trên điện thoại, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát và chuyển về máy chủ.
Ngoài ra, phần mềm này còn có chức năng: Xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật hoặc tắt 3G/GBRS.
Phần mềm Ptracker cho phép người sử dụng ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài phần mềm giám sát Ptracker bằng tin nhắn tới điện thoại này. Các tin nhắn này không hiển thị trên máy bị giám sát.
Từ ý tưởng đó, Hùng thuê Lê Thanh Lâm viết phần mềm và thuê các nhân viên khác để triển khai các gói dịch vụ sử dụng phần mềm để kiếm lợi nhuận.
Toàn bộ dữ liệu lấy từ điện thoại bị giám sát sẽ được gửi về sever của Công ty Việt Hồng nên nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó.
Hội đồng xét xử xác định, trong vụ án này, Hùng là đối tượng chủ mưu thực hiện hành vi phạm tội. Số tiền thu lời bất chính từ dịch vụ trên là gần 1 tỷ đồng. Hành vi tạo ra, phát tán, cài đặt phầm mềm Ptracker với số lượng lớn của Hùng và các đồng phạm đã gây tâm lý hoài nghi, lo lắng cho người sử dụng điện thoại và gây dư luận không tốt trong xã hội.
Tòa đã tuyên phạt Hùng lĩnh án 24 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 12 – 20 tháng tù treo.
Kim Anh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất