Chống ngập tại TP.HCM: Rùng mình vì ngoại thành đang… lún!

09/03/2012 10:25 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Trong hội thảo báo cáo giữa kỳ của Dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM diễn ra hôm 7/3, ông Hồ Long Phi, GĐ Ban quản lý Dự án cho biết, về cơ bản hầu hết các điểm ngập ở trung tâm thành phố đã giảm, nhưng hiện đang phát sinh khoảng 30 điểm khác nằm ở các quận ngoại thành.

Với lượng mưa từ 50mm trở lên, cộng triều cường thì nhiều nơi ở quận Thủ Đức, quận 2, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Bình Chánh… bị ngập sâu đến nửa mét nước, khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện thành phố đang phải huy động từ nhiều nguồn vốn để triển khai chống ngập, nhất là các dự án hợp tác với nước ngoài như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Hà Lan…

Nội thành bớt ngập

Từ năm 2007 đến nay, nhờ việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước, kiểm soát triều cục bộ mà khu vực trung tâm TP.HCM đã giảm đáng kể các điểm ngập ở quận 1, 3, 5, 10, 11. Dự án do JICA tài trợ với kinh phí khoảng 1 tỷ USD chủ yếu nâng cấp hệ thống cống thoát nước và san nền, kiểm soát triều cục bộ. Để triển khai các công trình này, TP.HCM đã phải đào hàng trăm km đường để thay thế cống thoát nước mưa, nước sinh hoạt đã cũ kỹ.

Sau khi hoàn tất các công trình thoát nước ở khu vực trung tâm TP, hầu như những điểm ngập sâu do mưa ở quận 1, 3, 5, 10… đã giảm đáng kể. Với lượng mưa từ 60 - 80mm thì đường phố không còn bị ngập sâu như trước. Nhiều tuyến đường như: 3/2 (quận 10), Hùng Vương (quận 5), Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Trần Hưng Đạo (quận 1) đã hết ngập với những trận mưa dưới 80mm.

Bao giờ người dân ở phường Thạnh Lộc, quận 12 mới hết cảnh chạy lũ thế này

Cũng theo ông Hồ Long Phi, hệ thống chống ngập cục bộ TP.HCM hiện đang triển khai chỉ giải quyết được tình trạng ngập khi lượng mưa có cường độ dưới 100mm, còn nếu mưa lớn kéo dài thì hệ thống này không thể đáp ứng tiêu thoát nước nhanh được.

Theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thì lượng mưa có vũ lượng 100mm ở khu vực TP.HCM trong một thập niên trở lại đây liên tục tăng cao. Từ năm 1992 - 2001 TP.HCM chỉ xuất hiện 4 trận mưa có vũ lượng trên 100mm, nhưng từ năm 2002 - 2011, đã xuất hiện 11 trận mưa trên 100mm. Số lần ngập do thủy triều hàng năm cũng tăng cao bất thường, khiến người dân rất vất vả chống đỡ, trong khi chúng ta chưa thể dự báo trước được các cơn mưa lớn cũng như triều cường.

Giải pháp của thành phố đó là thường xuyên nâng cấp các tuyến đê bao vùng xung yếu, xây đập ngăn triều, kết hợp tiếp tục nâng cấp cống thoát nước. Các khu dân cư dọc hai bên sông Sài Gòn, bên bờ nhiều con kênh khu vực quận 4, 7, 8… sẽ được dời đi nơi khác để Nhà nước xây bờ bao kết hợp làm đường giao thông. Kế hoạch này hiện đang mắc vì thiếu vốn, cũng như việc triển khai chưa thật đồng bộ khiến người dân chưa đồng tình.

Giải pháp nào cho dân ngoại thành?

Cứ mỗi khi gặp mưa lớn hoặc triều cường cao trên 1m47 là nhiều nơi ở quận 12, Thủ Đức, quận 2, Gò Vấp, Bình Chánh… lại bị ngập sâu. Cá biệt có nơi như khu phố 2, P.Thạnh Lộc (quận 12) nhà dân bị ngập sâu tới 1m; nhiều đoạn bờ bao ở quận 12, Thủ Đức bị vỡ khiến nhà dân bị ngập.

Cuối năm 2011, nhiều hộ trồng mai cảnh ở P.Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) bị nước triều làm hư hại, khiến họ bị thất thu nặng. Giao thông nhiều tuyến đường ở hai phường này cũng bị ách tắc do ngập nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập khu vực TP.HCM, hiện nay khu vực trung tâm TP đã tạm ổn, nhưng từ năm 2010 đến nay đã phát sinh khoảng 30 điểm ngập mới ở khu vực các quận, huyện ngoại thành. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, san lấp nhiều hồ chứa tự nhiên ở khu vực này khiến khi nước triều lên không có chỗ chứa và gây ngập.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như quy hoạch chưa tốt nên xây dựng chiếm hết không gian dành cho nước, tốc độ sụt lún khu vực ngoại thành như quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn là đáng báo động. Bình quân mỗi năm khu vực này có tốc độ lún từ 1,5 - 2cm, nguyên nhân chủ yếu do khai thác nước ngầm quá mức, không kiểm soát được. So sánh tốc độ lún khu vực ngoại thành TP với tốc độ dâng của nước biển hằng năm khoảng 0,5cm thì rất đáng báo động. Bởi cộng tốc độ lún của nền đất với tốc độ của nước biển dâng, thì nguy cơ gây ngập sẽ còn lan rộng ở nhiều nơi của TP.HCM.

Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng ngập úng này? Nhiều chuyên gia đến từ Hà Lan tham dự hội thảo có chúng nhận định, đó là việc kiểm soát chặt hệ thống thoát nước của thành phố, quy hoạch triển khai di dời dân khỏi vùng trũng thấp, đồng thời tiếp tục đầu tư các công trình ngăn triều và kiểm soát các hồ chứa nước ở thượng nguồn đổ về thành phố.

Để làm được việc này thì thành phố phải cần rất nhiều tiền cho các dự án đầu tư, nhưng cái chính là các dự án phải đáp ứng được yếu tố thoát lũ nhanh, ngăn triều cục bộ tốt. Ngoài ra, việc quy hoạch không gian đô thị cần được thực hiện đồng bộ, khoa học và đặc biệt phải tôn trọng không gian dành cho nước, với mục đích giảm thiểu thiệt hại thay vì chỉ hạ thấp nguy cơ.

Đánh giá về dự án kiểm soát triều của Bộ NN&PTNT năm 2008, ông Hồ Long Phi cho rằng dự án này chi phí lớn, chưa xem xét đến yếu tố lún cũng như có thể làm ảnh hưởng xấu đến các dự án chống ngập mà TP đang thực hiện. Dự án của Bộ NN&PTNT đang trong giai đoạn thiết kế và chuẩn bị thi công, với dự định xây 12 cống ngăn triều lớn và làm 170km đê bao nằm ngoài khu vực huyện Cần Giờ. Chi phí cho dự án này sẽ tốn từ 2-3 tỷ USD, tăng từ 4-6 lần so với dự kiến ban đầu.

Hy vọng một vài năm tới người dân TP.HCM không phải chịu thiệt hại như người dân Bangkok trong trận lụt cuối năm 2011 vừa qua.

Thái Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm