Thế giới cần hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với những hệ hụy từ biến đổi khí hậu

12/11/2021 15:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việc hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương ứng phó với những hệ lụy từ biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập lụt, nắng nóng cực đoan hay mưa bão, sẽ cần tới hàng nghìn tỷ USD, không phải chỉ hàng tỷ USD đang được nói đến tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).   

Hồ sơ tư liệu: Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Hồ sơ tư liệu: Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Biến đổi khí hậu tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về thời tiết và cuộc sống của người dân trên toàn cầu. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không dễ dàng, đòi hỏi các quốc gia phải “chung sức, chung lòng”.

Hãng tin AFP ngày 11/11 trích nội dung một dự thảo báo cáo dài 4.000 trang của Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh chi phí thực tế để thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gia tăng, và con số 100 tỷ USD mà Hội nghị COP26 đang thảo luận buộc các nước giàu phải đóng góp để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ là khoản "trả trước" để chuẩn bị ứng phó với những hệ lụy không thể tránh khỏi từ biến đổi khí hậu.   

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu (IPCC) cũng chỉ ra một loạt yếu tố làm tăng chi phí khắc phục hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là nhiều thành phố ngập lụt, thiếu lương thực, nắng nóng cực đoan cướp đi sinh mạng của nhiều người và di cư ồ ạt. Qua đó, báo cáo khẳng định những thỏa thuận hiện có về kinh phí hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu không tương xứng với quy mô tác động của tình trạng này.  

Chú thích ảnh
Cảnh khô cạn tại hồ Penuelas ở Valparaiso, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo đề cập hiện trạng Trái Đất ấm lên, theo đó nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, làm tăng các hình thái thời tiết cực đoan và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng, vượt quá mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất trong khoảng từ 1,5 độ C tới 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.     

Theo báo cáo, ngay cả khi những cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính trong năm 2021 được hiện thực hóa, nhiệt độ của bề mặt Trái Đất vẫn sẽ tăng ở mức 2,7 độ C. Nhiệt độ càng tăng, chi phí ứng phó cũng tăng theo. IPCC ước tính đến năm 2050, chi phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm. Trong khi đó, mục tiêu của Hội nghị COP26 là huy động 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.   

Dự kiến báo cáo trên sẽ được công bố vào đầu năm tới. Nhiều nhà khoa học bày tỏ đáng tiếc báo cáo trên không được công bố chính thức trước hội nghị COP26 để các chuyên gia và các nhà ngoại giao có những đánh giá toàn diện hơn trong khuôn khổ hội nghị này. Một số chuyên gia cho rằng khoản cam kết 100 tỷ USD đã lỗi thời và quá ít so với con số thực tế mà các nước đang phát triển cần để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.       

Đầu tháng này, Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cũng đã công bố một báo cáo cho biết nhu cầu tài chính để hỗ trợ cho các chương trình ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ vào khoảng 300 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030 và tăng lên 500 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm