07/02/2019 06:55 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đấu giá tranh, tượng là một chuyện bình thường ở Việt Nam, nhưng mua bán hay sưu tầm tranh biếm họa vẫn là chuyện rất hiếm - nhiều người vẫn coi đó là độc quyền của hội họa giá vẽ. Đâu biết, tranh biếm họa - nghệ thuật của tiếng cười cũng “ra tiền”.
1. Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – Cúp Rồng tre đã bước sang mùa thứ 5, phong trào biếm họa đã có khởi sắc rất mạnh mẽ. Nhưng xem ra biếm họa vẫn là cuộc cười “miễn phí” của các nhà báo vẽ dành cho công chúng, chứ có thấy mấy ai tìm kiếm, sưu tầm, đấu giá biếm họa?
Trên thế giới, biếm họa có được đưa vào bảo tàng không, hay chỉ có một đời sống ngắn ngủi cùng với những tin tức thời sự trên tờ báo đăng tải bức biếm họa? Bảo tàng biếm họa (nếu có) thì có đông người xem không? Có nhiều người mua tranh biếm họa không, tại sao? Mua ở đâu? Ai bán?... Quả thật có rất nhiều câu hỏi liên quan đến tranh biếm họa, hí họa.
May mắn, trên thế giới có vô số bảo tàng tranh biếm họa. Thậm chí có nước có tới dăm bảy cái bảo tàng biếm họa và hí họa. Một trong bảo tàng biếm họa hàng đầu mà người ta phải nhắc đến là Bảo tàng biếm họa Wilhelm Busch ở Đức được khánh thành từ năm 1937 và có một lượng tranh biếm họa khổng lồ lên tới 40.000 tranh trong đó có rất nhiều tranh của các HS biếm họa lừng danh thế giới từ 5 thế kỷ gần đây như họa sĩ William Hogarth, James Gillray, Francisco de Goya, Honoré Daumier, Thomas Theodor Heine, A. Paul Weber, Tomi Ungerer, Jean-Jacques Sempé , Ronald Searle...
Bảo tàng tranh châm biếm và hài hước Gabrovo Bulgarie (Museum of satire and humor Gabrovo Bulgaria) có bộ sưu tầm khủng hơn 51.620 tác phẩm của 9.000 tác giả từ 173 nước khắp thế giới. Trong số đó có khoảng 23.000 biếm họa.
Bảo tàng biếm họa Krems ở Áo được xây dựng và khánh thành năm 2001 theo thiết kế của Kiến trúc sư kiêm HS biếm họa nổi tiếng Gustav Peichl trưng bày rất nhiều tranh biếm họa từ nhiều thế kỷ trước và nhiều tranh biếm họa của các HS Biếm họa Áo đương đại nổi tiếng thế giới như Manfred Deix hay Gerhard Haderer. Có thông tin cho biết nhuận bút đăng báo một tranh biếm họa của Gerhard Haderer không dưới 800 Euro!
Ở Pháp, có một quái kiệt tự xây dựng Bảo tàng riêng cho mình để trưng bày đồ họa và biếm họa của mình với cái tên Bảo tàng Tomi Ungerer (Tomi Ungerer Museum) với vé vào cửa 6,5 Euro và luôn có đông người xem. Tomi Ungerer được giới truyền thông gán cho cái tên Cây bút ngỗ ngược. Bức tranh biếm họa Chị em chân dài cứu nước Pháp của ông là một ví dụ.
Ở Italia, ở Bỉ, ở Anh đâu đâu cũng có bảo tàng biếm. Các nước bên châu Mỹ như Brasilia, Mexico… hàng năm đều tổ chức các cuộc thi tranh biếm họa quốc tế. Mỹ là nước có hàng năm giải thưởng văn học danh giá Pulitzer Prizes còn dành tặng riêng một giải cho tranh biếm họa đăng báo xuất sắc nhất và họ có rất nhiều bảo tàng biếm họa, hí họa. Ví dụ như Cartoon Art Museum ở California, Cartoon Library & Museum ở Ohio, Museum of Comic and Cartoon Art ( MoCCA) New York.
Các bảo tàng biếm họa, hí họa và nghệ thuật tạo hình hài hước luôn đem lại một hiệu ứng văn hóa xã hội rất đáng nể, là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch khi đến thăm và tìm hiểu về một thành phố, một đất nước nào đó.
2. Biếm họa không phải chỉ bắt mọi người suy nghĩ về các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội mà còn đem lại cho người xem nhiều niềm vui bất ngờ. Nhưng nụ cười thoải mái, bất chợt… nhất là những bức tranh có ý tưởng rất “quái”, không ai ngờ… Rất nhiều ý kiến của người đưa lên mạng xã hội cho rằng Bảo tàng biếm họa là một nơi tuyệt vời để xem, để nghĩ và để thư giãn.
Ngoài các bảo tàng, tranh biếm họa hiện ngày càng có rất rất nhiều người yêu thích biếm họa săn lùng. Họ trở thành các nhà sưu tầm và là đối tác cạnh tranh tiềm tàng với các bảo tàng tranh biếm họa trong việc sưu tấm tranh biếm họa.
Vậy họ có thể mua tranh biếm họa ở đâu?
đây người ta có thể mua ở các phiên đấu giá biếm họa hay nhờ quen biết… Tôi nhớ thời gian tôi còn ở Berlin 1982-1987 khi sinh hoạt trong Hiệp hội Biếm họa Berlin cũng đã từng tham gia bán đấu giá tranh biếm họa như thế. Đó là những phiên bán đấu giá rất vui, rất biếm cho cả người bán lẫn người mua với rất nhiều nụ cười. Dưới đây là cái tranh của tôi mà bản gốc đã được một nữ nhà báo tạp chí Für Dich mua với giá 180 Mác, bằng giá một nửa chiếc xe đạp Diamant mà thời đó được coi là một gia tài ở Việt Nam.
Ngày nay, nhờ Internet, mua bán online đã giúp cho người mua và người bán tranh, sách biếm họa, hoặc có nhu cầu vẽ chân dung biếm họa giao dịch với nhau vô cùng thuận tiện và hiệu quả, đặc biệt ở Đức là một nước rất coi trọng biếm họa, nơi thậm chí tranh biếm họa còn được treo trong cả những nơi vô cùng trang trọng của Chính phủ.
Một trong thể loại biếm họa rất được yêu thích và lên ngôi là chân dung biếm. Ai lại không thích có một bức chân dung biếm vẽ cái mặt mình hài hước, ngộ nghĩnh cứ xem là tức cười. Ở Đức, cứ lên mạng gõ khóa từ chân dung biếm là có tên của HS biếm họa chuyên vẽ chân dung biếm với giá bình dân khoảng 50 - 60 Euro cho một tranh cỡ A4. Ở Mỹ, có khá nhiều siêu họa sĩ chuyên vẽ chân dung biếm cho các nghệ sĩ lừng danh thế giới bằng sơn dầu cỡ lớn. Một bức chân dung biếm như vậy có giá cả trên chục ngàn đô la.
Một lời khuyên chân thành cho các họa sĩ biếm họa Việt Nam: Các bạn nên giữ lại các tranh biếm họa gốc của mình, bởi có thể đến một lúc nào đó nó sẽ có giá rất cao. Nào ai biết hết chữ ngờ. Và cũng mong một ngày nào đó, dịch vụ vẽ tranh châm dung biếm sẽ phát triển ở Việt Nam, phục vụ cho đông đảo người dân Việt vốn rất thích cười.
Lý Trực Dũng
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất