20/09/2018 07:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - "Hello người tiền sử. Chúng tôi rất vui được gặp và tìm hiểu". "Hay quá, tôi là người Tây Nguyên. Có thể đây là tổ tiên của tôi chăng?" – Những comment như vậy đang xuất hiện trên không gian mạng, sau thông tin về việc Việt Nam phát hiện di cốt người tiền sử tại hang động núi lửa Krông Nô (Đăk Nông).
Chưa hết, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: nơi tìm thấy di cốt nhiều khả năng chính là một "bếp ăn" của người tiền sử, với những dấu tích của xương thú, bếp lửa, hay các mảnh rìu đá...
Trước những thông tin thú vị ấy, hẳn nhiên, bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn một lần muốn được đặt chân tới nơi này.
Vì, với sự gián cách vô cùng lớn về thời gian, tất cả những gì chúng ta biết về những công dân xa xưa của mảnh đất Việt Nam, về cuộc sống của họ trong thời nguyên thủy cho đến giờ vẫn vô cùng khiêm tốn. Và, những kiến thức ấy chủ yếu cũng chỉ đến qua con đường sách vở.
Sự thực, đó cũng là nhu cầu của rất nhiều quốc gia trên thế giới – khi mà càng phát triển với trình độ cao, chúng ta lại càng muốn tìm hiểu rõ về cuộc sống nguyên thủy, về những mô hình xã hội ở mức tối giản và sơ khai nhất của loài người.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia có mặt trong đợt khảo sát tại hang núi lửa Krông Nô đều kiến nghị: khu vực này cần được bảo vệ, và quy hoạch để thành một bảo tàng tại chỗ về cuộc sống của người nguyên thủy.
Nếu làm được, và làm tốt, đây sẽ là bảo tàng tại chỗ đầu tiên gắn với cuộc sống của những công dân thời tiền sử tại Việt Nam. Và, ngoài lượng du khách nội địa, tiềm năng về những du khách quốc tế tại đây cũng không hề nhỏ. Như lời các nhà nghiên cứu, phát hiện này đang thu hút sự chú ý lớn của quốc tế - khi đây là lần đầu tiên, một quốc gia Đông Nam Á phát hiện di cốt người tại hang động của núi lửa (chứ không phải hang đá vôi như trước đó).
***
Nhưng, để chúng ta có thể sớm "ghé thăm người tiền sử" ở hang núi lửa Krông Nô, câu chuyện không đơn giản.
Thực tế, đến thời điểm này, Việt Nam có rất ít mô hình bảo tàng tại chỗ theo đúng nghĩa. Tại các di tích khảo cổ, cách làm quen thuộc của chúng ta vẫn là "nhặt" các hiện vật càng nhiều càng tốt, để rồi sau đó đưa vào các tủ trưng bày ở phòng giới thiệu cạnh đó – hoặc mang về các... bảo tàng địa phương. Chưa kể, bản thân việc trưng bày, giới thiệu các di vật, hiện vật cũng là một câu chuyện phức tạp.
Chẳng hạn, nguyện vọng của đoàn khảo sát tại hang núi lửa Krông Nô là thu thập tài liệu để tái hiện lại cuộc sống của người nguyên thủy với đầy đủ các các cảnh nấu nướng, sinh hoạt, làm vũ khí... ở nơi phát lộ di cốt. Nhưng, cũng chính một chuyên gia trong đoàn chia sẻ với người viết: nếu lại triển khai theo cách làm phổ thông, với việc dựng lại những bức tượng về người nguyên thủy đang sinh hoạt tại đây, thì tính hấp dẫn của câu chuyện sẽ không còn.
"Thế giới hầu hết áp dụng những công nghệ mới về tương tác để dựng nên những chuyển động và hình ảnh ảo, giúp người xem gần như có thể nhìn, nghe, thậm chí là cảm nhận trực tiếp về hiện thực đang được tái tạo trước mắt mình" – ông nói – "Vậy nhưng, chúng ta đến giờ vẫn chỉ biết minh họa ở những phòng trưng bày theo cách cứng nhắc và sơ khai nhất."
Rồi, trong khi phác họa về việc cần dựng một đường monorail (tàu điện trên cao) dài khoảng 3 km để dẫn từ đường cái tới hang đá này mà không làm ảnh hưởng tới cảnh quan nguyên bản, thì chính các nhà khoa học lại đang phải lo lắng trước việc địa phương vừa mở một con đường qua đây. Và do thiếu vật liệu, con đường ấy đang được lát nền bằng... chính những mảnh đá lấy ra từ núi lửa.
Và còn rất nhiều câu chuyện khác, về kinh phí cho bảo tàng, hay những cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội, thay vì chỉ trông chờ vào... bao cấp.
Chỉ có vượt qua những cứng nhắc trong tư duy, chúng ta mới có thể thiết lập một bảo tàng xứng đáng với những gì vừa được phát hiện về cuộc sống của người tiền sử.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất