01/10/2019 06:56 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV sẽ diễn ra vào cuối tuần này (từ 4 – 13/10), với sự tham dự của 21 vở diễn trong nước và quốc tế.
3 lần tổ chức trong 17 năm qua, Liên hoan ấy luôn được giới chuyên môn chú ý bởi khái niệm “thử nghiệm” đi kèm. Và bản thân 2 chữ đó cũng là tâm điểm tranh luận – dù về mức độ “thử nghiệm” hay những hiệu ứng mà nó mang lại - ở các vở diễn trong mỗi lần tổ chức
Vậy, “thử nghiệm” ở đây là gì?
Như định nghĩa trong từ điển, thử nghiệm là "sự làm thử một cái gì để tìm xem có hiệu quả hay không hoặc muốn tìm kiếm một kết quả nào đó". Theo cách định nghĩa ấy, sân khấu thử nghiệm muốn tìm kiếm sự cách tân, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, hình thể, cấu trúc vở diễn… để đem lại một giá trị mới cho mình.
Chỉ cần điểm qua một số vở dự Liên hoan, người ta có thể thấy rõ những tìm tòi ấy. Điển hình, ở vở của đạo diễn Lê Nguyên Đạt, câu chuyện kể trong hơn 1 tiếng đồng hồ trên sân khấu được thể hiện qua một diễn viên duy nhất - người đồng thời sắm cả 3 vai nhà vua - trung thần - nịnh thần. Chưa hết, các bản nhạc cải lương trong vở lại được phối theo… phong cách rock, world music trên nền dàn nhạc giao hưởng.
Hoặc, ở vở rối Mơ rồng của đạo diễn Lê Quý Dương, sân khấu rối nước truyền thống Việt Nam bỗng trở thành nơi để chia sẻ những thông điệp mang tính vĩ mô của thế giới như biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em, rác thải công nghệ, bệnh tật đói nghèo…Rồi, thay vì ngồi sau màn trò để điều khiển như hàng trăm năm qua, các diễn viên của vở lại bước ra sân khấu, kết hợp cùng các con rối để trở thành những diễn viên thật sự với các động tác về hình thể.
Xa hơn, 7/21 vở diễn quốc tế tại Liên hoan cũng được giới thiệu là đậm đặc tính thử nghiệm, với những thủ pháp đặc biệt. Chẳng hạn, vở diễn Câu chuyện về bức tranh cổ (Trung Quốc) hứa hẹn cho thấy khả năng xử lý sân khấu rất đặc biệt của đạo diễn, với việc bố trí các dàn nhạc, dàn trống đan xen cùng không gian biểu diễn của các diễn viên.
***
Một vở diễn thiên về tìm tòi, đặt yếu tố sáng tạo lên cao nhất thay vì… bán vé là điều không dễ gặp trong đời sống sân khấu hàng ngày. Ngoài câu chuyện của chuyên môn, kinh phí thì điều kiện kỹ thuật cũng là một vấn đề rất quan trọng với các vở diễn như vậy.
Nhìn sang các vở diễn quốc tế tại Liên hoan, chỉ riêng việc Ban tổ chức phải đôn đáo để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về thiết bị, sân khấu, âm thanh… của đối tác cũng đã cho thấy cái khó của sân khấu Việt Nam hiện tại. Như lời kể, khi có đoàn yêu cầu lắp đặt sáu cột trụ bằng thép trên sân khấu với khả năng chịu được trọng lượng 120kg cho mỗi cột, Ban tổ chức đã phải thuyết phục Nhà hát Kịch Việt Nam (nơi tổ chức biểu diễn này) cho phép khoan sân khấu và lắp những ngàm chịu lực vào bờ tường. Rồi, ở một vở diễn khác, việc tìm được hệ thống đèn chiếu phụ trợ như đối tác yêu cầu cũng là không tưởng, khi mà cả Hà Nội đều không có loại này.
Bởi thế, khi có tới 24 vở diễn trong nước đăng ký dự Liên hoan (14 vở được chọn), người ta không khỏi phấn khởi trước việc nhiều đoàn nghệ thuật dám chấp nhận đầu tư cho sự tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật, trong cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện tại.
Phần còn lại là hy vọng về việc những thử nghiệm ấy - dù thành, dù bại - đều có một mẫu số chung: đặt tính hấp dẫn và khả năng chạm tới cảm xúc của người xem một cách cao nhất, thay vì chạy theo những thử nghiệm gắn với tầng tầng lớp lớp ý nghĩa cao siêu, phức tạp và làm khán giả… không thể hiểu nổi mình.
Bởi, thử nghiệm tới đâu, sân khấu của chúng ta vẫn đang cần khán giả hơn bao giờ hết.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất