Tham gia tìm kiếm MH370: Trung Quốc lộ điểm yếu hải quân chiến lược

24/04/2014 07:31 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Khi tàu hậu cần của hải quân Trung Quốc mang tên Qiandaohu tiến vào cảng Albany, Australia để tiếp tế cho các chiến hạm thuộc nước này đang tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 bị mất tích, sự kiện đã làm lộ ra điểm yếu chiến lược: Bắc Kinh thiếu hụt các căn cứ quân sự xa bờ và các cảng biển của đồng minh.

Việc Trung Quốc triển khai một lực lượng tìm kiếm đồ sộ, gồm 18 chiến hạm, tàu tuần duyên, tàu chở hàng dân sự và cả một tàu phá băng đã gây áp lực khổng lồ, phơi ra điểm yếu trong hệ thống tiếp tế và hậu cần của hải quân.

Lỗ hổng chiến lược

Trung Quốc đang rất quyết tâm trong việc thách thức thế độc tôn của hải quân Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, cũng như muốn bảo vệ các lợi ích chiến lược nằm dọc theo Ấn Độ Dương và Trung Đông. Tuy nhiên việc thiếu căn cứ và cảng đồng minh đã cản trở mạnh tham vọng đó.

"Khi nhu cầu khuếch trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên, nước này sẽ cần có những thỏa thuận thiết lập cảng (tiếp tế) với đồng minh, giống như Mỹ đã làm" - Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét.


Việc Trung Quốc phải điều tàu tiếp tế Qiandaohu đã làm lộ ra một điểm yếu lớn

"Tôi hơi ngạc nhiên khi không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã bắt đầu thảo luận chuyện sử dụng cảng biển (nước ngoài) dài hạn. Nếu việc sử dụng cảng có diễn ra hiện nay, nó chỉ dựa trên nguyên tắc thương mại bình thường. Đó là một lỗ hổng hiển hiện, dễ thấy".

Để so sánh, Mỹ đã xây dựng một mạng lưới căn cứ quân sự rất rộng lớn, đóng ở Nhật Bản, Guam và Diego Garcia. Bổ sung thêm là các thỏa thuận liên minh an ninh chính thức, bên cạnh thỏa thuận ra vào, sửa chữa tại các nước đồng minh thân thiện, gồm nhiều cảng chiến lược nằm ở Singapore và Malaysia.

Trong khi đó dù Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình giúp chiếm giữ các đảo và bãi san hô đang tranh chấp tại biển Đông, căn cứ hậu cần quan trọng nhất và xa nhất về phía Nam vẫn chỉ là đảo Hải Nam. Đảo này nằm cách vị trí các tàu chiến Trung Quốc đang tham gia hoạt động tìm kiếm MH370 tới gần 5.000 km.

Chưa thích hợp để xây dựng mạng căn cứ hậu cần

Các chuyên gia quân sự nói rằng thỏa thuận ra vào cảng biển nước ngoài khá dễ thực hiện trong điều kiện thực hiện các hoạt động nhân đạo thời bình, như chống cướp biển hay tìm kiếm MH370. Nhưng trong tình huống có căng thẳng hoặc xung đột, câu chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn.

"Nếu có căng thẳng xảy ra, dẫn tới nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, sẽ rất khó tưởng tượng việc các tàu chiến Trung Quốc được phép vào cảng của Australia để tiếp tế" - một nhà phân tích an ninh ở Bắc Kinh đề nghị giấu tên nói với AP.

"Người Trung Quốc  biết rằng tình trạng thiếu khả năng ra vào các cảng biển là thứ họ sẽ phải điều chỉnh vào một lúc nào đó. Khi hải quân lớn mạnh thêm, vấn đề có thể gây ra những ảnh hưởng chiến lược".

Zha Daojiong, một giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh đánh giá cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương là một tình huống "đặc biệt" và các nhà chiến lược Trung Quốc thực tế đã nhận ra từ lâu rằng họ không thể dựa vào các cảng biển của đồng minh với Mỹ khi tình huống căng thẳng xuất hiện.

"Sẽ tới lúc chúng tôi phải tạo ra một dạng lộ trình để thiết lập các thỏa thuận ra vào cảng biển lâu dài. Nhưng chuyện này sẽ chỉ diễn ra trong tương lai" - Zha nói - "Chúng tôi là những người thực dụng và biết rằng có nhiều yếu tố nhạy cảm xung quanh các hoạt động thỏa thuận như thế, thậm chí là cả sự nghi kỵ về lịch sử. Vì vậy thời điểm hiện nay có thể chưa phù hợp".

Tuy nhiên Zha nói rằng việc triển khai tàu chiến vào các nhiệm vụ tầm xa như tuần tra chống cướp biển hay tìm xác MH370, đã mang tới các bài học quan trọng về công tác hậu cần.

"Không thể chỉ qua 1 đêm mà bắt kịp Mỹ "

Giới chức Trung Quốc và các nhà phân tích lâu nay đã bác bỏ các đánh giá do phương Tây đưa ra, cho rằng Bắc Kinh đang có ý định tạo nên một "chuỗi ngọc trai" trên Ấn Độ Dương, thông qua việc cấp vốn cho các hoạt động xây dựng biển ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.

Họ chỉ ra rằng các cảng này sẽ không bao giờ trở thành căn cứ quân sự và ngay cả việc ra vào dài hạn tại các cảng này cũng chưa chắc đã diễn ra, bởi hoạt động sử dụng dài hạn yêu cầu các bên liên quan phải có sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau.

Trong thập kỷ này, các tàu chiến Trung Quốc đã ghé thăm nhiều cảng biển ở Trung Đông sau khi hoàn tất hoạt động tuần tra chống cướp, gồm Oman, Israel, Qatar, Kuwait. Song dù đã tăng cường đầu tư mạnh, phát triển hải quân nhanh, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ còn phải mất hàng thập kỷ nữa mới có thể tạo dựng được các căn cứ quân sự/cảng biển của đồng minh và gây ảnh hưởng lên nhiều tuyến đường biển quan trọng.

"Hải quân Mỹ đã có 100 năm để duy trì và nuôi dưỡng mạng (cảng biển) chiến lược của mình" - Richard Bitzinger, nhà phân tích ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore đánh giá - "Trung Quốc mới làm chuyện này trong khoảng 15 năm. Họ sẽ không thể chỉ qua 1 đêm mà bắt kịp được với Mỹ.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm