Phan Huyền Thư nói có gửi bài thơ 'Bạch lộ' cho hai tạp chí hải ngoại

21/10/2015 05:22 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bỏ qua chuyện ai đạo thơ ai thì cả hai bài Buổi sángBạch lộ (nếu được đọc độc lập) đều là những bài thơ khá hay. Vậy câu hỏi được đặt ra: Thơ hay mà sao các báo không in?

Bởi rõ ràng trong thư và trong ý kiến của Phan Huyền Thư trên các báo đều đề cập đến ý này: “Bài thơ đó (Bạch lộ) ban đầu có tên là Độc ẩm trước bình minh, tôi viết khoảng năm 1996 gì đó, sau khi sang Pháp về. Sau đó có sửa lại một lần năm 1997 thành Độc ẩm cuối Thu để gửi sang tạp chí Hợp lưu cùng một chùm mấy bài viết khoảng 1996 -1997 gì đó... Không rõ bên đó có in hết tất cả hay còn sót bài nào không. Vì thời đó thông tin qua E-mail không được thuận lợi như bây giờ, nên tôi vẫn thỉnh thoảng viết thư và gửi bản thảo qua bưu điện. (Hình như cũng có gửi qua email nữa...). Và thường thì Hợp lưu không in sẽ chuyển qua tạp chí Thơ để in. Thỉnh thoảng lắm, khi có người đi công tác hay về nước thăm gia đình gì đó, mới có người cầm giúp một hai cuốn về, và tôi cũng không có được đầy đủ các số”.

Xem lại toàn bộ các số của hai tạp chí ấy, quả là trong giai đoạn này và sau đó vài năm, Phan Huyền Thư có in nhiều bài thơ, nhưng không có bài Bạch lộ (hoặc Độc ẩm trước bình minh, hoặc Độc ẩm cuối Thu). Trong giới văn học hải ngoại và Hà Nội đều biết giai đoạn này Phan Huyền Thư có quan hệ khá thân thiết với hai tạp chí này, đặc biệt Đỗ Kh. thuộc nhóm chủ trương của tạp chí Thơ.


Nhà thơ Phan Huyền Thư

Một vài ví dụ trên tạp chí Thơ: Số mùa Thu năm 1996, Phan Huyền Thư có in bài thơ Tờ chương trình buổi Slava đàn ở Hà Nội, Việt Nam, trang 29; số mùa Thu năm 1997 có bài Thị Mầu 97, trang 75; số mùa Đông 1997 có 2 bài Tuấn Ngọc buổi sáng, trang 30, và Vân Hà đêm, trang 31; số mùa Xuân 1998 có 2 bài Em yêu anh. Em không thể khác, trang 173, và bài Van nài, trang 174; số mùa Thu 1998 có bài Tôi đi trên đường đầy bụi, thành phố của tôi, trang 37… Nghĩa là Phan Huyền Thư xuất hiện khá liên tục, mỗi năm Thơ chỉ ra có vài số.

Nếu so sánh thì những bài thơ vừa kể trên đây cũng ở mức độ tương tự như bài Bạch lộ, vậy tại sao các tạp chí kia không chọn in Bạch lộ, trong khi lúc đó họ rộng mở với các tác giả trong nước, có số họ in nguyên một chùm thơ cho một tác giả? Xin lưu ý, ngay từ khi mới xuất hiện, Phan Huyền Thư đã là giọng thơ được chú ý trong nước, giai đoạn trước năm 2000, khi nói đến thơ trẻ Việt Nam thì tên tuổi nữ nhà thơ luôn được xếp vào nhóm đầu. Vậy thì với một bài như Bạch lộ, nếu Phan Huyền Thư đã gửi thì các báo và tạp chí trong nước đã sẵn sàng in.

Phan Huyền Thư giải thích: “Vì thấy bài thơ cũng chưa thật hoàn chỉnh, ưng ý, lại thêm chút riêng tư nữa, tôi viết riêng cho một người bạn, nên không đưa vào in ngay. Sau này, khi chuẩn bị in tập thơ thứ 3, chủ ý sẽ chỉ in thơ viết với bạn bè nên tôi mới lục lại bài thơ đó và sửa lại (theo sự trưởng thành ngôn ngữ của tôi thôi) cho gọn gàng hơn, mạnh hơn... tôi nhớ, đó là tháng 11/2005. Tất nhiên, có lấy thêm cảm hứng đúng thời điểm cuối mùa Thu, nhìn thấy tờ lịch đè: Tiết Bạch lộ, sương trắng... nên mới nảy ra ý tưởng đòi uống rượu với tiết trời Bạch lộ, ngộ theo cuốn Lã Thị Xuân Thu để xin chữ, và vì thế mới đổi tiêu đề nhỏ thành Độc ẩm với Lã Bất Vi, chứ không đề tên người bạn kia của tôi”.

Sau tất cả mọi điều, việc Phan Huyền Thư có gửi bài thơ cho tạp chí nọ hay không xét cho cùng chỉ có chị là biết rõ sự thật.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm