Chính sách mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 4/2021

01/04/2021 11:06 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần mới được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao; miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế; quy định mới về thu phí hải quan;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021.

S&P dự báo tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19

S&P dự báo tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa công bố báo cáo, trong đó dự báo Việt Nam đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế

Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 25/04/2021. Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN

Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021

Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao có hiệu lực từ 30/4/2021.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Công ty giầy Phúc Yên (Vĩnh Phúc) phấn đấu năm 2021 sản xuất 1.2 triệu đôi giày phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Quy định mới về thu phí hải quan

Có hiệu lực từ ngày 5/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh. Theo đó, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh có một số điểm mới so với quy định trước đây.

Cụ thể, Thông tư bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Đồng thời Thông tư cũng bổ sung quy định mức thu phí hải quan cấp sổ ATA và phí hải quan cấp lại sổ ATA như sau: Phí hải quan cấp sổ ATA,  mức thu 1.000.000đ/sổ; Phí hải quan cấp lại sổ ATA, mức thu  500.000đ/sổ.

Phí Hải quan kiểm tra giám sát, hoặc tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thu 200.000 đồng/01 đơn; Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, xà lan) là 500.000 đồng/phương tiện…

Quy định mới về phân tích để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2015/TT-BTC về phân loại, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 12/4/2021.

Theo Thông tư 17/2021/TT-BTC, hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa gồm: Mỗi mặt hàng lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 14/2015/TT-BTC, hồ sơ được bổ sung thêm “Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do”.

Đồng thời Thông tư 17/2021/TT-BTC cũng sửa đổi, bổ sung về phân loại, áp dụng mức thuế đối với một số trường hợp đặc biệt như sau: "Trường hợp có sự khác biệt về mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mô tả hàng hóa theo Danh mục HS (Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới), Danh mục AHTN (Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN) thì áp dụng trực tiếp mô tả hàng hóa theo Danh mục HS, Danh mục AHTN để phân loại và hướng dẫn phân loại theo nguyên tắc áp dụng quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Thông tư quy định, hàng hóa xuất nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Việc lấy mẫu thực hiện theo Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa.

Thùy Linh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm