18/07/2018 23:23 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 và áp thấp nhiệt đới sáng 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cử ngay các đoàn xuống các địa phương có thể chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3, để kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp ứng phó với bão số 3 ngay trong hôm nay (18/7).
Tin bão mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và tối nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to (30-70mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 6, ở Hoành Sơn có gió giật cấp 10, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7.
Hồi 20 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).
Cảnh báo: Từ nay đến ngày 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng - Thái Bình từ 2-4m; sông Hoàng Long từ 1-2m; các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.
Tin phát lúc: 21h00
Cập nhật thông tin mới nhất về cơn bão số 3 từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia 20h tối nay
Huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 6, cấp 7 và sóng lớn
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường cho biết, tại thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 18/7, thời tiết khu vực vùng biển đảo này đã bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 mang tên Sơn Tinh, xuất hiện gió cấp 6, cấp 7, sóng rất lớn và chưa có mưa.
Xác định đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng đối với khu vực Bắc bộ, ngay trong ngày 17/7, huyện đảo đã huy động tổng lực cho công tác phòng chống bão Sơn Tinh; tuyên truyền, vận động và lên phương án sơ tán các hộ dân ở khu 32 gian làng cá, khu 10 ki ốt, khu vực đường dạo âu cảng đến nơi tránh trú an toàn.
Hiện tại, có 422 tàu thuyền đang hoạt động tại vùng biển đảo Bạch Long Vĩ. Lãnh đạo huyện đảo đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường trực 24/24 giờ; tập trung tuyên truyền, vận động 244 tàu thuyền vào đất liền; 93 tàu thuyền được cẩu lên bờ chằng chống an toàn; 85 tàu thuyền cùng 473 lao động đã di chuyển vào âu cảng trú bão...
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo phòng, chống cơn bão Sơn Tinh, Thành ủy Hải Phòng đã có văn bản gửi Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các quận ủy, huyện ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo việc phòng, chống bão được chủ động và hiệu quả.
Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 12/CĐ-TW ngày 17/7/2018 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố thường trực theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.
Các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể tăng cường các hoạt động tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó với những diễn biến của bão. Các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, lưu ý chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác phòng chống bão và có phương án sơ tán dân nếu cần thiết, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân, khách du lịch trên các đảo.
Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố thực hiện nghiêm thông báo này và tạm hoãn các cuộc họp, các chương trình công tác chưa cấp thiết để tập trung phòng chống bão; kịp thời báo cáo với Thường trực Thành ủy về những vấn đề phát sinh.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, toàn thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo tới 4.211 phương tiện với 15.496 lao động; 450 lồng bè với 1.239 lao động; 299 chòi canh với 294 lao động đang hoạt động và neo đậu để chủ động phòng tránh bão Sơn Tinh an toàn.
Tin mới nhất, tin bão khẩn cấp cơn bão số 3
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 18/7, bão số 3 đang ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vịnh Bắc bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 190 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km; trong tối và đêm 18/7, vùng tâm bão số 3 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Trung bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão số 3, vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.
Từ tối 18/7, trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng khu vực Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Dự báo thời tiết chi tiết cho các vùng đêm 18 và ngày 19/7, phía Tây Bắc bộ nhiều mây, đêm có mưa rào và dông rải rác, riêng Sơn La và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; ngày có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, khu vực Sơn La và Hòa Bình có mưa to đến rất to. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 68-98%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 29-32 độ C.
Phía Đông Bắc bộ nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; riêng khu vực đồng bằng và ven biển có mưa to đến rất to. Gió Đông Bắc đến Bắc cấp 3; vùng ven biển đêm nay gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc. Độ ẩm 65-100%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 28-31 độ C.
Khu vực Hà Nội nhiều mây, có mưa to đến rất to và dông. Gió Đông Bắc đến Bắc cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 70-99%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 28-31 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc (Thanh Hóa đến Quảng Bình) có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Phía Bắc đêm 18/7 có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11, ngày 19/7 gió giảm dần; phía Nam gió Tây Nam cấp 4-5. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 70-100%. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, cao nhất 27-30 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông, ngày có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3. Độ ẩm 60-95%. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, cao nhất 31-34 độ C.
Tây Nguyên và Nam bộ nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm 65-98%. Nhiệt độ ở Tây Nguyên thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 26-29 độ C; Nam bộ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 28-31 độ C.
Bão mở rộng vùng ảnh hưởng trực tiếp từ Thái Bình đến Quảng Bình
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 giật cấp 11 sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình trong chiều và tối 18/7.
Từ chiều 18/7, trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Bản tin thời tiết bão số 3 lúc 11h ngày 18/7
Hồi 10 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong chiều tối và tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 103,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.
Từ chiều nay (18/7), trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Từ trưa nay, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).
Cảnh báo: Từ ngày 18-20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2, sông Bưởi (Thanh Hoá) trên BĐ2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (chi tiết trong các bản tin lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.
Bão đổ bộ vào ven biển Thái Bình đến Hà Tĩnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vận hành hệ thống hồ chứa
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, hiện hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ khoảng 1,1m/ngày); hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ trung bình 0,5m/ngày). Tùy theo tình hình mưa lũ, tiếp tục có phương án điều tiết để đảm bảo đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ chính vụ vào ngày 20/7 theo chỉ đạo của Bộ trưởng-Trưởng ban tại Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/7.
Hiện có 4 hồ thủy điện đang xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ cụ thể: Bá Thước 2: 450/905 (m3/s); Chi Khê: 330/640 (m3/s); Hố Hô: 153/250 (m3/s); Nậm Pông: 47/70 (m3/s). Việc vận hành thực hiện theo đúng quy trình được duyệt.
Theo Vụ Quản lý công trình, Tổng cục thuỷ lợi, các hồ chứa khu vực miền núi phía Bắc đạt từ 50-70% dung tích thiết kế; riêng tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang các hồ chứa đã đạt trên 90% dung tích thiết kế. Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đạt từ 50-65% dung tích thiết kế. Hiện các tỉnh từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế có 102 hồ xung yếu, cụ thể: Ninh Bình: 6 hồ, Thanh Hóa: 24 hồ, Nghệ An: 21 hồ, Hà Tĩnh: 18 hồ, Quảng Bình: 12 hồ, Quảng Trị: 14 hồ, Thừa Thiên Huế: 7 hồ.
Các hồ chứa do Công ty Kỹ thuật công trình thuỷ lợi quản lý đang chủ động vận hành bảo đảm an toàn; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình; đến nay, các hồ chứa đều đảm bảo an toàn. Hiện có 5 công trình phòng chống thiên tai đang thi công dở dang (Quảng Ninh 1; Hải Phòng 1; Nam Định 2; Nghệ An 1), tổng chiều dài 18,36 km. Hiện các địa phương đã triển khai phương án bảo vệ, chủ động ứng phó với bão số 3. Do mưa to dài ngày, trên tuyến đê biển 5 thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình bị sạt lở 5 vị trí mái phía đông với tổng chiều dài 135m. Hiện địa phương đã lập phương án xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai thực hiện.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An cho hay, tình hình thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở từ 15-17/7 đã làm 1 nhà bị sập đổ (Thanh Hóa), 5 nhà bị sạt lở (Nghệ An). Sạt lở một số điểm trên Quốc lộ 12B,Tỉnh lộ 432, Tỉnh lộ 448, Tỉnh lộ 450 và một số điểm đường giao thông liên xã (Hòa Bình); Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, Tỉnh lộ 114, Tỉnh lộ 521D, tuyến đường tuần tra biên giới (Thanh Hóa); Quốc lộ 16, Quốc lộ 48B, Quốc lộ 48D, Tỉnh lộ 532, Tỉnh lộ 543B (Nghệ An). Hiện đã thông tuyến.
Thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17 giờ ngày 17/7, có 51.934 ha lúa bị ngập lụt, úng (Nam Định: 27.634 ha; Ninh Bình: 5.870 ha; Hòa Bình: 141 ha; Thanh Hóa: 6.083 ha; Nghệ An: 6.966 ha; Hà Tĩnh: 5.240 ha); 4.966 hoa màu: (Hòa Bình: 50 ha; Thanh Hóa: 896 ha; Nghệ An: 1.381 ha; Hà Tĩnh: 2.639 ha). Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 317 máy bơm; Thái Bình: 95 máy bơm; Ninh Bình: 283 máy bơm và 23 cống; Thanh Hóa: 103 máy bơm; Nghệ An: 2 trạm bơm).
Các đoàn xuống các địa phương cùng phối hợp ứng phó với bão số 3
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác dự báo cần phải chi tiết, thường xuyên, liên tục, sát tình hình, dự báo cụ thể định lượng mưa để đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo và tính toán vận hành hệ thống hồ chứa. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.
Đặc biệt lưu ý đến các hồ thuỷ điện nhỏ khu vực miền Trung và Tây Nguyên; vận hành liên hồ chứa các hệ thống khu vực miền Trung; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; các biện pháp chống sạt lở; kiểm soát tàu thuyền trên biển và các hoạt động kinh tế, du lịch, nuôi trồng thủy sản.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Kiểm ngư kêu gọi 34 tàu/94 lao động đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm vào bờ tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 18/7.
Tổng cục Phòng chống thiên tai kiểm tra toàn bộ nơi tránh trú của các phương tiện, người dân đặc biệt chú ý tới các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh... thường trực 24/24 và thường xuyên xây dựng thông tin ngắn, đủ, dễ hiểu gửi các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để ứng phó kịp thời. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẵn sàng các phương án, vật tư, thiết bị trước mọi tình huống.
Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam trú, tránh bão và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 12/CĐ-TW ngày 17/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chủ động, kịp thời ứng phó với bão và mưa lũ.
Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện với 237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể: 34 tàu với 94 lao động hiện đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kêu gọi và dự tính số tàu và lao động trên để vào bờ trước 12 giờ ngày 18/7 (hiện các tàu trên vẫn duy trì liên lạc và đang di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm); hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo đậu tại bến: 56.553 tàu với 237.363 lao động. Có 12.690 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 6.596 người.
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất