Kỳ 2: Không vì Chiếu dời đô mà buông phim về anh Thạc

27/07/2009 11:12 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ngay sau khi Văn phòng 1.000 năm Thăng Long thông tin về việc bộ phim Chiếu dời đô đang được tiến hành một cách lặng lẽ, với đạo diễn là Lưu Trọng Ninh, có nhiều ý kiến cho rằng, vì dự án 60 tỷ này mà Lưu Trọng Ninh “vác phim” Mãi mãi tuổi 20 (tên cũ Mùi cỏ cháy với nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) trả lại Hãng phim Truyện VN sau hơn nửa năm “ôm” kịch bản. TT&VH đã đem câu hỏi này “chất vất” đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Đạo diễn 2 phim nhựa một lúc

* Anh nghĩ gì khi vẫn có ý kiến cho rằng vì Chiếu dời đô mà anh lạnh nhạt với Mãi mãi tuổi 20, một phim kinh phí thấp?


Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

- Không phải vì Chiếu dời đô mà tôi buông Mãi mãi tuổi 20. Tôi cũng chưa từng nói sẽ “trả phim” mà chỉ muốn đề nghị Cục Điện ảnh kiến nghị Bộ VH, TT&DL duyệt lại giá bộ phim này. Bởi, không thể làm Mãi mãi tuổi 20 với số tiền chỉ là 4,2 tỷ. Tôi được giao Mãi mãi tuổi 20 khi đang triển khai Chiếu dời đô. Nếu muốn “buông” tôi đã không mất cả nửa năm để điều chỉnh kịch bản, viết kịch bản phân cảnh, tìm kiếm bối cảnh...

* Tại sao Chiếu dời đô huy động được hơn 60 tỷ từ nguồn xã hội hóa, còn Mãi mãi tuổi 20 thì lại bị “lắc”?

- Với dự án Chiếu dời đô chúng tôi đã âm thầm triển khai cả năm nay rồi, nhưng chưa đến thời điểm cần công bố. Làm phim bằng tiền xã hội hóa sẽ chủ động được kế hoạch và rút ngắn thời gian sản xuất do “cắt bớt” quá trình duyệt kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh, duyệt giá... nhưng áp lực cũng lớn lắm. Tiền làm phim là của những Mạnh Thường Quân nặng lòng với Hà Nội và những người làm phim không thể phụ tình yêu ấy của họ. Lý do các doanh nghiệp được gõ cửa không tài trợ choMãi mãi tuổi 20 vì họ có những khó khăn do suy giảm kinh tế.

* Ngoài các doanh nghiệp, các nơi khác thì sao?

- Để làm phim này, chúng tôi cần thêm 3 tỷ nữa. Nghiên cứu kịch bản, thấy bộ phim này nói về những người con Hà Nội đi chiến đấu; phần lớn bối cảnh phim là ở Hà Nội, nên có thể coi đây là một dự án điện ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã gõ cửa thành phố Hà Nội để xin thêm 3 tỷ. Họ không từ chối nhưng cũng không trả lời. Tôi hiểu sự không mặn mà ấy chính là “lắc” nên đã tiếp tục gõ cửa một số doanh nghiệp nhưng cũng không có kết quả. Cuối tuần qua, tôi đã nói chuyện với Cục trưởng Cục Điện ảnh về vấn đề xin tăng kinh phí cho phim. Anh ấy chỉ cười. Nếu tính trượt giá, 4,2 tỷ chỉ tương ứng với 2-3 tỷ cách đây 1- 2 năm. Đây là số tiền không đủ để làm phim chất lượng với một bộ phim có bối cảnh phức tạp, khó kiếm như Mãi mãi tuổi 20. Nếu cố làm, cũng không ra gì. Qua trao đổi với lãnh đạo Cục, tôi hiểu việc xin thêm kinh phí là không thể. Theo đó, tôi sẽ không thể làm phim này vì số kinh phí đã cấp.

Khâu “duyệt giá” thiếu sâu sát

* Lâu nay, hầu hết đạo diễn làm phim bằng tiền trợ giá của Nhà nước đều than kinh phí thấp. Than thở như thế, nhưng kết cục phim vẫn được làm theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”. Được biết, việc duyệt giá cũng trên cơ sở tổng dự toán các anh đưa lên. Vì thế, con số 4,2 tỷ được duyệt chắc phải có lý chứ?

- Tôi không phải là người làm phim không biết tiết kiệm. Khi nhận đạo diễn Mãi mãi tuổi 20, tôi nhận thấy quy mô phim quá lớn. Với 4 nhân vật trung tâm, thời gian phim kéo dài trong hơn 3 năm (từ trận đánh ở ga Phú Thọ năm 1972 đến giải phóng Sài Gòn 30/4/1975); không gian trải rộng; bối cảnh chính tập trung ở Hà Nội và thành cổ Quảng Trị... phải cần đến 20 tỷ mới làm nổi. Nói điều này, tác giả sẽ giận tôi lắm. Vì đây là kịch bản tâm huyết của anh ấy (nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm - PV) và tôi nhận phim cũng vì những điều tâm huyết ấy. Tuy nhiên, 20 tỷ là con số “không tưởng” trong điều kiện làm phim hiện nay ở VN. Vì thế phải điều chỉnh nội dung, quy mô phim theo hướng giản dị, gọn nhẹ hơn. Với quy mô đã điều chỉnh này, số tiền 4,2 tỷ vẫn không đủ nếu muốn có phim chất lượng. Tôi cho rằng, khi duyệt giá, hội đồng duyệt đã không tính đến những khó khăn về bối cảnh của bộ phim.

* Đó là những khó khăn gì? Và khi trình dự toán, các anh có thể hiện điều này bằng văn bản cho hội đồng duyệt giá biết?

Thai nghén vào thời điểm cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi 20 (của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) đang “sốt” trong dư luận, Mùi cỏ cháy (nay đổi là Mãi mãi tuổi 20) là tâm huyết của nhà biên kịch - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với thế hệ cầm súng ra trận gần 40 năm trước, trong đó nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

- Mãi mãi tuổi 20 là một phim chiến tranh, câu chuyện diễn ra chủ yếu ở Hà Nội những năm 1970 của thế kỷ trước và trận địa không phải là rừng núi để có thể đưa phim vào rừng quay mà là thành cổ Quảng Trị trước và sau năm 1972. Làm phim trong điều kiện không có trường quay, việc dựng lại đường phố Hà Nội cho đúng với bối cảnh thật những năm đó là vô cùng tốn kém. Đã có nhiều đoàn phim khi quay bối cảnh Hà Nội thời bao cấp phải “dạt” về các tỉnh để “mượn” bối cảnh; thậm chí mượn các công trình đang giải phóng mặt bằng, đang dỡ bỏ xây mới... để “cải tạo” đưa vào phim. Biết là chụp giật, vá víu... nhưng kinh phí ít, trường quay không có, vẫn phải tặc lưỡi để gật. Tôi cũng đã nghĩ đến điều này, nhưng thấy sợ. Nếu chỉ có 1 - 2 bối cảnh Hà Nội những năm 70 thì còn xoay xở được, đằng này bối cảnh Hà Nội chiếm quá nhiều. Nếu là Tây làm, họ sẽ thuê hẳn một khu phố, ngăn đường, cải tạo mặt tiền, dừng hoạt động ở khu phố đó trong vài ngày, thậm chí cả tuần... Ta thì không thể. Bởi, số tiền bỏ ra để khu phố ngừng hoạt động, nhường bối cảnh cho điện ảnh, có khi ngang với số tiền được cấp làm phim.

* Được biết, nhân vật trung tâm của phim là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của anh Thạc cũng được dư luận quan tâm không kém cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Liệu có khi nào vì thấy Đừng đốt - bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được đầu tư hơn 11 tỷ, mà thấy chạnh lòng khi thấy kinh phí cấp cho Mãi mãi tuổi 20 chỉ bằng hơn 1/3?

- Chẳng phải “tị” với Đừng đốt, mà nhìn sang các phim khác đã và đang khởi động quay có bối cảnh không phức tạp bằng Mãi mãi tuổi 20 (Long Thành cầm giả ca: 7,2 tỷ; Nhìn ra biển cả: 7,2 tỷ; Những người viết huyền thoại: 13 tỷ), cũng thấy khâu duyệt giá có vấn đề. Vấn đề mà tôi nói ở đây chính là sự cảm tính; là sự thiếu sâu sát với thực tế sản xuất phim...

Nguyệt Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm