Chiến thuật: Loew giải bài toán hậu vệ biên như thế nào?

12/06/2016 15:38 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 10 năm qua, Philipp Lahm là hậu vệ biên hay nhất của nước Đức, tính cả biên trái lẫn biên phải. Sau khi Đức vô địch World Cup 2014, anh tuyên bố giã từ sự nghiệp ĐTQG. Và thế là Đức... rối loạn.

Suốt hai năm qua, vấn đề hậu vệ biên đã khiến cho HLV trưởng Joachim Loew phải đau đầu. Sự thực là ông không thể tìm nổi một cái tên nào đủ khả năng để đá chính cho đội tuyển trong vai trò hậu vệ phải, chứ chưa nói tới việc đạt đẳng cấp của Philipp Lahm.

Điểm yếu trong công tác đào tạo?

Vào thứ Năm vừa qua, trong một bài báo viết cho trang tin Eurosport, nhà báo nổi tiếng Jonathan Wilson nhìn nhận rằng có một sai sót nào đó đang tồn tại trong phương pháp đào tạo trẻ của người Đức. Manh nha từ cuối thập niên 1990, được bắt đầu triển khai từ giữa thập niên 2000 và thu về thành quả vào giữa thập niên 2010, nhưng vẫn có vấn đề trong cách làm của người Đức.

Cụ thể là, Đức đang đào tạo ra vô số cầu thủ tuyệt vời ở trục giữa sân. Sự thừa mứa tài năng giữ gôn của họ cũng đã được ghi nhận, khi có tới không dưới 6 cái tên cạnh tranh quyết liệt để... dự bị cho Manuel Neuer. Jerome Boateng và Mats Hummels giờ là cặp trung vệ hay nhất thế giới, và ở tuyến trẻ đã có Jonathan Tah, Nicklas Suele. Từ hàng tiền vệ trở lên, chất lượng và chiều sâu của họ là không cần bàn cãi.

Nhưng còn các hậu vệ biên? Philipp Lahm là một sản phẩm của hệ thống đào tạo trẻ cũ tại Đức. Kể từ sau khi anh giã từ ĐTQG, người duy nhất thực sự tạo ra được niềm tin là Jonas Hector, năm nay 26 tuổi. Tuy nhiên, Hector lại cũng không phải là một sản phẩm của hệ thống đào tạo kiểu mới của Đức. Cho đến năm 20 tuổi, anh này vẫn là một tiền vệ sáng tạo cho đội bóng làng SV Auersmacher. 5 năm sau, anh là người thi đấu nhiều phút nhất cho ĐT Đức trong năm 2015 trong vai trò hậu vệ trái.

Giám đốc điều hành Karl-Heinz Rummenigge của Bayern Munich tóm tắt về trường hợp Hector một cách ngắn gọn như sau: Có thể các cầu thủ của các lò trẻ chuyên nghiệp đã bị đào tạo quá mức cần thiết, và cũng chính vì thế khả năng thích nghi của họ kém hơn.


Đức không còn đào tạo ra hậu vệ biên xuất sắc như Lahm

Quay cuồng thử nghiệm, đâu lại hoàn đó

Nhiều khả năng Đức sẽ ra sân với sơ đồ 4-2-3-1 trong trận đầu tiên, với hậu vệ phải là... Emre Can. Can từng chơi hậu vệ biên ở Bayern Munich, Bayer Leverkusen và Liverpool, nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp bất đắc dĩ, và sự thực là Can chưa bao giờ đá hay trong vai trò này (nếu không muốn nói là thường chơi rất tồi).

Trước thềm giải đấu, HLV Loew đã cố gắng đưa ra một số thử nghiệm, ví dụ như việc áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ và đẩy hàng thủ lên thật cao, kèm theo pressing từ xa. Tuy nhiên, phương án này dường như là không phù hợp. Đức đã quay lại với 4-2-3-1 và một khối phòng ngự khu vực phổ biến trong trận giao hữu cuối cùng trước giải.

Điều đáng nói nhất là việc Loew thường xuyên triệu tập Sebastian Rudy, nhưng rồi lại ít khi cho anh này thể hiện, và rồi loại anh ngay trước thềm EURO 2016. Trong khi đó, ông dường như đã lờ tịt Matthias Ginter và Erik Durm của Borussia Dortmund.

Vai trò nào cho hậu vệ phải?

Kể từ khoảng thời gian tầm 2005 tới nay, các chuyên gia bóng đá đã ghi nhận rất nhiều sự phát triển phong phú và đa dạng cho vị trí hậu vệ biên. Từng một thời bị xem là suất thi đấu cho những cầu thủ kém chất lượng hoặc tài năng trẻ có sở trường ở vị trí khác, giờ đây các hậu vệ biên có thể coi như những quân bài chiến thuật quan trọng nhất.

Nét phát triển đầu tiên là việc họ dâng cao một cách thường xuyên hơn, chủ động hơn để tạo ra các pha chồng biên. Sau đó, bắt đầu xuất hiện các hậu vệ biên có khả năng phân phối bóng ngay từ tuyến dưới cùng. Trong vài năm qua, Pep Guardiola và một số huấn luyện viên đã thử nghiệm thành công một kiểu hậu vệ biên mới: Rời khỏi biên, bó vào trung lộ để tham gia làm bóng hoặc trực tiếp hỗ trợ tấn công vòng cấm.

Song song với đó, các mẫu hậu vệ biên cổ điển vẫn tồn tại. West Brom ở Premier League là một ví dụ nhỏ về các hậu vệ biên lùi thấp, chủ yếu giữ vai trò phòng ngự và có chùm kỹ năng chẳng khác nào các trung vệ.

Quay trở lại ĐT Đức, cho tới nay, dường như HLV Joachim Loew vẫn chưa nắm rõ rốt cục chính ông muốn gì, yêu cầu gì cho vai trò này. Rất nhiều cách sắp xếp đã được thử nghiệm.

Sau cùng, Loew vẫn còn một lựa chọn không hào nhoáng, nhưng đề cao hiệu quả: Sử dụng những cái tên như Benedikt Hoewedes, Shkodran Mustafi cho vai trò hậu vệ biên kiểu cổ điển. Chính phương pháp này cũng từng mang đến chức vô địch World Cup 2014...

Đức không lo tốc độ của Ukraine

Trả lời phỏng vấn tại trại tập trung của đội tuyển Đức trước thềm khai màn bảng C EURO 2016, HLV phó Thomas Schneider khẳng định không hề lo ngại trước khả năng gây đột biến của các tiền vệ cánh của Ukraine.

Phóng viên đã đưa ra câu hỏi về tốc độ của những cái tên như Andriy Yarmolenko, Yevhen Konoplyanka. Ông Schneider trả lời: “Trong vài tuần đã qua chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách vận hành hàng thủ và chúng tôi đã có một vài thứ mới, trong đó gồm cả phòng ngự bóng chết. Chúng tôi đã làm việc cẩn thận và mọi người đều đã biết nhiệm vụ của bản thân”.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm