Siêu máy bay F-35 chỉ là 'bị thịt' trên không?

03/07/2015 05:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Có tổng chi phí nghiên cứu và chế tạo hơn 339 tỷ đô la và tiếp tục tăng thêm, máy bay chiến đấu liên hợp F-35 JSF của Mỹ đã trở thành thứ vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử. Với số tiền khổng lồ ấy, người ta kỳ vọng F-35 sẽ trở thành chiếc máy bay chiến đấu ưu việt trên chiến trường, là tử thần chờ đón các máy bay đời cũ.

Tuy nhiên một phi công thử nghiệm đã có tin tức rất tồi cho F-35 và các fan của chiếc máy bay này.

Thua cả máy bay ra đời từ những năm 1970

Theo phi công này, F-35 xoay vòng rất chậm và không nâng cao độ đủ nhanh để tấn công máy bay đối phương trong giao chiến ở cự ly gần (dog fight). F-35 cũng không thể tránh né đòn tấn công của đối phương. Chiếc máy bay này thậm chí tỏ ra kém cỏi trong cuộc đọ sức với các máy bay F-16.

Viên phi công đã đưa ra những nhận xét đáng thất vọng trên sau một cuộc tập trận diễn ra hồi đầu năm nay, tại khu vực gần Căn cứ Không quân Edwards ở California, Mỹ. Trong cuộc thử nghiệm, chiếc F-35A một chỗ ngồi với số hiệu AF-02 đã cất cánh cùng 1 chiếc F-16D Block 40 - một trong các loại máy bay mà F-35 sẽ thay thế.

2 chiếc máy bay đã vờn nhau trong cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu ở cự ly gần của F-35. “Hoạt động đánh giá tập trung vào sự hiệu quả của chiếc máy bay, trong việc thực hiện nhiều đường bay cụ thể, ở một môi trường động" - viên phi công viết tại bản báo cáo đã rơi vào tay trang tin Medium.


Phi công thử nghiệm nói rằng F-35 còn thua cả F-16 về khả năng cận chiến trên không

Trong cuộc thử nghiệm, phi công F-35 sẽ thường xuyên phải nhấn ga, tăng tốc, đảo hướng, xoay vòng gấp... sao cho chiếc máy bay của anh bắt kịp và "bắn hạ" chiếc F-16 bằng pháo 25 mm. Cùng thời điểm, phi công F-16 cũng phải cố hết sức để tránh khỏi việc bị chiếc F-35 bắn hạ, đồng thời phải xoay chuyển tình huống để tiêu diệt đối phương.

Để tăng lợi thế cho chiếc F-35, người ta đã không gắn vũ khí trong thân, dưới cánh hoặc gắn ngoài thân máy bay. Về phần mình, chiếc F-16 phải mang 2 bình dầu phụ cồng kềnh, khiến nó gặp bất lợi về mặt khí động học.

Nhưng rốt cục, F-35 đã chẳng tỏ ra vượt trội so với chiếc F-16 lạc hậu hơn. F-35 quá chậm chạp để có thể đánh bại chiếc F-16 một cách thuyết phục, kể cả khi chiếc F-16 vẫn đang mang theo bình dầu phụ.

Bản báo cáo dài 5 trang của viên phi công thử nghiệm nói rằng máy bay có nhiều vấn đề về khí động học, khiến nó xoay sở chậm và không thể đưa chiếc F-16 vào tầm ngắm để khai khỏa súng máy. Ngược lại, khi chiếc F-16 quay đầu tấn công, chiếc F-35 lại không thể tránh né.

Viên phi công thử nghiệm tìm ra một cách để chiến thắng trong các màn cận chiến trên không - thông qua việc thực hiện một đường bay khó với góc tấn lớn. Tuy nhiên đường bay phức tạp này khiến máy bay mất năng lượng rất nhanh.

Chưa dừng lại ở đó, mũ bay quá to khiến phi công khó khăn trong xoay đầu trong khoang lái chật hẹp của chiếc F-35. Việc này khiến chiếc F-16 dễ dàng lượn ra phía sau chiếc F-35 và hạ nó.

Chung cuộc, F-35, chiếc máy bay mới mà Mỹ cùng các đồng minh đang dồn tiền của phát triển, lại tỏ ra tầm thường hơn so với chiếc F-16 mà Không lực đã đưa vào trang bị từ những năm 1970.

Phi công thử nghiệm nói rằng anh cũng đã bay những chiếc F-15E ra đời từ thập niên 1980 và thấy rằng F-35 còn tồi hơn những chiếc này, trên mặt quản l‎ý năng lượng trong một cuộc cận chiến.

Bản báo cáo phiến diện?

Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, những người ủng hộ F-35 đã chống lại bản báo cáo. Họ nói rằng nó chưa kể hết câu chuyện đầy đủ về cuộc diễn tập.

Cụ thể, Văn phòng chương trình liên hợp F-35 ra thông báo nói rằng chiếc F-35 trong cuộc thử nghiệm chỉ được dùng để kiểm tra khả năng bay. Ngoài ra nó không trang bị các hệ thống công nghệ cao mà nhiều chiếc F-35 phiên bản hoàn thiện sẽ có được.

"Chiếc F-35 không có các hệ thống phần mềm để sử dụng những loại cảm biến cho phép nó nhìn thấy đối phương, rất lâu trước khi đối phương biết nó đang hiện diện trong khu vực. Thứ hai, nó chưa được phun lớp sơn tàng hình đặc biệt để trở nên vô hình trước ra đa".

“Thứ 3, chiếc máy bay này không được trang bị vũ khí hoặc phần mềm cho phép các phi công xoay đầu và ngắm bắn bằng mũ bay của họ. Tính năng này khiến phi công có thể bắn máy bay địch mà không cần phải xoay mũi máy bay về phía mục tiêu" - thông báo viết.

Thông báo nói rằng trong khi hoạt động thử nghiệm cận chiến cho phép người ta kiểm tra các giới hạn của F-35, đây không phải là hình thức chiến đấu mà chiếc máy bay này nắm ưu thế, vì vậy kết quả thu được đã gây hiểu lầm. Vì sao báo cáo của phi công thử nghiệm lọt vào tay báo chí là điều quân đội Mỹ đang điều tra làm rõ.

“Công nghệ của F-35 được thiết kế để giao chiến, bắn và giết đối phương từ khoảng cách xa, không nhất thiết là trong các tình huống cận chiến" - thông báo nói - “Đã có nhiều trường hợp nơi một đội 4 chiếc F-35 giao chiến với 4 chiếc F-16 trong các kịch bản chiến đấu giả lập và F-35 luôn thắng trong các cuộc chạm trán đó, nhờ hệ thống cảm biến, vũ khí và công nghệ tàng hình.”

Công ty sản xuất F-35 là Lockheed Martin cũng bênh vực khả năng của chiếc máy bay trong hoạt động thử nghiệm chiến đấu. "Một chiếc F-35, với công nghệ tàng hình thế hệ 5, các cảm biến và hệ thống nhận biết tình hình ưu việt, sẽ vượt trội so với bất kỳ chiếc máy bay thế hệ thứ 4 nào đang hoạt động hiện nay" – đại diện công ty này khẳng định  - "Như nhiều lãnh đạo quân sự trên toàn cầu đã nêu và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các tuyên bố ấy, khi một chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đối đầu trong chiến đấu với F-35, chiếc máy bay thế hệ thứ 4 chắc chắn sẽ bị tiêu diệt."

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm