Tranh cổ động Việt Nam: Một thời vàng son, một thời tê liệt

19/11/2013 13:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ lớp trước gác cọ vì mắt mờ chân chậm. Họa sĩ lớp mới lao vào những cuộc “cách tân” đồ họa triền miên nhưng vẫn chưa hình thành được diện mạo mới. Công chúng trong nước thờ ơ coi đó là những điều… “đáng quên”. Chỉ có khách nước ngoài mải miết săn tìm vào sưu tầm những tháng ngày xưa cũ của hội họa Việt.

Đó là “bức tranh toàn cảnh” về dòng tranh cổ động được “vẽ” bởi họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW; họa sĩ Trường Sinh, người vẽ tranh cổ gần 30 năm và họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Lợi, người đi đầu trong việc vẽ tranh bằng Digital Art (Nghệ thuật Đa phương tiện) ở Việt Nam- người đang ấp ủ những bức tranh cổ động vẽ bằng… Ipad



Bức tranh cổ động Bác đang cùng chúng cháu hành quân được trưng bày tại Bảo tàng Anh

Vang bóng một thời

Họa sĩ Trường Sinh, nguyên họa sĩ vẽ tranh cổ động của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL) Hà Nội từ năm 1964 đến năm 1990, là tác giả của hơn 1000 tranh cổ động, trong đó có những bức trở thành biểu tượng của “sức mạnh Việt Nam” như: Khải hoàn môn của học thuyết Níchxơn; Không có gì quý hơn Độc lập Tự do; Địch phá ta cứ đi…. Đặc biệt, bức Níchxơn phải trả nợ máu được họa sĩ Trường Sinh vẽ ngay trong đêm 26/ 12 /1972 tại một góc phố Khâm Thiên, bên xác đồng bào la liệt khắp nơi cùng tiếng than van ầm trời sau đợt bom rải thảm của không lực Hoa Kỳ. Sáng hôm sau (27/ 12), bức tranh của họa sĩ Trường Sinh được phóng khổ lớn đặt khắp nơi ở các thành phố miền Bắc. Và bức ảnh chụp góc phố Khâm Thiên đổ nát với tấm pano Níchxơn phải trả nợ máu của phóng viên ảnh Chu Chí Thành (TTXVN) sau đó nổi tiếng khắp thế giới. Khi ấy, bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh như một thông điệp mạnh phát đi toàn cầu và cả kẻ thù xâm lược về ý chí giải phóng dân tộc không thể đánh sập của người Việt.

“Tranh cổ động đã có những tháng ngày đẹp như thế!”- họa sĩ Trường Sinh tự hào- “Cũng bởi sức truyền cảm mạnh với thế giới, kẻ thù và động viên tinh thần dân tộc, suốt những ngày kháng chiến chống Mỹ, tôi luôn bám trụ ở những tuyến đầu bom đạn. Bởi tôi tin sắt son vào ý nghĩa của những tác phẩm của mình đối với tinh thần quân dân và với mục tiêu chung của dân tộc khi ấy: thống nhất đất nước.”

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, các họa sĩ vẽ tranh cổ động suốt những năm dài kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của lịch sử giao phó. Những bức tranh cổ động đầu tiên như Việt Nam for VietNamese của Trần Văn Cẩn, Hà Nội vùng đứng lên của Tô Ngọc Vân, rồi sau đó là Thừa thắng xông lên đánh giặc Mỹ xâm lược của Huỳnh Văn Gấm, Bảo vệ hòa bình của Đỗ Cung..đã trở thành những biểu tượng cho một thời kỳ khói lửa của hội họa Việt.

“Tôi đặc biệt nhớ bức Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ - Huy Oánh. Hình ảnh Bác được vẽ lại từ một bức ảnh, thêm hậu cảnh những đoàn quân trùng điệp có sức gợi vô cùng lớn. Và thời điểm đó, những bức tường trong thành phố, những làng mạc và những vách núi Trường Sơn đều được vẽ bức tranh cổ động này. Đó là điểm tựa niềm tin để những đoàn quân giải phóng “chắc tay súng”- Ông Đoàn nói.



Họa sĩ Trường Sinh bên bức ảnh chụp bức tường đổ nát do B52 với hình vẽ bức Níchxơn phải trả nợ máu ở Hải Phòng.

Không thể mãi “ăn mày dĩ vãng”!

Tranh cổ động qua thời kỳ vàng son, bây giờ dòng tranh này vừa thiếu vừa yếu. Những cuộc thi vẽ tranh cổ động gần đây, mặt bằng các tác phẩm rất thấp- khi được hỏi về dòng tranh cổ động trong đời sống đương đại, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thở dài. Cũng theo ông Đoàn, bởi vắng bóng tranh cổ động chất lượng nên đường phố hiện nay đặt những biển quảng cáo thiết kế dễ dãi và những khẩu hiệu “dài ngoằng, khô khốc”. Điều này vừa làm mất mỹ quan đô thị vừa không đạt hiệu quả tuyên truyền.

Họa sĩ Trường Sinh lại vừa mừng, vừa buồn, vừa tủi khi những bức tranh cổ động từ nửa thế kỷ trước của mình “tiêu thụ rất chạy” ở những… “phố Tây”. Ông mừng vì những bức tranh mình vẽ phần nào cũng đại diện cho hội họa nước nhà trong một thời đại, được bạn bè quốc tế nhớ về. Buồn vì lớp nghệ sĩ mới loay hoay với đủ thứ công nghệ và đủ thứ “tuyên ngôn nghệ thuật” nhưng cũng chẳng vẽ được tác phẩm cổ động nào ra hồn. Còn ông thấy tủi vì những bức tranh cổ động xưa của ông bị sao chép tràn lan, xóa cả tên tác giả...“Tranh cổ động xưa bán được thật đáng quý. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên mãi “ăn mày dĩ vãng” với những bức tranh cổ động xưa và coi đó là “đặc sản” của một thời kỳ. Hiện tại xã hội đặt ra những vấn đề mới, với những thử thách mới. Điều này đòi hỏi những bức tranh cổ động mới, có hàm lượng nghệ thuật, chiều sâu và giàu cảm xúc. Tuyệt đối không được bỏ bẵng hoặc làm hời hợt cho có những thời gian qua. ”- Ông Sinh bày tỏ.

“Văn nghệ minh họa”, thì sao?

Thuộc lớp nghệ sĩ mới, cũng thiết tha với mảng tranh cổ động, sautriển lãm “Những ám ảnh cuộc sống”, phái sinh “Phố Phái” bằng Digital Art, họa sĩ Nguyễn Đức Lợi bắt đầu chuyển dần sang vẽ tranh cổ động bằng công nghệ mới này. Tuy nhiên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cảnh báo, việc lạm dụng công nghệ đồ họa để “phái sinh” tác phẩm cổ động của các nghệ sĩ mới hiện nay là con dao hai lưỡi. “Có thể những bức hình cổ động sẽ rất lung linh, rất mượt nhưng “thời đại Photoshop” đã triệt tiêu ngôn ngữ hội hội, chiều sâu mỹ thuật trong tranh cổ động. Họa sĩ càng lạm dụng, càng sa đà vào cắt, dán, phối lại màu, càng mòn dần khả năng sáng tạo.”

Họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Lợi cũng thừa nhận, những bức tranh được du khách nước ngoài săn lùng có chiều sâu mỹ thuật và cảm xúc hơn những bức tranh cổ động của các họa sĩ mới hiện nay. “Nhưng việc gì cũng nên bàn công tâm hai mặt: công nghệ làm tác phẩm khô cứng, thiếu tính mỹ thuật. Song ngược lại, về mục đích chính là hiệu quả truyền thông thì những bức đồ họa máy tính sẽ phát tán nhanh trong xã hội công nghệ và dễ đến với công chúng hơn qua con đường internet. Hơn thế, nếu không chuyển hướng cho kịp xu thế của thời đại, vẫn vẽ theo lối cũ, tranh cổ động hoặc khó sống hoặc sẽ bị đào thải. ”- anh chia sẻ.

Liên quan tới “sự đào thải”, khi được hỏi về quan điểm xung quanh ý kiến coi tranh cổ động là một hiện thân của “văn nghệ minh họa”, dòng tranh này đã kết thúc sứ mệnh và nên lùi vào lịch sử khi đất nước thống nhất năm 1975, họa sĩ Trường Sinh trả lời: “Trả lời gọn câu hỏi, tôi xin “nhái” tuyên ngôn của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Các ông cứ muốn hội họa là hội họa. Tôi và các họa sĩ cùng chí hướng như tôi, muốn hội họa là một phần khát vọng của dân tộc! “Còn việc tranh cổ động đã kết thúc sứ mệnh hay chưa, tôi xin nhấn mạnh, dân tộc Việt lúc này rất cần thắng!”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm