24/06/2019 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trưng bày Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử vừa khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (mở cửa đến hết tháng 10/2019). Đây là lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện với những biểu tượng, tư liệu mang giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và niềm tự hào dân tộc.
1. Với hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng, trưng bày gồm 3 phần: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập và Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.
Đặc biệt, có 2 trong số 20 bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được trưng bày lần này. Đó là trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8. Trống được đúc mô phỏng theo dáng trống da truyền thống, hình trụ. Trên trống đồng Cảnh Thịnh có bài minh văn dài 272 chữ, nội dung nói về bà Nguyễn Thị Lộc, người góp công lập chùa Linh Ứng (nay là Chùa Nành ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ngôi chùa này cũng chính là nơi lưu giữ trống trước khi nó được chuyển tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một bảo vật quốc gia khác là ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn, không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hằng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, và được coi là bảo tỷ truyền quốc.
2. Tại Triển lãm, các hiện vật chủ đề Quốc hiệu đều là những hiện vật đặc sắc, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có từ thời đại văn hóa Đông Sơn đến ngày nay. Các hiện vật, dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học về các kinh đô của Việt Nam.
Thời Văn Lang, Âu Lạc, hiện vật trưng bày là khuôn đúc mũi tên, hiện vật đá có niên đại từ 2.000-2.500 năm. Ở thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những hiện vật như: đầu rồng, lá đề hình rồng, gốm men trắng, đầu phượng… được tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)...
Thời kỳ sau cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, công chúng được xem nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử đặc biệt giá trị như: hình ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập” tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hình ảnh “Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2/7/1976 quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt Thủ đô tại Hà Nội.
3. Về tổng thể trưng bày, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay Chính phủ của mỗi quốc gia. Quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, Kinh đô (Thủ đô) luôn được các Nhà nước đặc biệt coi trọng.
Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều Quốc hiệu tương ứng với từng giai đoạn lịch sử. Việc đặt Quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (đất nước bình yên), Đại Nam, Việt Nam... Việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá của cả một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất