Làm thế nào để 'nhân bản' được U19 Việt Nam?

07/10/2013 16:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Một thế hệ cầu thủ mang lại rất nhiều niềm vui và kỳ vọng cho người hâm mộ đã xuất hiện, nhưng chúng ta phải làm thế nào để niềm vui lẫn những giá trị đẹp mà các em U19 Việt Nam đã thể hiện không chỉ gói gọn trong một thời gian ngắn tạo ra “cơn bão” dư luận vừa qua?

Đội U19 Việt Nam không chỉ được quan tâm vì những chiến thắng của các em, mà còn vì cả cách các em chơi bóng, thậm chí là cách thua trong sự thanh thản và cao thượng.

Khi công chúng tìm thấy niềm tin

Khi công chúng yêu bóng đá đã lâu lâm vào cảnh “đói khát” những giá trị như thế, họ đã tìm thấy ở đội tuyển trẻ của chúng ta, và được các em dẫn dắt theo một cách vô điều kiện. Một sự dẫn dắt tích cực, cho thấy rằng ai cũng muốn hướng đến cái đẹp và sự cao thượng, nhưng giá trị nguyên sơ của thể thao.

Xem toàn bộ các bài viết về U19 Việt Nam trong hành trình đến với VCK châu Á tại đây

Có lẽ không nên tiếc lời khen ngợi cho những giá trị như thế, vì không phải kết quả 6-1 xuất hiện trên bảng tỉ số ở trận đấu tối qua sẽ gieo vào lòng công chúng yêu bóng đá những điều tốt đẹp. Và hẳn là các em được yêu mến không phải chỉ vì những chiến thắng. Hãy nhìn vào sự cảm thông và cả thán phục của công chúng ngay cả khi các em thất bại ở trận chung kết giải U19 Đông Nam Á. Bóng đá không chỉ là những con số khô khan. Nó còn là sự chinh phục. Có nhiều cách để vượt qua đối thủ, nhưng chỉ một vài trong số đó chinh phục được những trái tim.


U19 Việt Nam đã chinh phục được trái tim cả triệu người hâm mộ

Hơi đáng tiếc khi chúng ta luôn phải tự nhắn nhủ mình rằng những cầu thủ trẻ xuất hiện một cách bất chợt như làn gió mát lành ấy không phải là sản phẩm từ sự chung tay của cả nền bóng đá, mà được gọi là “những đứa trẻ của bầu Đức”. Tự nhắn nhủ như thế làm chúng ta không thể vỗ tay khen ngợi hết lời, là yêu mến mà không thể hết lòng. Là luôn phải mải nhìn xuống để giữ đôi chân trên mặt đất, mà không dám cho sự yêu mến ấy bay bổng lên.

Nhưng cũng khó mà không thể tự nhắn nhủ. Trong những ngày mà người hâm mộ cả nước dõi theo U19 Việt Nam ở giải U19 Đông Nam Á, thì VFF mới lặng lẽ quay trở lại với các lớp học ở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, vốn 5 năm qua chỉ được sử dụng để... cho thuê sân đá phủi. Như một sự mỉa mai.

Nhưng chưa dám hết mình vì niềm tin

Đội U19 hiện tại được xem như nỗ lực đơn thương độc mã của một ông bầu. Các giá trị đẹp mà nó đã tạo ra, những điều làm chúng ta vui và đi theo các em U19 trong nhiều ngày qua, không phổ biến trên cả nền bóng đá.

Thậm chí, nó còn phải... cách ly với cả nền bóng đá mới có hy vọng tiếp tục tồn tại (!?). Bầu Đức đã rào căn vườn của ông lại, dùng một nguồn nước riêng, cách chăm bón riêng, và từ chối tất cả những ảnh hưởng của cả nền bóng đá này, như thể phòng ngừa một thùng thuốc sâu chôn dưới đất lâu năm có thể ngấm vào cây trong căn vườn ấy.

Ông lo đến mức cấm các em nhận thưởng từ... VFF, dù vung tiền ra thưởng là điều mà rất nhiều ông bầu ở V-League đã và đang làm. Bản chất việc thưởng không có gì xấu, nhưng khi nó hằn lên thành một thói quen xấu của nền bóng đá, thì cũng khó có thể trách cứ sự cảnh giác cao độ ấy.

Nhưng một học viện dù xuất sắc đến đâu cũng không phải là bài toán đảm bảo cho sự tiếp nối các thế hệ, bởi con người không là một thực thể rập khuôn, để áp dụng y hệt một dây chuyền là có thể cho ra lò liên tiếp những sản phẩm ưng ý có chất lượng tương đương nhau. Có thể là khập khiễng, nhưng một lò đào tạo lừng danh cỡ La Masia của Barcelona cũng đang phải đối mặt với khoảng cách trình độ giữa các thế hệ, thì đừng mong một học viện non trẻ, dù là mô hình được “chuyển nhượng” từ CLB danh tiếng Arsenal, có thể làm được điều đó.

U19 Việt Nam & sự cách ly để tồn tại

Con người là một thực thể xã hội. Sẽ đến lúc, không có một học viện nào có thể bảo vệ các em trước sự tấn công của những thói hư tật xấu đã từng hủy hoại không ít thế hệ có chất lượng của bóng đá Việt Nam.

Nếu cả nền bóng đá không được vận hành bởi những giá trị tốt đẹp, thì một lứa cầu thủ trẻ chỉ làm chúng ta nguôi ngoai đi phần nào sự khắc khoải về một thứ bóng đá tử tế, chứ không dám đặt niềm tin vào nó, ngay cả khi những “đứa trẻ” tuyệt vời ngày hôm nay lớn lên. Thậm chí, chúng ta còn nghi ngờ điều đó, ngay từ bây giờ.

Phải làm sao khi mà ngay cả khi các em đã dám nói lời xin lỗi vì một trận đấu không tốt, thì rất nhiều người có trách nhiệm thực sự với nền bóng đá này không thể làm? Phải làm sao khi các em vẫn điềm tĩnh bỏ qua và chơi một thứ bóng đá cao thượng cho đến phút cuối cùng, dù phải ra về trong sự tức tưởi ở trận chung kết U19 Đông Nam Á vừa qua, thì cả nền bóng đá đã bắt đầu săn lùng trọng tài cầm còi và VFF còn đưa nó lên LĐBĐ Đông Nam Á với sự cay cú?

Theo dõi U19 Việt Nam trong những ngày qua, khóc và cười theo quả bóng lăn dưới chân các em, những giây phút chiến thắng và cả cảm giác thất bại đều làm chúng ta gai người ấy, mới thấy bóng đá vẫn có thể đem đến những khoảnh khắc vô giá. Nhưng phải cách ly những giá trị đích thực khỏi nền bóng đá chỉ để chúng có thể tồn tại, thì nhân bản chúng là một câu chuyện còn rất xa vời.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm