Real Madrid và Mourinho phải học cách tin tưởng Castilla

17/11/2012 13:53 GMT+7 | Real Madrid

(Thethaovanhoa.vn) - Bàn thắng của Alvaro Morata đem về cho Real Madrid ba điểm trên sân của Levante tại Liga vòng vừa qua là một sự đáp trả đích đáng cho lời dè bỉu của huấn luyện viên Jose Mourinho về chất lượng lò đào tạo trẻ của Madrid. Castilla không hề thiếu tài năng, mà chỉ thiếu sự tin tưởng dành cho các tài năng.

Castilla còn đi trước cả La Masia

Nếu lật lại lịch sử, thì lò đào tạo của Madrid thậm chí còn đi trước cả La Masia của Barcelona về chính sách cây nhà lá vườn. Madrid, thật tình cờ, là đội bóng đầu tiên đoạt cúp châu Âu với một đội hình 11 cầu thủ Tây Ban Nha trưởng thành từ Castilla. Emillio Butragueno là người nổi bật nhất trong năm cầu thủ cây nhà lá vườn đã giúp Madrid giành chức vô địch Liga năm lần liên tiếp từ 1985 đến 1990. Bốn người còn lại là Manolo Sanchis, Martin Vazquez, Michel và Miguel Pardeza.

Không cần phải giới thiệu thêm về Raul Gonzalez, một tượng đài của Bernabeu. Iker Casillas, đội trưởng đội bóng áo trắng, là một sản phẩm tinh túy khác của Castilla. Trước đây, Guti Hernandez cũng là một cầu thủ có tài năng rất đặc biệt, và chỉ không khai thác hết nó vì tính cách của anh. Lò đào tạo của Madrid đã liên tục sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại bậc nhất của bóng đá Tây Ban Nha qua các thời kỳ.


Alvaro Morata sẽ làm tái sinh niềm tin của Madrid vào lò Castilla?

Castilla bắt đầu suy thoái từ khi Madrid đi theo con đường Galacticos. Ban đầu, chính sách này được đặt tên “Zidane và Pavon”, tham chiếu từ hai cầu thủ cùng tên, ám chỉ sự kết hợp giữa các ngôi sao được mua về với mức phí chuyển nhượng đắt giá (Zinedine Zidane) và các tài năng trưởng thành từ Castilla (Francisco Pavon). Trung vệ Pavon, một thí nghiệm thất bại của chính sách ấy, hiện tại đang thất nghiệp. May mắn hơn một chút, Alvaro Meija, một sản phẩm Castilla khác cùng thế hệ với Pavon, vừa ký hợp đồng một năm với đội hạng hai Tây Ban Nha, Almeria. Oscar Minambres thậm chí đã giải nghệ từ năm 26 tuổi vì chấn thương đầu gối không thể hồi phục hoàn toàn. Trừ Pavon (108 trận ra sân trong sáu năm chơi cho Madrid), Meija chỉ được cho đá 18 trận trong năm năm, còn Minambres, khá hơn một chút, là 40 lần trong ba năm.

Trong những năm tiếp theo, Castilla vẫn sản sinh ra không ít cầu thủ có tiềm năng vươn đến đẳng cấp thế giới. Và giống như La Masia nổi danh với thế hệ 1987, Castilla cũng có thể tạo ra các lứa cầu thủ tài năng. Điều không may là trong khi La Masia giúp các cầu thủ trẻ của họ thấm nhuần sâu sắc triết lý của Barcelona và tạo điều kiện cho họ trưởng thành, thì Castilla chỉ sản xuất cầu thủ mà không chỉ dạy cho họ rằng bản sắc của Madrid nằm ở đâu. Kết quả là đa số các cầu thủ trẻ của Castilla trưởng thành chỉ để… ra đi, vì họ không được tin tưởng đúng mức.

Chúng ta có thể kể ra Juan Mata, Borja Valero, Alvaro Negredo, Roberto Soldado, Dani Parejo, Javi Garcia, Diego Lopez… và một số cầu thủ tài năng khác. Jose Callejon trở về Madrid sau ba năm cho mượn tại Espanyol và lập tức đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch Liga mùa trước, nhưng Angel Di Maria vẫn là bất khả xâm phạm. Alvaro Arbeloa là một sản phẩm Castilla hiếm hoi quay về Madrid sau khi rời khỏi Bernabeu, chỉ bởi anh không thể khẳng định tên tuổi ở Liverpool và bị thanh lý cùng với Rafael Benitez.

Barca tin tưởng La Masia, Madrid nghi ngờ Castilla

Barca, ngược lại, dù vẫn đào thải những tài năng trưởng thành từ La Masia, nhưng luôn biết cách trao cơ hội cho những người xứng đáng được tin tưởng. Và cần phải lưu ý rằng trong khi Barca bán cây nhà lá vườn chỉ vì kích cỡ đội hình đã phình to, thì không trọng dụng chính những người trưởng thành từ Castilla đã trở thành một chính sách của Madrid. Barca vẫn mua các ngôi sao, nhưng chỉ khi học viện La Masia không thể đáp ứng nhu cầu về mẫu cầu thủ họ cần, ví dụ như một trung phong cắm dạng Samuel Eto’o, Zlatan Ibrahimovic hay David Villa, còn Madrid thậm chí mua chỉ để đánh bóng hình ảnh, mà trường hợp của David Beckham trong quá khứ là minh chứng rõ ràng.

Huấn luyện viên hiện tại của Madrid, Jose Mourinho, thậm chí còn dè bỉu và phủ nhận hoàn toàn những gì Castilla đã làm trong suốt chiều dài lịch sử, với một phát ngôn đầy tranh cãi mới đây. Trong khi nếu tập trung tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ ra sân, Madrid thậm chí có thể phát triển một đội bóng hùng mạnh toàn người Tây Ban Nha. Tất nhiên, La Masia có thể đào tạo ra nhiều cầu thủ giỏi hơn, nhưng không đến mức bỏ xa Castilla hàng năm ánh sáng như người ta vẫn tưởng.

Sản sinh ra những tài năng đều không phải vấn đề của cả La Masia và Castilla, nhưng sự khác biệt nằm ở việc sử dụng tài năng. Tito Vilanova, huấn luyện viên hiện tại của Barca, từng làm việc lâu dài ở La Masia, đã mỉa mai sau khi nghe Mourinho ca thán về Castilla: “Madrid tranh cãi vì thiếu các tài năng từ lò đào tạo trẻ? Tôi chỉ biết cách làm của chúng tôi thôi. Và vấn đề nằm ở dũng khí trao cơ hội cho họ”. Madrid thực sự không trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ, và khi thiếu đi động lực nào đó để đào tạo, Castilla cũng đã xuống cấp. Chỉ có bốn đội ở Liga không sử dụng cầu thủ nào trưởng thành từ Castilla trong đội hình, nhưng thật khắc nghiệt và mỉa mai, trong khi La Masia cung cấp nhân lực chủ yếu cho đội tuyển quốc gia, thì các cầu thủ từ lò Castilla chỉ được cung cấp cho các… đội bóng trung bình ở Liga.

Mùa bóng này, Castilla một lần nữa tấn công vào thành trì định kiến ở Bernabeu. Nacho Fernandez, Alvaro Morata và Jesus Collado đã được đôn lên đội hình một vào đầu tháng 9. Ở trận thắng Celta Vigo 2-0 vào cuối tháng trước, Mourinho thà sử dụng Michael Essien đá ở cánh trái hàng thủ thế chỗ Marcelo, thay vì cho Nacho cơ hội ra sân. Nhưng cuối tuần qua, Morata đã nhắc cho huấn luyện viên của anh nhớ rằng Castilla không phải là đồ bỏ đi, chỉ một phút sau khi vào sân thay người, với bàn ấn định chiến thắng trước Levante. Bây giờ, hy vọng là anh sẽ có chỗ đứng ở đội một Madrid. Morata chính là người đã giúp U19 Tây Ban Nha đăng quang tại giải U19 châu Âu vào năm ngoái, với sáu bàn thắng và danh hiệu Vua phá lưới. Anh có tài năng, hẳn rồi. Nhưng tài năng ấy cần được tin tưởng, mà đó xem ra đang là thứ xa xỉ ở Madrid.

Phạm An

Castilla bán người, La Masia trồng người

Đây là hai đội hình tối ưu toàn La Masia và toàn Castilla của Barca và Madrid, chỉ tính các cầu thủ còn đang thi đấu. Như chúng ta thấy, đội hình của Barca thay đổi rất ít: Chỉ có Mikel Arteta không còn là người của đội bóng xứ Catalunya. Trong khi đó, Madrid chỉ còn ba cầu thủ vẫn còn là người của Bernabeu: Đội trưởng Casillas, hậu vệ Arbeloa và tiền vệ Granero. Ba trong số này thậm chí còn được bán sang… kình địch Atletico Madrid, là Dominguez, Filipe Luis và Juanfran.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm