‘Cấp chứng chỉ’ cho thanh đồng để loại bỏ biến tướng trong Nghi lễ Chầu Văn

22/10/2013 09:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hội UNESCO Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Việt Nam, phối hợp với ban quản lý di tích Lưu Ly Điện đã tổ chức Cuộc thi khảo sát Nghi lễ Chầu Văn, quy tụ hơn 100 thanh đồng đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cuộc thi nhằm lấy ý kiến đóng góp của các thanh đồng góp phần hoàn thiện hồ sơ nghi lễ Chầu văn ở Hà Nội, trình Bộ VHTT&DL đưa nghi lễ chầu văn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Tứ phủ, chầu văn hay hát văn được sử dụng trong các buổi “lên đồng” hầu thánh. Nghi lễ Chầu văn có thể hiểu một cách đơn giản là cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với lời văn chau truốt nghiêm trang, cùng với các nghi lễ, hình thức ca múa để con người có thể giao tiếp với thần linh.


Một giá đồng tại LH Nghi lễ chầu văn Hà Nội, ngày 4/10/2013

Hát Chầu văn được chia thành ba kiểu là hát thi, hát thờ và hát lên đồng. Lời văn trong hát văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường xắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài, răn dạy con người ta sống tốt đời đẹp đạo

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình gồm Cờn, Dọc, Xá. Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Chính vì thế, hát văn nói riêng và nghi lễ hầu đồng nói chung được các nhà nghiên cứu đánh giá là một bảo tàng sống của văn hóa Việt.

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến, nhà nghiên cứu Thao Giang – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Việt Nam “Hát văn là phần quan trọng bậc nhất trong Nghi lễ Chầu Văn. Chúng ta không nên đánh đồng hát văn là mê tín”.

Theo nhà nghiên cứu này, từ những năm 50 đến 80 của thế kỷ XX, nhiều Thanh đồng lợi dụng Nghi lễ này để chuộc lợi cá nhân. Hiện tượng tung tiền phát lộc có mệnh giá lớn vào đám đông gây lộn xộn, mất thẩm mĩ, tạo cái nhìn xấu về nghi lễ này (có lẽ cũng chính bởi vậy mà tên gọi khác của nghi lễ Chầu Văn là  “Hầu đồng” được sử dụng nhiều trong giai đoạn này. Nghi lễ Chầu Văn trở nên trầm lắng do bị cấm vì những biểu hiện mê tín.

Cũng giống như hát văn, trang phục hầu đồng ẩn tàng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Nghệ nhân Văn hóa dân gian Vương Đắc Thị Ất, người có hơn 20 năm nghiên cứu về trang phục trong Nghi lễ cho biết “Trong một giá chầu, trang phục đẹp sẽ tạo nên sự thăng hoa cho thanh đồng cũng như những người tham dự buổi lễ. Người ta gọi trang phục trong hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là các y phục của chư thánh giá ngự. Mỗi giá chầu sẽ có một bộ trang phục quần áo riêng, kèm theo các phụ kiện như mũ, khăn, trang sức cầu kỳ”.

Mỗi giá chầu sẽ có một bộ trang phục quần áo riêng, kèm theo các phụ kiện cầu kỳ

Thời gian gần đây, Nghi lễ Chầu Văn đang dần được hiểu đúng. Liên tục những đợt trưng bày triển lãm rồi biểu diễn, liên hoan đã cho thấy sự  nỗ lực của các nhà nghiên cứu văn hóa và sự cam kết đồng thuận của các thanh đồng nhằm sàng lọc những biến tướng của Nghi lễ.

Và quả thực, hiếm có loại hình diễn xướng cố truyền nào thu hút được số lượng lớn khán giả (đủ mọi lứa tuổi) đến xem như Nghi lễ Chầu Văn. (Điều này được minh chứng rõ nét khi trong 2 ngày diễn ra Liên hoan Nghi lễ Chầu Văn Hà Nội (4-5/10) tại rạp Công Nhân, khán phòng luôn chật kín khán giả).

Sau khi kết thúc thi khảo sát, các thanh đồng đạt giải sẽ được cấp chứng nhận của Liên hiệp Các hội Unessco Việt Nam, đây có thể coi là “chứng chỉ hành nghề” nhằm sàng lọc những đối tượng lợi dụng cơ hội để trục lợi từ nghi lễ này.

Minh Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm