Người Mỹ phát cuồng vì ngày "Thứ Sáu đen tối"

26/11/2011 10:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Với Makan Moinzadeh, 18 tuổi, việc dành cả ngày để xếp hàng, ngủ vạ vật suốt đêm để chờ cửa hàng Best Buy mở cửa trong ngày “Thứ Sáu đen tối” đã trở  thành một truyền thống. Và cậu không phải là ngoại lệ bởi trên khắp nước Mỹ có hàng triệu người cũng chờ đợi thời điểm này, để thỏa sức mua sắm những món đồ họ ao ước bấy lâu, với mức giá đã giảm đi rất nhiều.

Javier Marin đứng đầu tiên trong hàng dài người đang xếp hàng trước cửa hàng Best Buy ở Washington. Để có được  số thứ tự siêu đẹp này, với hy vọng sẽ mang về nhà 2 chiếc TV LCD cỡ lớn và một dàn âm thanh cao cấp khi giá của chúng giảm chỉ còn một nửa, người đàn ông 47 tuổi đã phải xếp hàng trước kẻ khác tới hai ngày.

Xếp hàng trước hai ngày để chờ mua hàng giá rẻ

Marin và 4 người bạn của ông đã rủ nhau ngủ trong một chiếc lều nằm ngoài Best Buy từ đêm thứ Tư (23/11). Vợ ông đã phải đóng vai người tiếp tế đồ ăn cho chồng và các bạn. “Tôi thấy cơ hội mua hàng với giá vô cùng hợp lý và tôi không muốn bỏ qua” - Marin nói - “Tôi đã phải bỏ cả tiệc Tạ ơn cùng gia đình, nhưng chỉ năm nay thôi. Cả nhà có thể tha thứ cho tôi vì chuyện này”.

Với Makan Moinzadeh, đây là năm thứ 4 cậu tới xếp hàng ở Best Buy. Năm nay, cậu rủ theo 9 người bạn và cả nhóm đã mang theo máy tính bảng iPad trong lúc xếp hàng để giết thời gian. “ Năm ngoái tôi mua một chiếc máy tính xách tay. Hai năm trước tôi cũng mua một chiếc máy tính xách tay và năm nay đó vẫn là mặt hàng tôi tìm kiếm”.

Giới quan sát ở Mỹ nói rằng mùa mua sắm hạ giá năm nay sẽ thu hút 150 triệu người Mỹ tham gia, đem lại con số doanh thu khổng lồ lên tới 466 tỉ USD, tăng gần 3% so với năm ngoái. Cuộc thăm dò của Ủy ban Quốc tế Các trung tâm mua sắm cũng cho thấy có tới 34% người mua hàng ở Mỹ nói rằng họ sẽ chi tiêu trong ngày “Thứ Sáu đen tối”, tăng lên so với mức 31% của năm ngoái và 26% trong năm 2009.

Hiện tượng này một phần nào cũng cho thấy người Mỹ giờ đã khó khăn hơn và đang cố tiết kiệm từng đồng trong chi tiêu. Không ai biết vì sao ngày mua sắm đại hạ giá này của người Mỹ lại có tên “Thứ Sáu đen tối”. Một số người nói rằng chữ “đen tối” được sở cảnh sát Philadelphia sử dụng vào năm 1966, khi những người mua sắm hàng giá rẻ đổ ra đường và gây nên nhiều cảnh hỗn loạn. Tới đầu những năm 1980, người ta lại lý giải rằng nó có nghĩa các nhà bán lẻ, vốn đã thua lỗ suốt trong năm, giờ mới thấy lợi nhuận, hay màu đen theo ngôn ngữ của giới kế toán.


Thứ Sáu đen tối đã trở thành sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất với nền kinh tế Mỹ

Sự kiện quan trọng với nền kinh tế Mỹ

Cho dù là gì, không thể phủ nhận đây là một trong những sự kiện mua sắm quan trọng nhất nước Mỹ và nó càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay. Vì lẽ đó, trái với thông lệ bình thường là mở cửa lúc 5 giờ sáng thứ Sáu, nhiều trung tâm bán lẻ đã chính thức bán hàng đại hạ giá từ đêm thứ Năm.

“Nhiều người đi mua sắm trong kỳ nghỉ lễ nói rằng họ thà thức muộn để mua hàng giá rẻ còn hơn là phải đặt chuông đồng hồ để dậy sớm vào sáng hôm sau” - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Quốc  gia, ông Matthew Shay đánh giá. Kết quả là các trung tâm bán lẻ nổi tiếng như Wal-Mart Stores, Old Navy, Kmart hay Toys R đều tuyên bố mở cửa bán hàng đại hạ giá từ 10g tối ngày thứ Năm. Để không bị thua đối thủ, Target,  Best Buy, Macy và Kohl đều tuyên bố họ sẽ mở cửa vào nửa đêm, tức thời điểm giảm giá sớm nhất từ trước tới nay của họ. Các doanh nghiệp khác như J.C. Penney nói rằng họ vẫn sẽ theo thông lệ, mở cửa vào sáng thứ Sáu.

Từ sớm ngày thứ Năm, các cửa hàng này đã tung hàng loạt quảng cáo về các mặt hàng sẽ được giảm giá mạnh tay, như Staples rao bán những chiếc máy in phun giảm giá tới 60%, trong khi Target giảm 45% giá của những chiếc TV LCD độ nét cao. Nhiều cửa hàng đã giảm giá mạnh tay với hy vọng sẽ tăng doanh thu, sau đợt kinh doanh thất bát trong tháng 10 vừa qua. Các cửa hàng như Macy và  Saks đều báo cáo những con số doanh thu đáng thất vọng.

Tuy nhiên, việc thay đổi thời điểm bán hàng đại hạ giá đã gây xung đột giữa giới chủ lao động và người làm công ăn lương. Khi Anthony Hardwick, một nhân viên trông xe bán thời gian ở cửa hàng Target tại Omaha, tiểu bang Nebraska, được yêu cầu phải đi làm lúc 11g đêm ngày thứ Năm, anh đã từ chối. “Vị hôn thê của tôi rất buồn vì chúng tôi đã lên kế hoạch ăn tiệc Tạ ơn cùng gia đình cô và bàn thảo về đám cưới của chúng tôi” - anh giải thích.

Được sự ủng hộ của các đồng nghiệp, anh đã tổ chức chiến dịch vận động mang tên Yêu cầu Target cứu lấy lễ Tạ ơn và nhận được chữ ký ủng hộ của 200.000 người.

Khó chi tiêu phóng tay như thường lệ

Những bất đồng như thế không phải hiếm và nó diễn ra đúng lúc phong trào Chiếm phố Wall đang gây chú ý ở Mỹ. Một số người đã nhân đó kêu gọi tổ chức phong trào Chiếm ngày “Thứ Sáu đen tối”, với hy vọng sẽ vận động người dân Mỹ tránh xa việc mua hàng của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia như Wal Mart.

Một số nhà phân tích đã xem ngày “Thứ Sáu đen tối” là yếu tố có lợi cho kinh tế Mỹ. Adam Davidson, chuyên gia kinh tế của Đài phát thanh quốc gia Mỹ, đã gọi đây là “một kế hoạch kích thích kinh tế và chương trình kiến tạo việc làm kéo dài trong một ngày”, vô cùng quan trọng với nền kinh tế. “Hàng tỉ đô la, lẽ ra nằm im, giờ được ném vào lưu thông. Đó là tín hiệu tích cực” - ông đánh giá.

Tuy nhiên, số khác cho rằng bóng ma suy thoái kinh tế sẽ vẫn ám ảnh người tiêu dùng, khiến họ không thể phóng tay mua sắm như mọi khi và như thế ngày thứ Sáu sẽ thực sự trở thành đen tối, theo đúng nghĩa, với các trung tâm bán lẻ.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm