Từ vụ Terry: Thẻ đỏ cho hành vi phân biệt chủng tộc?

16/07/2012 12:30 GMT+7 | Thế giới Sao

(TT&VH) - Dù cho phiên tòa xử vụ Terry có hành vi phân biệt chủng tộc đã kết thúc, nhưng vẫn có những tiếng nói đòi hỏi vấn đề này cần được thực hiện rốt ráo và triệt để hơn.

Dư âm từ vụ việc của John Terry có thể đem đến nhiều thay đổi cho bóng đá xứ sương mù, khi hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh hôm qua đã yêu cầu các trọng tài nên thẳng tay rút thẻ đỏ đối với các cầu thủ nếu phát hiện họ sử dụng những ngôn ngữ bẩn thỉu và có tính miệt thị với nhau. Trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đang xem xét việc có nên đưa ra lời buộc tội John Terry lẫn Anton Ferdinand về việc họ đã làm hoen ố hình ảnh bóng đá với thứ ngôn ngữ mang tính chửi rủa, Chủ tịch PFA (Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Anh) Clarke Carlisle đang muốn có thêm một bước thay đổi trong việc xử phạt hành vi chửi bới trên sân.


Ảnh: Getty

Ông đã nói trên tờ Independent như sau: “Hiện tại các trọng tài chỉ rút thẻ đỏ với hành vi sử dụng ngôn ngữ bẩn thỉu và mang tính sỉ nhục khi cầu thủ làm điều đó với những người làm nhiệm vụ trong trận đấu. Điều mà FA nên làm là yêu cầu trọng tài mở rộng việc rút thẻ đỏ sang những hành vi sỉ nhục lẫn nhau giữa các cầu thủ”.

Hôm thứ Sáu vừa qua, Terry đã được tuyên trắng án trong phiên tòa xử cầu thủ này có hành vi phân biệt chủng tộc Anton Ferdinand. Tuy vậy, vụ án này cũng đã chỉ ra mức độ sỉ nhục mà hai cầu thủ đã dành cho nhau trong trận đấu Chelsea gặp QPR hồi tháng 10 năm ngoái.

Carlisle cho biết thêm: “Vào một thời điểm nào đó ý tưởng này có thể tạo nên sự lộn xộn, nhưng không có bất kì bước tiến nào mà không cần một cuộc đấu tranh. Các cầu thủ có thể sử dụng ngôn ngữ trong các trận đấu như một lời nói đùa và bạn không thể nào bắt các cầu thủ giống như những vị thánh. Nhưng FA cần phải làm lành mạnh hình ảnh của những trận đấu bóng đá. Họ cần phải cất lên tiếng nói của mình”.

Khi nhắc đến vấn đề phân biệt chủng tộc, không nhiều những cầu thủ da đen sẵn lòng mở lời. Nhưng Brendan Batson, người đã từng phải chịu đựng những hành vi phân biệt chủng tộc trong những năm 80 của thế kỷ trước, hiện đang là cố vấn cho FA cũng như giữ cương vị chủ tịch Sporting Equals – một tổ chức phi chính trị có nhiệm vụ thúc đẩy sự đa dạng về sắc tộc cho biết: “Hiện nay có rất nhiều cầu thủ da đen đang tỏ ra không mấy hạnh phúc thậm chí là rất bực tức khi quá trình chống phân biệt chủng tộc không có nhiều tiến triển kể từ khi họ được hòa nhập vào đời sống bóng đá xứ sương mù vào những năm 70. Phong trào Kick It Out đã được khởi xướng từ năm 1993 và chúng tôi đã thu được những thành tựu nhất định trên sân cỏ. Tuy vậy, chúng tôi lại không nhìn thấy những thành tựu tương tự ở bên ngoài sân bóng”.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm