London “vắng như chùa Bà Đanh”

03/08/2012 10:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Khi đứng ra đăng cai tổ chức Olympic, giới chức London và nước Anh nói chung đều hy vọng sẽ thu được "cú hích" kinh tế từ sự kiện này. Tuy nhiên khi Thế vận hội mới diễn ra được mấy ngày, người ta đã phải vỡ mộng, bởi cơn bão mua sắm và du lịch được dự báo từ trước đã chẳng hề xuất hiện.

Các dự báo đều nói rằng vàng bạc sẽ tuôn chảy về London trong kỳ Olympic. Nhưng tại những nơi như Tuttons, một nhà hàng được ưa thích nằm ở Vườn Covent, khung cảnh lại hết sức đìu hiu.

Với việc hoạt động kinh doanh tụt giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái, màu duy nhất ông chủ nhà hàng Pedro Nunes nhìn thấy chỉ là một sắc đỏ.

Khách sụt giảm

"Cảm giác thực sự rất bực bội. Thường chúng tôi sẽ vô cùng đông khách trong tháng 8. Nhưng người dân đều nằm ở nhà vì ngại tắc đường và các vấn đề giao thông khác như Chính phủ đã cảnh báo. Tôi chỉ mong Olympic kết thúc cho nhanh" - Nunes nói.

Thế vận hội 2012 mới chỉ được vài ngày tuổi, nhưng đã có vô số những lời phàn nàn kiểu này xuất hiện, do giới thương gia ở khu vực trung tâm London chưa thấy sự may mắn tìm đến với họ như đã được dự báo, khi thành phố đứng ra tổ chức sự kiện thể thao thuộc hàng lớn nhất thế giới. "Olympic có thể mang tới hàng tỉ đô la, người ta bảo thế. Một số người hy vọng thế!" là tít bài viết đăng trên tờ báo khổ nhỏ Daily Mail số ra thứ Tư, với ý châm chọc tình hình hiện nay.

Quận nhà hát ở khu West End vốn rất đông người, nay trông như thị trấn ma

Các địa điểm vốn nằm trong nhóm du khách "phải tới" như Nhà thờ St. Paul và Bảo tàng Anh đều báo rằng họ đã tụt giảm mất 35% lượng du khách so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Bernard Donoghue, lãnh đạo Hiệp hội các Thắng cảnh hút khách hàng đầu cho biết: "Du khách Olympic không hành xử theo cách của các du khách thông thường. Họ chẳng tới nhà hát và cũng không đi tham quan. Chương trình du lịch của họ dựa trên Olympic đã được lên kịch bản quá chặt khiến họ luôn phải có mặt xung quanh địa điểm thi đấu ở một số thời điểm nhất định".

Những ngày này, việc mua vé xem các tác phẩm ở sân khấu West End nổi tiếng chẳng khó như trước. Dòng người đứng xếp hàng bên ngoài các điểm thắng cảnh nổi tiếng cũng ngắn một cách bất thường. Việc đặt bàn tại các nhà hàng thời thượng trở nên vô cùng dễ dàng. Nhiều phần của thành phố như khu vực quận nhà hát West End, vốn đầy chật những du khách mùa Hè, nay trở nên vắng lặng lạ thường. Các cửa hàng, các điểm giải trí cũng tự hỏi nhau rằng khách hàng của họ đã biến đi đâu mất.

Cảnh báo quá đà?

Câu trả lời là họ đang tập trung hết ở khu East End của London, nơi nhiều sự kiện Olympic lớn đang diễn ra. Một lượng lớn khách hàng nữa đang nằm dài ở nhà. Đó là những người dân London sợ hãi trước nhiều tháng cảnh báo của Chính phủ về khả năng tắc đường trong mùa Olympic, và họ thà ở nhà xem tivi còn hơn bước chân ra ngoài đường.

Rất nhiều thương gia đã lập tức chỉ tay vào ban tổ chức Olympic và chính quyền thành phố, tố cáo họ đã tổ chức quá nhiều chiến dịch quảng bá khiến người ta sợ phải lui tới khu vực trung tâm London trong mùa Olympic, sẽ kết thúc vào ngày 12/8 tới.

Trong khi khu West End ở trung tâm London vắng vẻ khác thường thì khu East End lại rất đông du khách

Được biết 4 ngày trước lễ khai mạc Olympic, Thị trưởng London Boris Johnson còn dùng loa thuộc hệ thống quảng cáo trên tàu điện ngầm của London để nhắc nhở người dân thay đổi kế hoạch đi lại nhằm tránh tắc đường. Các cơ quan của Chính phủ cũng cho giới công chức được làm ở nhà để giải tỏa áp lực giao thông.

Cho tới nay, ngoài vài sự cố nhỏ, hệ thống giao thông đã già cỗi của London vẫn đương đầu khá tốt với lượng du khách tăng lên. Những đoàn tàu, xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm, vẫn đưa người lao động đi làm và du khách Olympic tới đích một cách dễ dàng. Những lời cảnh báo của ông Johnson đã không còn phát trên hệ thống tàu điện ngầm nữa. Văn phòng thị trưởng nói rằng họ đã đạt được mục đích khi phát đoạn băng.

Nhưng các doanh nghiệp nói rằng nỗ lực của chính quyền đã đi quá đà. Dù một số tờ báo hơi cường điệu khi mô tả trung tâm London là thành phố ma, rất nhiều doanh nghiệp ở đây thừa nhận họ đang lỗ nặng thay vì đếm tiền mệt nghỉ như dự báo. 

Peter Vlachos, một chuyên gia marketing tại Đại học Greenwich đã khảo sát nhiều doanh nghiệp địa phương về tác động của Olympic. "Chỉ một từ thôi: thảm họa" - ông đánh giá - "Có 23.000 người đã đi qua các cửa hàng địa phương vào sáng sớm để tới sân thi đấu và cuối ngày đó cũng chính 23.000 người đó lại vội vã trở về khách sạn. Olympic được quảng bá với cộng đồng kinh doanh là cơ may làm ăn lớn, nhưng vận may đã không xuất hiện".

Vấn đề lớn với nền kinh tế

Việc khu vực trung tâm London ế khách có thể gây vấn đề lớn cho nền kinh tế Anh, vốn đã giảm mất 0,7% trong quý 2. Các quan chức đã hứa hẹn rằng Olympic sẽ giúp nhấc nước Anh ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay. Nếu sự kích thích kinh tế đó không thành hiện thực, suy thoái chắc chắn sẽ kéo dài hơn và sâu hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trong khi khu West End chịu thiệt hại nặng thì khu East End, một trong những vùng nghèo nhất thủ đô, lại đang vớ bở. Các doanh nghiệp ở đây đều đang rất vui vẻ trước vận may của mình. Một siêu thị mới mở nằm gần Công viên Olympic và được xem là tổ hợp mua sắm đô thị lớn nhất châu Âu, giờ đang đầy chặt người.

Chính quyền London cũng nói rằng tình hình thực sự không bi đát như các doanh nghiệp đã kêu ca. "Chúng tôi ghi nhận một lượng lớn người đã đổ tới London và bức tranh chung ở East End rất sáng sủa. - Bộ trưởng Olympic Jeremy Hunt nói. Ông khẳng định các con số ở khu Tây London cũng đang tiến lên - "Có thể các con số không được cao như người ta hy vọng. Nhưng thực tế thì khu West End cũng đang làm ăn rất tốt vào các buổi tối".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm