Cuộc đời bi thảm của đứa trẻ đã khiến cả châu Âu chết lặng

04/09/2015 06:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bức ảnh thứ nhất chụp một đứa bé mặc áo phông màu đỏ, quần cộc màu xanh, đi một đôi giày không tất. Bé nằm úp mặt, hoàn toàn bất động trên bãi biển, chẳng để lộ ra dấu hiệu nào cho thấy mình còn sống.

Trong bức ảnh thứ hai, người ta thấy một viên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang bế lấy bé. Đôi chân bé buông thõng bên hông viên cảnh sát. Dù chẳng ai biết viên cảnh sát đang nghĩ gì khi mang đứa trẻ khỏi bãi biển, có một điều rõ ràng là anh không dám nhìn vào thi thể bé.

Biểu tượng bi kịch trong một bức ảnh đau lòng

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cho biết đứa bé trong ảnh là Aylan Kurdi, 3 tuổi, tới từ một gia đình người Syria tị nạn. Bé đã được đưa lên một trong hai con thuyền, chở theo 23 người di cư trái phép đi từ khu vực Akyarlar thuộc bán đảo Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, tới đảo Kos của Hy Lạp.

Từ đây cả nhóm hy vọng có thể lọt vào Liên minh châu Âu. Nhưng mong ước đã không thể thành hiện thực, khi con thuyền bị đắm và xác Aylan trôi trên biển vài cây số, trước khi dạt vào bờ. Cùng thiệt mạng với Aylan còn có vài đứa trẻ khác, gồm anh trai 5 tuổi của bé và mẹ. Theo tờ Ottawa Citizen, cha của Aylan, anh Abdullah, là người duy nhất trong gia đình sống sót.


 Bức ảnh chụp cảnh viên cảnh sát bế xác Aylan, đã khiến cả châu Âu bị sốc

Trước khi xảy ra thảm kịch đau lòng, cả gia đình Kurdi đã xin tị nạn sang Canada, với lần nộp đơn gần đây nhất là vào tháng 6 vừa qua. Anh Abdullah muốn tới đây vì có chị gái Teema đang sống ở Vancouver. Tuy nhiên đơn tị nạn đã bị chính quyền Canada bác.

Di cư sang Canada không phải chuyện dễ dàng với những người như Abdullah. Tờ Ottawa Citizen cho biết, giống hàng ngàn người Kurd ở Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, họ không được LHQ xem là dân tị nạn. Ngoài ra, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cấp thị thực để họ xuất cảnh đi nơi khác.

"Tôi đã cố tài trợ để đưa họ sang Canada" - chị Teema nói với tờ báo - "Tôi đã nhờ bạn bè và hàng xóm góp tiền đảm bảo. Nhưng chúng tôi đã không thể giúp họ rời đi và đó là lý do vì sao họ phải lên những con thuyền đó."

Gia đình bé Aylan chỉ nằm trong số hàng triệu người đã chết hoặc đang trên đường chạy trốn chiến dịch tàn phá Iraq và Syria của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng ít nhất, cho tới khi hình ảnh kinh hoàng tiếp theo xuất hiện, bức hình chụp thi thể Aylan sẽ là biểu tượng mạnh mẽ nhất, về một cuộc xung đột đang nhấn chìm cả khu vực.

Những con người không nơi nương tựa

Gia đình bé Aylan tới từ Kobane, Syria, một thành phố nằm ở trung tâm của cuộc xung đột giữa các lực lượng phương Tây và IS. Dù Kobane bị IS chiếm trong năm ngoái, tới tháng 2 năm nay, lực lượng này đã phải rút khỏi thành phố. Kể từ đó, các cuộc xung đột đã thường xuyên diễn ra, trong đó có vụ tấn công trong tháng 6 mới đây làm 145 dân thường thiệt mạng.

Để tránh chiến sự, những người tị nạn như Aylan và gia đình bé phải thực hiện một hành trình dài hơn 1.000 km, từ Kobane tới Thổ Nhĩ Kỳ và băng qua biển Aegea để đến Hy Lạp. Bodrum, nơi người ta tìm thấy thi thể Aylan, được mô tả trong cuốn sách du lịch Lonely Planetlà "điểm nghỉ dưỡng ven biển quyến rũ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ". Nhưng rõ ràng là gia đình của Aylan không tìm tới đây để tắm biển hay ngắm cảnh.

Kos cũng là viên ngọc quý khác nằm ven biển Aegea, với các bãi biển êm đềm thơ mộng, các ngôi làng nằm trên núi, các phế tích tuyệt đẹp. Nhưng hiện nay người ta biết tới Kos chủ yếu vì cuộc khủng hoảng người di cư trái phép hơn là các thắng cảnh.


Aylan (trái), chụp ảnh chung với bố đẻ và anh trai Galip

Ước tính mỗi đêm có tới 600 người di cư tìm tới hòn đảo chỉ 30.000 người sinh sống này. Kể từ tháng 1 năm nay, đã có 125.000 người tị nạn đặt chân tới Kos và các đảo Hy Lạp khác, mang theo họ một cuộc khủng hoảng nhân đạo cực lớn và cả những cuộc xung đột bạo lực với dân địa phương.

“Chúng tôi không thể ngủ vào ban đêm" - một người Iraq đã tới Kos chia sẻ trên tờ Der Spiegel vào tháng trước - "Chúng tôi đã thường xuyên lo sợ bị những kẻ có súng ở đây tấn công. Họ giết người rồi ném xác vào các bãi rác. Chúng tôi chỉ muốn có một cuộc sống tốt hơn mà thôi."

Điều khiến những người tị nạn khó hiểu là dân đảo Kos không ưa họ, nhưng lại chẳng tạo điều kiện để họ nhanh chóng rời đảo. "Chúng tôi muốn rời đảo, nhưng người ta không thấu hiểu" - Laith Saleh, 30 tuổi, người đã có thời gian dài chiến đấu chống IS ở thành phố Aleppo, chia sẻ với hãng tin AP - "Chúng tôi không thể lên tàu tới Athens nếu không có giấy tờ cho phép việc này.”

Hồi chuông báo động với châu Âu

Gia đình Aylan hẳn đã muốn tham gia làn sóng tị nạn tìm tới Kos mỗi ngày để giành lấy thực phẩm và cơ hội được cấp giấy tới Athens. Dù nghe có vẻ ảm đạm, cuộc sống tại Kos vẫn tốt hơn nhiều so với những gì họ đã bỏ lại ở Syria.  

Ở điểm gần nhất, Kos chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ có 4km. Nhưng vùng biển này chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng và cách duy nhất để gia đình Aylan đi qua nó là sử dụng xuồng cao su hoặc thuyền nhỏ. Nhiều con thuyền như thế do những kẻ buôn người điều hành và chúng thu phí tới 800 USD trên mỗi đầu người muốn đi tới Koss.

Kết quả từ hoạt động di cư đầy rủi ro kể trên là cái chết của Aylan trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Đứa trẻ này đã phải chạy trốn khỏi quê nhà do người ta không muốn có nó, tìm cách tị nạn trên một hòn đảo không muốn chứa nó và qua đời trên một bãi biển ở một đất nước có lẽ cũng chẳng ưa nó.

Và trong bối cảnh người tị nạn tuyệt vọng tìm cách lọt vào châu Âu, bất chấp nguy hiểm cùng cái chết, rõ ràng Aylan chỉ là một trong rất nhiều các nạn nhân.

“Hình ảnh đầy bi kịch về một bé trai mất mạng khi đang chạy trốn khỏi Syria đã gây sốc... " -  Justin Forsyth, Giám đốc điều hành nhóm thiện nguyện Save the Children, cho tờ Guardian biết - "Thảm kịch của đứa trẻ này nên là động lực để châu Âu thống nhất và đưa ra một kế hoạch giúp xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng người di cư trái phép".

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm