Chất jazz phiêu lãng trong tranh của Hoàng Sao

15/05/2019 19:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là, sau hơn 30 năm rời xa quê nhà ở Đà Nẵng, Huế vào lập nghiệp ở Cần Thơ, Hoàng Sao đã trở thành họa sĩ, sau lần tham gia triển lãm chung ở Gác Trịnh (31/3 đến 6/4/2019). Lần này, anh xuất hiện với 43 tác phẩm khổ lớn ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khai mạc từ chiều ngày 16/5 kéo dài đến ngày 26/5/2019.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sẽ sưu tầm nhiều hiện vật đậm nét văn hóa Việt

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sẽ sưu tầm nhiều hiện vật đậm nét văn hóa Việt

Ngày 8/9, Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (5/9/1987 - 5/9/2017) được tổ chức với nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu, trưng bày chuyên đề đến người dân Thành phố.

1. Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Sao trở thành một họa sĩ. Bởi điều đó đã được nuôi dưỡng từ thiếu thời, cho đến khi qua ngưỡng tuổi 20, Hoàng Sao đã có cơ may gặp gỡ và gần gũi với những nghệ sĩ ở Huế như: Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Hoàng Đăng Nhuận, Bửu Chỉ, Đinh Cường... niềm đam mê hội họa và điều kiện kinh tế có vẻ khấm khá từ thuở bao cấp, nên anh đã mua tranh của những họa sĩ tên tuổi ở Huế, cho dù mang về chưa biết để làm gì và không biết treo ở đâu, tất cả là vì tình người của một thời khó khăn nhưng rất mơ mộng.

Nhà văn dịch giả Bửu Ý có nhận xét ngắn khi xem tranh của Hoàng Sao ở Gác Trịnh: “Tranh của Hoàng Sao đợt này hay hay, lạ lạ và nhuyễn hơn...”. Với đôi mắt từng trải trong nghệ thuật và sự uyên thâm của một nhà văn, dịch giả tên tuổi như Bửu Ý, chúng ta không thể nghi ngờ gì nữa về một họa sĩ Hoàng Sao.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hoàng Sao

Riêng tôi, người đã viết hàng chục bài về hội họa của các thế hệ họa sĩ khắp mọi miền vẫn không khỏi ngạc nhiên khi xem tranh của Hoàng Sao. Ngạc nhiên vì tranh của Hoàng Sao không giống hay na ná một họa sĩ nào, đó là điều quý nhất của người sáng tạo nghệ thuật. Điều kỳ lạ, là sự uyển chuyển mềm mại của màu sắc trong tranh của Sao gợi lên và dẫn đưa người xem rơi vào những giai điệu của cõi thanh sắc.

Một nơi để yêu một nơi để chết là một khoảng tối bao quanh những đốm sáng lung linh của cuộc đời, những dấu chân, những con đò và nổi bật là những ký hiệu hình nốt nhạc ngân nga dập dìu. Cũng buồn như đá là gương mặt đôi tình nhân hòa vào trong màu đất đá, cùng với cây đàn guitar... tất cả chìm dưới nền trời màu xám xanh. Dạ khúc tràn ngập chất thơ và giai điệu vang ngân trong bóng đêm, màu xanh của đêm hòa cùng ánh trăng soi tỏ những góc khuất trong tâm hồn người xem... Tôi tin rằng, nét cọ của Hoàng Sao khi vẽ bức Dạ khúc cũng du dương cùng giai điệu lãng mạn mộng mơ đó.

2. Chúng ta đều biết blues là thể loại nhạc đầy ngẫu hứng, do vậy người chơi nhạc thể hiện tùy theo trạng thái cảm xúc của mình, vẫn trên nền nhạc đó, nhưng sẽ có những biến thể bằng sự sáng tạo ngay trong thời điểm biểu hiện.

Nhìn vào sự ngả nghiêng của các nhạc cụ trong không khí ấm nồng của sắc màu sân khấu trong bức Jazz để thấy được những giai điệu jazz đang lơi từng nửa nốt nhạc.

Hay trong Saxophone là những chuyển động của âm thanh được diễn đạt bởi buổi tiệc của sắc màu đã đánh thức cả một vùng núi đồi hoang vu... những vệt màu trong tranh của Hoàng Sao chuyển động đầy ngẫu hứng như của một nhạc công đang diễn trình giai điệu jazz theo những cung bậc cảm xúc của riêng họ, không tuân thủ một luật định nào, theo ngôn ngữ thời thượng là rất “phiêu”, khiến người xem phải dừng ánh mắt thật lâu, rồi như bị hút vào thế giới phía đằng sau bức tranh để cảm nhận sự phi lý rất logic.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Saxophone", sơn dầu trên toan, 60cm x 90cm, 2016

Trong một loạt tranh của Hoàng Sao vẽ với chủ đề Jazz, Flamenco, Saxophone, Giao hưởng, Nhớ Lê Uyên và Phương... với nét cọ đầy cảm hứng của cung bậc cảm xúc, màu sắc trong các tác phẩm đó như những giai điệu đang tung tẩy trong không khí của bữa tiệc âm nhạc của các nghệ sĩ dìu dặt trong giai điệu jazz, blues từ giữa thế kỷ trước.

Để thể hiện được cái không khí đầy cảm hứng và phiêu diêu đó, tôi tin rằng Hoàng Sao là người đam mê và đã từng say đắm trong những giai điệu jazz bất tận.

Đến đầu thể kỷ 21 này, jazz vẫn gây cảm xúc cho giới thưởng thức âm nhạc, bởi trong jazz, blues chứa cả niềm vui, nỗi buồn cùng sự phóng khoáng trong cách diễn đạt và bao hàm giai điệu của các dòng nhạc khác.

Trong hội họa cũng vậy, chất jazz, blues bàng bạc trong từng nét cọ, từng gam màu để tạo nên sắc thái ấn tượng đầy chất hoang sơ, ngẫu hứng gây cảm xúc cho người xem.

Họa sĩ Hoàng Sao phần nào thể hiện được không khí jazz phóng khoáng, phiêu lãng trong một số tác phẩm hội họa của anh.

3. Ngoài ra, Hoàng Sao vẽ một loạt tranh phong cảnh với phong cách lãng mạn. Nhìn loạt tranh này tôi có thể cảm nhận một thời phiêu lãng của tác giả, qua những tác phẩm Cao nguyên, Chiều về trên sông... Một số bức tranh có xu hướng của trường phái siêu thực và ấn tượng như: Đường chiều lá rụng, Bố cục, Mặt trời vẫn mọc... Một vài bức theo kiểu lập thể: Phố chiều, Trở về mái nhà xưa, Cô đơn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Phố chiều", sơn dầu trên toan, 60cm x 90cm, 2015

Trong loạt ba bức Mặt trời vẫn mọc là cả một chủ ý sáng tạo, ở đó ý niệm được diễn đạt bởi màu sắc, đường nét và hình thể trong loạt tranh này nhòa theo độ loang của sắc màu. Hay trong những bức có chủ đề cô đơn, cách diễn đạt màu mang hơi hướng của biểu hiện tâm trạng của tác giả.

Vừa qua, Nhà thờ Đức Bà Paris ngập trong khói lửa, nhưng may mắn thay những tác phẩm nghệ thuật đã được cứu hộ. Nói thế, để biết người ta trân quý văn hóa nghệ thuật đến dường nào. Điều này chứng tỏ nghệ thuật có một sức mạnh vô cùng và có lẽ trong chúng ta ẩn khuất đâu đó hình ảnh chàng Gù đang rung chuông thức tỉnh tình yêu trong mọi người. Thiết nghĩ, mỗi nghệ sĩ nếu không làm sứ mệnh khơi dậy tính thiện, tình yêu trong mọi người và chiến đấu với cái ác thì chỉ là những cây bút của bóng tối.

Qua cuộc triển lãm đầy ấn tượng này, người xem có quyền hy vọng họa sĩ Hoàng Sao là người mang giai điệu sắc màu đến với cuộc đời, để nối kết tình yêu giữa mọi người.

Lam Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm