15/06/2020 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo đó kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/8 thay vì 2 ngày rưỡi như trước đây.
Như vậy, còn khoảng 2 tháng nữa cho các em ôn luyện. Còn ở các cấp học khác, học sinh cũng rục rịch thi học kỳ các môn đầu tiên, riêng các lớp phổ thông đầu cấp thì áp lực thi tuyển đầu vào càng lúc càng tăng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, đúng là rất vất vả.
Bên cạnh đó, một vấn đề thường trực trong các kỳ thi vẫn luôn được Bộ GD&ĐT cũng như phụ huynh và các em học sinh quan tâm, đó chính là chúng ta sẽ “đối phó” với gian lận thi cử ra sao khi kỳ thi THPT quốc gia năm nay tiếp tục giao cho các địa phương tổ chức?
Những lo lắng ấy không phải không có cơ sở khi mà vừa mới tháng trước, vụ án gian lận điểm trong kỳ thi THPT năm 2018 tại Sơn La và Hòa Bình mới được đưa ra xét xử.
Từ những bài học trong các kỳ thi THPT năm trước và tình hình thực tế năm nay như vậy, các em học sinh cần phải làm gì?
Theo cá nhân tôi, điều đầu tiên các em cần phải làm ngay từ bây giờ, đó là đặt ra cho mình mục tiêu thi đỗ tốt nghiệp THPT đã, mọi chuyện khác tạm thời gác lại chưa nên tính toán quá nhiều. Nếu coi thi cử giống như là các bậc thang thì phải qua được nấc thang tốt nghiệp THPT này thì mới có thể bước tiếp đến đại học, cao đẳng.
Vì thế, hãy làm công tác chuẩn bị thật tốt để vượt qua thử thách đầu tiên trước ngưỡng cửa cuộc đời đã. Các em cần phải vững tin vào các biện pháp chống gian lận thi cử năm nay, vững tin vào sự công bằng trong thi cử mà cả xã hội đang nỗ lực thực hiện cùng ngành giáo dục. Nhìn vào Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay chúng ta thấy có những điểm mới so với mọi năm, như có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra địa phương.
Mặc dù vậy, nỗi lo gian lận thi cử thì luôn tồn tại, như chia sẻ của GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão như hiện nay, rất khó có thể kiểm soát và phát hiện được tất cả các thiết bị hiện đại mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Bên cạnh đó, kỳ thi được tổ chức nhẹ nhàng, chỉ mang tính xét tốt nghiệp là chủ yếu cũng có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, thí sinh chia sẻ bài cho nhau, giám thị vì muốn học sinh của địa phương mình thi đỗ sẽ coi dễ, chấm lỏng… điều này đã từng xảy ra ở những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
Nắm bắt được tình hình này, việc tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay cũng là nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Cụ thể là Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi.
Vì vậy, mọi lo lắng về gian lận trong thi cử hãy để cho các cơ quan có trách nhiệm thực thi, còn các em học sinh chỉ cần tập trung vào việc chính, đó là nghiêm túc, trung thực, cố gắng thể hiện những gì đã được học sao cho kết quả bài thi tốt nhất.
Bác sĩ người Áo Viktor Frankl đã từng phát biểu: “Cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự vận động và không ai khác ngoài họ mới biết họ phải làm gì”.
Có thể coi những chia sẻ này là những tư vấn có ích cho các em học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hãy biết cách giành được mục tiêu của chính mình bây giờ là tốt nghiệp THPT đi đã. Làm điều ấy như thế nào thì không ai khác là chính bản thân các em phải tự lượng sức của mình, làm công tác chuẩn bị cho thật chu đáo, bài bản. Thành công không bao giờ tự đến với bất kỳ ai, phải vận động và suy nghĩ tích cực.
Đó chính là những việc cần phải làm ngay từ bây giờ.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất