Góc nhìn 365: Kỳ nghỉ lễ đặc biệt

31/08/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Đáng nói, đây cũng là năm đầu tiên, kỳ nghỉ lễ 2/9 được mở rộng thành 2 ngày nghỉ theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ năm 2021 này). Chưa hết, khi cộng cùng 2 ngày cuối tuần liền kề, đợt nghỉ lễ này kéo dài lên tới tận con số 4.

Quyết định tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm

Quyết định tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đó tán thành việc bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2/9, nâng số ngày nghỉ lễ hằng năm lên 11 ngày.

Những năm trước đây, trừ dịp Tết, chúng ta chỉ có duy nhất một đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5 là chạm tới mốc 4 ngày ấy. Và, nếu mọi thứ diễn ra bình thường, hẳn sẽ rất hấp dẫn khi cộng đồng lần đầu được trải nghiệm thêm một kỳ nghỉ dài trong năm, vào tháng 9 này.

Ở vào những năm “bình thường” trước đó, một kỳ nghỉ giữa năm luôn là dịp để mỗi người xả hơi sau vòng quay công việc - vốn dĩ càng ngày càng nhanh ở xã hội hiện đại. Và không có gì lạ: Ngay vào những dịp nghỉ lễ 2/9 trước đây vốn chỉ có 1 ngày nghỉ, chúng ta vẫn hào hứng với vô vàn kế hoạch đi chơi, gặp gỡ bạn bè, về thăm quê, tùy theo lựa chọn của từng người.

Nhưng bây giờ, với những diễn biến mới của đại dịch Covid-19, 2 chữ “bình thường” đã không còn tồn tại.

Chú thích ảnh
Pano cỡ lớn chào mừng 76 năm Quốc khánh 2/9 được đặt tại ngã 6 Ô Chợ Dừa (Đống Đa). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thực tế, đây là năm thứ 2, chúng ta đón kỳ nghỉ lễ Quốc khánh trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra. Dù vậy, vào năm 2020 vừa qua, những diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn chưa quá phức tạp, và nhiều đô thị lớn trên cả nước cũng chưa được đặt trong tình trạng giãn cách như hiện tại. Với cách nghĩ chung của nhiều người khi ấy, dịp lễ 2/9 có thể kém sôi động, nhưng vẫn chỉ là khoảng lặng mà chúng ta trải qua trong lúc chờ quay lại với nhịp sống ngày thường.

Còn dịp 2/9 năm nay, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đang diễn ra với sự khốc liệt hơn bao giờ hết. Tính chất sống còn trong cuộc chiến đó không chỉ thể hiện ở số người nhiễm, những ca tử vong, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện... mà còn gắn với sự hy sinh của không ít thành viên nơi tuyến đầu chống dịch, cũng như thái độ nhập cuộc rất quyết liệt của toàn xã hội.

Và, khi mà cộng đồng và bộ máy chính quyền đang tranh thủ từng giờ, từng phút để đẩy lùi dịch bệnh ở hàng chục tỉnh thành trên cả nước, không ai trong số chúng ta có quyền đứng ngoài cuộc - dù chỉ bằng tâm lý muốn nuông chiều, dễ dãi với bản thân một chút trong kỳ nghỉ 4 ngày sắp tới. Bởi, khi cả nước đang là một mặt trận khổng lồ trong cuộc chiến chống dịch, sẽ vô lý và ích kỷ nếu chúng ta mơ về sự bình yên và hưởng thụ của riêng mình.

Không phải ngẫu nhiên, tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố vừa có công văn yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh sắp tới. Ở vào giai đoạn quyết định nhất của cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta luôn cần thêm chút nỗ lực và quyết tâm của cộng đồng, để không vứt đi sự hy sinh và công sức đã bỏ ra trong chuỗi ngày qua.

***

76 năm trước, ở một thời khắc đặc biệt trong lịch sử, người Việt chúng ta đã biết phát huy sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng để kề vai sát cánh hướng về một mục tiêu rất rõ ràng: Giành độc lập dân tộc và làm chủ vận mệnh của mình. Để rồi trong nhiều thập niên qua, mỗi dịp kỷ niệm cột mốc lịch sử ấy, chúng ta vẫn khẳng định: Tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam... tất thảy đều bắt nguồn từ sự đoàn kết và đồng lòng của cả một dân tộc.

Bây giờ, trong dịp Quốc khánh 2/9, khi Việt Nam vẫn phải đối diện với với 1 trong những đại dịch nghiêm trọng nhất của lịch sử loài người, chúng ta cũng rất cần mỗi người dân thực hiện trọn vẹn 2 chữ “đồng lòng” ấy.

Lan Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm