13/01/2020 07:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện được quan tâm nhiều nhất trong tuần lễ này có lẽ không gì khác là nghi lễ cúng ông Công, ông Táo tại các gia đình vào ngày 23 tháng Chạp. Bên cạnh việc sắm đồ cúng lễ thì mọi người cũng cần phải lưu tâm đến việc xử lý túi nylon, chai nhựa, tro đốt vàng mã sao cho không ảnh hưởng tới môi trường.
Trong năm 2019, ngoài vấn đề nổi cộm là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt thì câu chuyện về rác thải nhựa đã được nhắc đến rất nhiều…
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: Việt Nam xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa. Phần lớn chất thải tại Việt Nam không được phân loại ở cấp hộ gia đình và được chôn lấp mà không qua xử lý.
Đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam có đánh thuế túi nylon, nhưng chính sách này chưa thực thi hiệu quả. Quy định này cần mở rộng cho cả việc sử dụng các ống hút nhựa 1 lần, cốc, bao bì, chai lọ và các sản phẩm nhựa không phân hủy khác. Việc phân loại rác thải tại các hộ gia đình cần được triển khai trên toàn quốc để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Những thông tin nói trên đúng là cần phải suy nghĩ, nhất là tại các hộ gia đình vào thời điểm này là lúc tiến hành dọn dẹp nhà cửa, tống tiễn những đồ vật cũ ra khỏi nhà, trang trí bày biện chuẩn bị đón năm mới. Cho nên nếu không có ý thức, không kiểm soát thì tình trạng ứ đọng rác tại các điểm tập kết vận chuyển ra khỏi thành phố lại có nguy cơ tiếp diễn. Đáng lo nhất là tình trạng đồ cũ lén vứt ra đường, thành rác thải cồng kềnh, trong khi, một con tính cho thấy, cần phải bỏ ra 700.000 đồng để chở bộ sofa cũ đi xử lý; vứt bỏ một chiếc tủ nhỏ: 250.000 đồng, đồ dùng lớn hơn 400.000 đồng. Giá chót cũng 200.000 đồng!
Một tin vui cho chúng ta, đó là sự kiện Garage Sale 2020 với các hoạt động trao đổi quần áo theo tiêu chí “Cũ người - Mới ta”, đổi và tái chế quần áo cũ, mang lại vòng đời mới cho những bộ trang phục cũ đã được tổ chức tại phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Diễn ra trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, thực sự đây là một sự kiện có ý nghĩa khi mà thời điểm này là dịp mọi người tập trung vào việc mua sắm quần áo mới, chuẩn bị làm đẹp để về nhà đón Tết, đi chơi trong dịp Tết.
Sự kiện này đã thu hút được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng tham gia sôi nổi. Những người quan tâm đến vấn đề môi trường được giao lưu, gặp mặt, trao đổi cùng nhau, đưa ra những tiếng nói đóng góp cho vấn đề rác thải thời trang, hướng tới một môi trường sống xanh cho cộng đồng. Đó cũng là tín hiệu vui cho thấy nhận thức về môi trường của các bạn trẻ đã thay đổi. Trách nhiệm và ý thức cộng đồng đã dần được nâng cao.
***
Quay trở lại chủ đề ông Công, ông Táo, cũng cần phải nhắc lại rằng, ý thức của một bộ phận người dân trong việc tiến hành nghi lễ thả cá chép tại các ao, hồ, sông ngòi… năm nào cũng có vấn đề. Hình ảnh túi nylon sau khi thả cá người dân vứt lại bám đầy thành cầu Long Biên, Chương Dương, cầu Đuống, ven bờ Hồ Tây… vẫn cứ tái diễn.
Để nâng cao ý thức người dân trong việc này, có khi cần phải ra một văn bản giống như Nghị định 100/2019 xử phạt uống rượu bia khi tham gia giao thông đang được người dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Qua đó tăng mức phạt thật nặng, mở rộng hình thức xử phạt thật nghiêm túc không những cho các công ty, các tổ chức mà ngay cả những cá nhân, những gia đình thiếu ý thức, vô trách nhiệm trong việc xử lý rác thải ra môi trường.
Và nếu như phải chọn thông điệp để cho Táo quân báo cáo Ngọc Hoàng vào dịp 23 tháng Chạp này, tôi nghĩ nên nói rằng: Năm nay, chúng tôi sẽ ưu tiên cố gắng làm tốt công việc xử lý rác thải nhựa, sau đó là tiếp tục vận động tuyên truyền người dân không sử dụng đồ dùng chế biến từ nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất