Chào tuần mới: "Thầy thuốc" và "y miếu"

24/02/2025 08:35 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta vừa bước sang một tuần lễ mới, với một cột mốc được chờ đợi: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Đáng nói, năm nay chính là thời điểm tròn 7 thập niên kể từ khi ngày tôn vinh các thầy thuốc ra đời (27/2/1955).

Nhưng, rất thú vị, năm 2025 này cũng đánh dấu tròn 2 thế kỷ vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng miếu Tiên Y tại Huế - một công trình về cơ bản gắn với việc tri ân các vị tiên y, thánh y và cũng để thắp sáng y đạo.

Theo các tư liệu cũ, miếu Tiên Y lần đầu được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), sau đó từng được xây lại một số lần ở các vị trí khác nhau, vẫn tại Huế.

Và trong nhiều năm của vương triều Nguyễn, miếu Tiên Y luôn gắn cùng việc thờ phụng các vị tiên tổ ngành y Đông phương và danh y Việt Nam các đời, với các lễ tế trang trọng mỗi năm 2 lần, có sự tham dự của quan tam phẩm.

Chào tuần mới: "Thầy thuốc" và "y miếu" - Ảnh 1.

Miếu Tiên Y. Ảnh: Trần Thái Sơn/khamphahue.com.vn

Đáng nói, bên cạnh miếu Tiên Y ở Huế, một công trình tương tự cũng xuất hiện tồn tại trong lịch sử Hà Nội: Y Miếu Thăng Long - tương truyền được vua Lê Hiển Tông cho xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII và thờ các vị danh y, tiên thánh của đất nước, trong đó có Tuệ Tĩnh thiền sư cùng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hiện, một phần công trình này vẫn còn được bảo tồn tại phố Y Miếu (Đống Đa, Hà Nội).

Thực tế, ở thời điểm hiện tại, cả 2 công trình trên đều đã được trùng tu, xếp hạng di tích, và trở thành nơi thực hiện các nghi thức quan trọng nhằm vinh danh ngành Đông y trong ngày 27/2 hàng năm.

***

Như thế, sự xuất hiện của Y Miếu tại Thăng Long và Huế - 2 trung tâm văn hóa lớn nhất của Việt Nam trong lịch sử - theo yêu cầu của các hoàng đế đương thời đã cho thấy: Từ rất sớm, nghề thầy thuốc - cũng như những phẩm giá đi kèm với người thầy thuốc - luôn được trọng vọng và có một vị trí đặc thù trong xã hội.

Giống như, trước khi có từ "bác sĩ", "thầy thuốc" là khái niệm đã tồn tại rất lâu trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Nó gắn với những con người được cộng đồng gọi bằng "thầy", với tất cả sự kính trọng và kỳ vọng.

Bởi, đơn giản, sự quan trọng - và cao quý - của việc trị bệnh cứu người vẫn luôn là một chân lý. Và dù đặt ở bối cảnh xã hội hiện đại với rất nhiều thay đổi, sự cao quý ấy vẫn còn nguyên giá trị, khi nó luôn đặt ra câu chuyện 2 chiều. Một mặt, đó là sự trọng vọng - và kỳ vọng - ngày càng dày lên theo thời gian trong xã hội. Mặt khác, đó là câu chuyện tự thân của mỗi thầy thuốc để hoàn thiện mình về y đức và y đạo, trước sự trông đợi của nhân dân.

Giống như một số châu bản triều Nguyễn được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I giới thiệu vào dịp này: Trước khi cho xây lại miếu Tiên Y vào năm 1850 với quy mô rộng lớn hơn và ở vị trí thoáng đãng hơn, vua Tự Đức đã có chỉ dụ về tầm quan trọng của nghề y: "Trẫm nghe nói: y đạo dù nhỏ cũng là phép của nhân từ, là cốt của cửu lưu".

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm