08/07/2019 07:12 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Giao thông Vận tải vừa cho phép Tổng cục Đường bộ ban hành bộ câu hỏi lý thuyết mới, với 600 câu áp dụng cho các kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe trong thời gian tới (bộ câu hỏi trước đây là 450 câu).
Ngay khi thông tin này được đưa ra thì đã có nhiều ý kiến tranh luận. Bởi trong 600 câu này sẽ có bộ 100 câu hỏi điểm liệt với mục đích tăng độ khó của việc thi sát hạch; nếu thí sinh làm đúng toàn bộ 30 hoặc 45 câu (tùy sát hạch theo hạng xe), nhưng trả lời sai chỉ một câu hoặc hai câu trong bộ 100 câu điểm liệt thì thí sinh đó vẫn trượt…
Về mặt nội dung, 100 câu hỏi điểm liệt thực chất vẫn là các kiến thức cơ bản, bắt buộc người lái xe phải nắm vững. Hiểu theo góc độ nào đó thì đây là những quy tắc mà bất kỳ lái xe nào cũng phải tuân thủ khi tham gia giao thông.
Tham gia các chương trình đào tạo lái xe hiện nay tại các trung tâm hay trường dạy nghề, mục đích chính của nhiều học viên vẫn là học để thi, thậm chí là học “mẹo thi” cả lý thuyết và thực hành làm sao để được cấp giấy phép lái xe càng sớm càng tốt. Theo một số bác tài có kinh nghiệm, hiện nay việc đào tạo lái xe chưa có nhiều nội dung về nhận thức sự nguy hiểm, sự rủi ro. Và có vẻ như điều này cũng ít được các học viên để ý. Các học viên chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề kinh phí.
Một ví dụ cho việc này đó là vượt xe phía trước, về nguyên tắc muốn vượt, lái xe phải bật đèn tín hiệu báo cho xe phía sau, bấm còi hoặc đèn pha “xin” xe muốn vượt. Tuy nhiên “xin” là một chuyện, nếu như xe trước mặt chưa “cho” và khoảng rộng chưa đủ thì không được vượt, phải chờ. Tình huống này nếu lái xe cố tình vượt lên, tức là chưa nhận thức hết sự nguy hiểm sẽ gặp phải.
Hay là câu chuyện các lái xe lùi xe trên đường cao tốc vừa rồi cũng là ví dụ cho việc không nhận thức được hết sự nguy hiểm cũng như những rủi ro đem lại.
Hồi học lái xe trong quân đội, tôi nhớ các bài học bao giờ cũng có phần mục đích và yêu cầu cho cả giáo viên và học viên. Chẳng hạn như học lái trên địa hình đường đồi núi, giáo viên sẽ nói về sự nguy hiểm hoặc những rủi ro có thể sẽ gặp phải trên hành trình và yêu cầu phải tập trung rèn tay lái ra sao, chú ý quan sát cái gì trên hành trình này.
Học viên thuộc được lý thuyết thì khi thực hành phải có sự chuẩn bị kỹ, chú ý luyện tay lái, tập trung quan sát khi học tình huống. Phải đạt được mục đích này thì học viên mới có năng lực, mới đủ tư cách cầm lái. Nếu chưa đạt, giáo viên sẽ điều chỉnh giáo án, tùy theo thực tế tăng hoặc giảm độ khó để học viên rèn thêm làm sao cho thật tự tin. Mục đích cuối cùng là khi được cầm lái mà gặp các tình huống tương tự, các địa hình đã được học, được luyện thì phải xử lý thành thạo.
Giống như bất kỳ một ngành nghề nào khác trong cuộc sống, muốn nâng cao năng lực chuyên môn thì điều không thể thiếu là học hỏi và tích cực trải nghiệm. Trong câu chuyện học lái xe nói trên, bộ 100 câu hỏi điểm liệt có thể tăng thêm độ khó cho các thí sinh. Thế nhưng, tính thực tiễn mới là điều quan trọng, nếu vượt qua bộ 100 câu hỏi điểm liệt chỉ để lấy cái bằng thì cũng không mang nhiều ý nghĩa. Kể cả khi đã trả lời đúng bộ 100 câu hỏi điểm liệt, liệu các thí sinh có nâng cao được trình độ, kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông? Có chắc chắn các thí sinh này ra đường sẽ lái xe an toàn khi mà quy định giấy phép lái xe hạng B2 tối thiểu thời gian đào tạo là khoảng 3 tháng (cả lý thuyết và thực hành). Liệu 3 tháng có đủ để trải nghiệm, có đủ cho thí sinh thực hành và nhận biết được các tình huống nguy hiểm? Nếu tính giờ thực tế thì được bao nhiêu giờ?
Thay vì học lái xe để đi thi, chúng ta nên hướng tới mục tiêu lái xe an toàn khi tham gia giao thông để cùng nhau xây dựng được chương trình đào tạo có thể đánh giá được thí sinh sau khi học xong có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để lái xe hay không? Việc đó có lẽ quan trọng hơn là vấn đề thêm hay bớt câu hỏi điểm liệt.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất