01/04/2019 07:07 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngẫu nhiên, ngày 1/4 năm nay cũng là ngày mở đầu cho một tuần lễ. Đây là ngày được nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam nhớ đến với tên gọi “Ngày Cá tháng Tư”, hay “Ngày nói dối”, “Ngày nói đùa”…
Trong ngày này, người ta thường bịa chuyện để đùa vui với nhau mà không sợ bị giận, tất nhiên cũng không thiếu những trò chơi khăm nhớ đời, nói như cư dân mạng bây giờ là để “troll” nhau.
Dù chỉ để giỡn chơi nhưng để có một trò “cá tháng Tư” thì vẫn phải có thông tin… giả, tức là những câu chuyện hay là tin tức không có thật.
Trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, khi mà sự bùng nổ thông tin trên toàn cầu thì có một vấn đề phải đối mặt là làm sao để biết đâu là cái thật, đâu là cái giả. Cái giả bao gồm fake news (tin giả) và cả những sự không trung thực, sự thiếu thành thật trong quan hệ giữa người với người.
Nhớ hồi còn bé, còn trẻ con khi chơi các trò chơi cùng nhau, những ai có hành vi gian dối, không trung thực thường hay bị chúng tôi nói: Ăn gian nó giàn ra đấy. Nhiều năm cắp sách đến trường, tôi nhớ câu chuyện về thật/ giả xảy ra nhiều nhất vẫn là học sinh giả chữ ký của phụ huynh trong sổ liên lạc khi mắc khuyết điểm bị thầy cô phạt. Có đứa thì nhờ anh chị lớn trong nhà ký, có đứa thì nhờ người khác ký hộ, thậm chí những cậu hay nghịch ngợm còn tự ký cho nhau vì sợ bố mẹ biết cho ăn roi. Đa số đều bị phát hiện và bị kỷ luật. Đó có thể coi là bài học đầu tiên về cái giá của sự giả dối mà tôi biết.
Thời kỳ trong quân ngũ, chuyện lao động thật hay giả thường được chúng tôi nhắc đến nhất chính là tưới rau. Rất nhiều lần sau khi anh em đã tưới rau xong, cán bộ đơn vị đi kiểm tra nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ thấy hầu hết các luống đều được tưới. Thế nhưng khi cắm cái que xuống sâu khoảng 10cm để kiểm tra, nếu thấy que ướt thì chứng tỏ đã tưới thật, còn que khô thì chắc chắn là cẩu thả, người tưới chỉ vẩy nước cho ướt bề mặt cho nhanh xong việc. Tối sinh hoạt đơn vị kiểu gì cũng nghe kiểm điểm nhắc nhở về tính trung thực, lại có vài cậu bị nêu tên trước đơn vị.
Nhiều năm sau này, khi làm việc với người Nhật chúng tôi học được cách chào hỏi, cúi gập người khi gặp gỡ hay khi cần xin lỗi. Họ hướng dẫn rất chi tiết khi chào khách thì người đứng thẳng, cúi gập phần trên của cơ thể tạo thành góc là 30 độ, khi xin lỗi thì là cúi góc 45 độ. Nếu anh cúi gập người chưa đủ 30 độ tức là anh coi thường người gặp mặt, không lịch sự. Còn khi xin lỗi anh chưa đúng góc 45 độ tức là anh chưa thành thực nhận lỗi của mình.
Chỉ cần nhìn động tác thôi chứ đâu cần phải nói câu chào hay xin lỗi thì người khác cũng đã có thể đánh giá được phần nào là thật hay không thật.
Thông thường lời xin lỗi thành thật luôn có sự thành khẩn, ăn năn ở bên trong, là cách hạ mình xuống hết sức để nhận sự cảm thông, chia sẻ, tha lỗi của người khác. Lời xin lỗi thành thật thì không bao giờ dùng “uyển ngữ” để nói giảm, nói tránh lỗi lầm của mình, kiểu xin lỗi mà như… đổ lỗi, sẽ càng khiến cho mọi việc tệ đi.
Cái thật luôn có sức mạnh và giá trị to lớn. Triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1772 - 1778) đã nói rằng: “Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất”. Còn triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882) từ thế kỷ 19 đã triết lý: “Sự thật không thuộc sở hữu của cá nhân nào mà là báu vật của cả loài người”.
Thời đại bùng nổ thông tin, người ta thường phải chung sống với “tin giả” 365 ngày trong năm, chứ không chỉ riêng gì trong ngày 1/4. Để chống lại cái giả, chúng ta không chỉ cần “nâng cao cảnh giác” để khỏi bị biến thành một “kẻ ngốc” trong ngày April Fool’s Day (Ngay cá tháng Tư); mà còn phải biết trân quý “sự thật” – báu vật của loài người, luôn lấy cái thật, sự thành thực làm lẽ sống.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất