16/12/2019 07:16 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa đón một sự kiện đặc biệt: vài ngày trước, hồ sơ “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đó không chỉ là danh hiệu thứ 13 trong vòng 16 năm (kể từ 2003) của Việt Nam ở lĩnh vực này. Xa hơn, đây còn là lần đầu tiên, một di sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc được UNESCO vinh danh, sau những di sản của đồng bằng sông Hồng (quan họ, hát xoan), miền Trung ( ví dặm, nhã nhạc cung đình Huế), Tây Nguyên (không gian cồng chiêng) hay Nam Bộ (đờn ca tài tử)…
Nhưng, chặng đường đến với danh hiệu này không đơn giản. Trong đó, có cả những sự thay đổi về nhận thức và tiếp cận ngay từ phía đội ngũ xây dựng hồ sơ.
Cụ thể, mọi thứ bắt đầu từ năm 2012, khi tỉnh Tuyên Quang có ý tưởng lập hồ sơ về hát then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc để đệ trình lên UNESCO. Ý tưởng này được tán đồng, nhưng trong quá trình lấy ý kiến, nhiều nhà nghiên cứu lại chỉ rõ: dù rất phổ biến, khái niệm “hát then” - như chúng ta thường gọi - không phản ánh đầy đủ bản chất của loại hình di sản được xây dựng.
“Chúng ta quen nói tới cụm từ “hát then”. Thật ra, đồng bào Tày, Nùng, Thái không sử dụng cụm từ này, mà thay bằng khái niệm “làm then” - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam), chia sẻ với người viết khi ấy - “Và ở đó, phần hát chỉ là một bộ phận của khái niệm “then” theo nghĩa rộng, khi nó vốn là một hệ thống hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với rất nhiều yếu tố văn hóa cấu thành: âm nhạc (gồm cả hát và chơi tính tẩu), nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật trình diễn các trường ca dân gian…”
Từ thực tế ấy, một câu hỏi đã được đặt ra về hướng tiếp cận khi xây dựng hồ sơ: Nếu chọn “hát then”, chúng ta chỉ tập trung vào phần âm nhạc. Còn chọn “then” ở nghĩa rộng, hồ sơ phải nghiên cứu rất nhiều vấn đề khác, đặc biệt là yêu cầu phải hiểu rõ và “tô đậm” toàn bộ bề dày lịch sử văn hóa của loại hình nghệ thuật - tín ngưỡng này.
Như phân tích trong những lần trao đổi của các chuyên gia, việc xây dựng hồ sơ theo hướng thứ nhất có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại khá phức tạp. Bởi lẽ, các yếu tố âm nhạc, diễn xướng, tâm linh... trong then luôn có sự gắn bó hữu cơ rất chặt và những phân tích về âm nhạc không thể đứng độc lập mà bắt buộc phải dựa trên mối quan hệ với các yếu tố còn lại. Trong khi đó, cách tiếp cận thứ 2 tuy mất thời gian hơn rất nhiều, nhưng lại phát huy được trọn vẹn những giá trị của then để tạo sự thuyết phục trước UNESCO.
Để rồi, hồ sơ trình lên UNESCO được chọn cách tiếp cận thứ 2. Và trong quá trình xây dựng, những lớp giá trị văn hóa khác của then lại thuyết phục ngay cả những chuyên gia khó tính nhất. Chẳng hạn, chỉ riêng việc di sản này bắt nguồn từ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng với mục đích tạo nên sự yêu thương, gắn kết trong cộng đồng… đã rất phù hợp với những tiêu chí mà UNESCO yêu cầu về tính cộng đồng của một Di sản Thế giới.
***
Dài dòng chuyện cũ, để nói rằng bản thân chúng ta vẫn còn chưa hiểu hết chiều sâu về di sản then của một vùng văn hóa miền núi phía Bắc. Và, khi được UNESCO vinh danh, một cách tất nhiên, những giá trị của then cần phải được phổ biến và nắm bắt trước hết chính ở Việt Nam, nơi mà nó đang tồn tại.
Đó không phải là một câu chuyện đơn giản, khi mà đến thời điểm này, vẫn có những người nhầm lẫn di sản vừa được vinh danh với khái niệm “hát then”. Hoặc ở một câu chuyện khác, các chuyên gia cũng đã rất nhiều lần lên tiếng về việc “định danh” nhạc cụ tính tẩu vốn gắn liền với di sản này. Bởi thực tế, người dân vùng Đông Bắc cũng không hề biết tới khái niệm “đàn tính” như chúng ta thường gọi - khi mà ngoài tên gọi “tính tẩu”, nhạc cụ ấy còn được người dân địa phương gọi là “then tính” (cây đàn then), với ý nghĩa là cây mà trời (then) đã ban cho cộng đồng.
Việc tôn vinh một di sản của chúng ta cần bắt đầu từ những điều tưởng như nhỏ nhặt, nhưng lại gắn với sự “chính danh” như thế.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất