Chào tuần mới: Hóa giải áp lực

04/04/2022 07:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng Ba vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023. Cùng thời gian đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm học 2022 cho học sinh làm quen với nội dung thi cử, từ đó bám sát nội dung chương trình cần phải ôn luyện.

Chào tuần mới: Giáo dục 'thích ứng'

Chào tuần mới: Giáo dục 'thích ứng'

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT, một con số thống kê khiến cho chúng ta phải suy nghĩ: Do dịch bệnh Covid-19, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

Năm học 2021 - 2022 chỉ còn chừng 2 tháng nữa là kết thúc. Đây là khoảng thời gian các em lớp cuối cấp THCS và THPT phải tập trung ôn tập, chuẩn bị tâm lý để đối diện với áp lực thi cử, học hành…

Trong cuộc đời của bất cứ học sinh nào cũng phải trải qua các kỳ đánh giá kết quả học tập. Nhưng áp lực nhất, căng thẳng nhất với các sĩ tử và gia đình có lẽ vẫn là kỳ thi vào lớp 10 ở một số thành phố lớn và thi tốt nghiệp THPT.

Áp lực thi cử thì không phải bây giờ mới có. Tôi nhớ hồi chúng tôi chuẩn bị thi vào cấp 3 từ những năm 1980 cũng đã rất căng thẳng. Thực sự thì khi ấy, tôi và mấy đứa bạn cùng khu tập thể học lực cũng làng nhàng, chỉ trung bình khá, nhà thì không có điều kiện học thêm. Thêm nữa là kỳ vọng từ phía gia đình, vì các chị tôi chưa có ai thi đỗ vào cấp 3 cả.

Chú thích ảnh
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Để giải tỏa tâm lý, tôi và mấy đứa bạn buổi tối hay tìm đến các anh, chị đã thi đỗ những năm trước để hỏi kinh nghiệm ôn luyện, lại nghe các anh chị kể lại tâm trạng khi đi thi, cách làm bài thi... Và sau đấy, vào các buổi chiều, mấy thằng chúng tôi lại mang sách vở chui vào trong những toa tàu hỏng ở gần nhà ngồi ôn luyện. Mặc dù rất ham đá bóng nhưng lúc ấy chúng tôi cũng phải hạn chế, một tuần chỉ rủ nhau đá một trận vào ngày Chủ nhật.

Kết quả kỳ thi năm ấy, mấy đứa chúng tôi đều đỗ vào cấp 3.

Áp lực thi cử ngày xưa với chúng tôi chỉ là như thế. Không giống như các em bây giờ, từ việc ôn luyện, chọn trường, đăng ký nguyện vọng rồi đến kỳ vọng của bố mẹ... Áp lực rất lớn từ đó dẫn tới sự căng thẳng trong tâm lý, “sai một ly” thì không biết sẽ phải học ở đâu.

Tuy nhiên, thời nào cũng thế, trong cuộc sống luôn có những thử thách, gây ra áp lực, nhưng nếu biết hóa giải thì nó sẽ là động lực.

Để chinh phục thử thách đó, theo tôi, điều trước tiên là phải… ăn uống đầy đủ, lành mạnh và đa dạng. Đi ngủ đúng giờ. Duy trì giữ gìn sức khỏe bản thân bằng các bài thể dục nhẹ. Rất nhiều em trước các kỳ thi hay tự ép mình vào lịch học dày đặc, cố nhồi nhét kiến thức. Ngủ thì không đủ giấc thành ra mệt mỏi, thần kinh căng thẳng dẫn đến thể trạng luôn rã rời. Khi ấy có học cũng chẳng tiếp thu được.

Tiếp theo là phải lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân. Hơn ai hết, mỗi em phải thực sự “biết mình, biết người”. Việc cuối cùng là phải suy nghĩ tích cực. Càng gần đến kỳ thi càng phải gạt bỏ ra khỏi đầu những câu hỏi như: Nếu không làm được bài thì sẽ thế nào? Nếu thi trượt lớp 10 (hay đại học) mình sẽ ra sao? Chuyện “học tài thi phận” là điều vẫn thường xảy ra. Kỳ thi cũng chỉ là một thử thách trong cuộc đời vì còn vô vàn những thử thách khác cần phải vượt qua.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện lạ lùng về Trường Đại học Radboud tại Njmegen (Hà Lan). Trường này đã cho đào một chiếc hố thật to để sinh viên có thể xuống đó và… suy nghĩ, từ đó giảm đi những sự lo âu, căng thẳng không đáng có.

Người sáng lập dự án này, ông John Hacking, cho biết "ngôi mộ thiền" này được tạo ra nhằm giúp học sinh biết quý trọng thời gian: "Sự kết thúc của cuộc sống, cái chết, là một điều cấm kỵ và rất khó nói với sinh viên, đặc biệt trong lứa tuổi 18-20. Ngôi mộ thiền được đưa vào nhằm mục đích giúp họ biết quý trọng quãng thời gian ít ỏi của mình để thực hiện ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ".

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm