12/09/2022 06:47 GMT+7
Trung Thu 2022 đã trôi qua, nhưng tôi tin rằng bước vào tuần mới này, dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí của bọn trẻ. Sau hai năm dịch bệnh Covid-19, không khí đón Trung Thu lại ngập tràn trên khắp mọi vùng miền đất nước, các em lại được vui đùa thỏa thích, được tham gia rước đèn và cùng nhau trông trăng, chờ phá cỗ.
Việt Nam chúng ta, từ Cách mạng Tháng Tám đến nay thì đã có 77 cái Tết Trung Thu độc lập.
Nếu để ý thì thấy rằng, từ đó cho đến nay, cứ mỗi dịp Tết Trung Thu thì vấn đề nổi bật nhất, có tính nhân văn và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất đó chính là sự quan tâm, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng cho trẻ em. Đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nhớ những năm tháng cắp sách đến trường, chúng tôi được học bài “Trung Thu độc lập”. Đây là tên một bài tập đọc trong sách giáo khoa ngày đó của nhà văn Thép Mới.
Đó là một đoạn văn ngắn, súc tích, lấy hình tượng người chiến sĩ vệ quốc quân của một dân tộc vừa giành được độc lập tự do, đứng gác trong đêm mùa Thu độc lập đầu tiên. Trong ca gác ấy, người chiến sĩ vệ quốc quân vừa làm nhiệm vụ vừa “nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai... Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng”. Anh cũng “mừng cho các em vui tết Trung Thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết Trung Thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em”.
Ước mơ của anh vệ quốc quân đã trở thành hiện thực. Cứ đến Tết Trung Thu là thiếu nhi cả nước lại nhận được thư thăm hỏi của Bác Hồ. Bác còn cho mời các cháu thiếu nhi tiêu biểu vào Phủ Chủ tịch đón Trung Thu với Bác.
Còn tại các khu tập thể những năm 1970 - 1980, bọn trẻ chúng tôi ai cũng được hưởng không khí đón Trung Thu toàn khu. Ngoài những món quà của các cơ quan, đoàn thể trao tặng, chúng tôi còn tự tay làm những chiếc đèn ông sao to, nhỏ các loại, cùng nhau gom hạt bưởi phơi khô rồi xâu thành dây để đốt. Vào đêm Trung Thu, được xếp hàng rồng rắn để chia kẹo, phá cỗ…
Trở lại với Trung Thu năm nay, tại lớp của con gái tôi, ban phụ huynh cùng với cô giáo chủ nhiệm cũng đã tổ chức cho cả lớp đón Trung Thu. Phố cổ Hà Nội đông nghịt người dân từ các nơi đổ về. Một số người bạn của tôi ở các vùng miền cũng đăng tải những hình ảnh đón Trung Thu tại nơi mình đang sinh sống lên mạng xã hội, tôi thấy khá nhiều những trò chơi dân gian được tái hiện cho các em chơi. Vẫn còn đó những chiếc đèn ông sao, những mâm cỗ hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo truyền thống được bày cùng bim bim, nước ngọt bên cạnh những đồ chơi thời 4.0.
Ngoài ra còn rất nhiều các hoạt động quyên góp, từ thiện, tặng quà Trung Thu cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn diễn ra tại các vùng sâu vùng xa, tại những ngôi trường dành cho những học sinh mắc bệnh... Đúng là một Trung Thu chan hòa tình thân ái, yêu thương.
Tôi nhớ trước thềm Trung Thu 2022, tại buổi tọa đàm Tết Trung Thu cổ truyền - Gìn giữ, phát huy và lan tỏa, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng Trung Thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình. “Nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm giáo dục cho con cái nhà mình, đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui” - ông Quốc nói.
Từ “Trung Thu độc lập” đầu tiên cho đến nay, truyền thống ấy vẫn luôn luôn được duy trì. Đó là một nét đẹp cần được gìn giữ như là một món quà cho trẻ thơ.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất