31/05/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một mùa Hè đã đến rất sớm đối với đa số các em học sinh năm nay. Lý do thì ai cũng biết rồi: Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam và còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Bởi thế, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) năm nay chắc chắn sẽ là ngày mà cả thế giới phải lên cơn đau đầu về việc ăn, việc chơi của đám trẻ đang nghỉ dịch ở nhà.
Học gì và chơi gì khi Hè về? Khi cuộc sống bình yên thì câu hỏi này đã khó trả lời rồi, giờ lại thêm dịch bệnh thế này thì càng lúng túng…
Tôi nhớ lại cái tuổi vẫn còn sinh hoạt Hè, may mắn được đọc một cuốn truyện có tên là Một mùa Hè của Chu Hồng Hải. Nội dung kể về mùa Hè năm 1972, khi máy bay B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội, nhiều gia đình đã phải gửi con em mình đi sơ tán về các vùng quê lân cận. Một nhóm các em học sinh thủ đô ngẫu nhiên cùng về sinh hoạt tại một vùng quê ven sông Hồng, không xa Hà Nội. Những ngày đầu, các em cũng có những va chạm, phân biệt… sau rồi các em đã dần dần thân thiết, gắn bó, cùng nhau vừa học vừa làm rất nhiều các công việc chỉ có ở các vùng nông thôn. Từ chuyện đi bắt cua, tát ao bắt cá, rồi lấy tổ ong, chữa trị rắn cắn… và tất cả đều hòa đồng, yêu thương chia sẻ những vui buồn, những bài học lý thú…
Sự tiếc nuối cũng như nỗi buồn thể hiện rõ nhất khi mùa Hè kết thúc, những bạn ở Thủ đô phải trở về nhà khi thành phố đã yên bình trở lại.
Đối chiếu với tình hình dịch bệnh như hiện nay, quả thật rất khó cho các bậc phụ huynh có thể tìm được cho con em mình một mùa Hè như thế. Hầu hết các địa phương và vùng lân cận Hà Nội đều đang căng mình phòng chống dịch bệnh, còn TP.HCM thì đã giãn cách xã hội từ 0h hôm nay, 31/5. Thêm nữa, với tính chất dịch bệnh này thì việc tiếp xúc, tụ họp là không thể cho nên các gia đình khó có thể cho con em mình về quê được.
Theo dõi những chia sẻ của phụ huynh lớp con tôi học, hầu như tôi thấy chưa có phương án nào hay cả. Quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là tìm người trông các cháu để bố mẹ đi làm, cố gắng hạn chế cho các cháu chơi game online, sử dụng điện thoại quá nhiều… Việc dạy cho các cháu học thêm các kỹ năng thì không phải ai cũng làm được. Vả lại, học xong rồi thì phải ra ngoài áp dụng chứ cứ ngồi trong nhà mãi thì chán chết.
Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi: mùa Hè Covid-19 năm nay, sân chơi nào dành cho trẻ?
Tôi bỗng nhớ đúng vào dịp này năm ngoái, báo Thể thao và Văn hóa phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, đấy là một sân chơi đích thực dành cho thiếu nhi trong lĩnh vực nghệ thuật. Tôi nhớ trong buổi lễ phát động, đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc làm cách nào để có các “thực đơn” tâm hồn phù hợp với bọn trẻ?
Với thời xưa của chúng tôi thì “thực đơn” ngày Hè có khi đơn giản, dễ kiếm, còn bây giờ thì phải khác. Có được những tác phẩm hay đã khó. Việc truyền thông, quảng bá chúng đến với các em thiếu nhi, lại càng khó hơn giữa cơn bão giải trí đang lan tràn trên môi trường mạng. Nhưng nếu các bậc phụ huynh không là chiếc cầu nối thì biết đến bao giờ những tác phẩm hay cho thiếu nhi mới đến được với con em mình?
Tôi nhận thấy rằng, trong khi có rất nhiều game online, trực tuyến… không phù hợp, vậy tại sao các chuyên gia, các nhà sản xuất không lập ra những sân chơi trực tuyến như là cùng đọc sách, thi kể chuyện? Thậm chí “giờ nào việc nấy”, sau trực tuyến đọc sách là trực tuyến hướng dẫn bọn trẻ nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát, lau nhà… Hình như là những công việc như vậy giờ đây nhiều bậc phụ huynh cho là không quan trọng bằng việc học và thi cử. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, trưởng thành là khi bạn có thể tự nấu được bữa cơm cho mình, biết cách ăn ở sạch sẽ, nhất là khi không có người lớn bên cạnh.
Ngày 1/6 sắp đến rồi, tôi mong rằng trong dịp công bố Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, những vấn đề trên sẽ được đưa ra bàn luận. Và hy vọng chúng ta sẽ có thêm được những “thực đơn” phù hợp với tâm hồn trẻ trong những ngày Hè khó quên như Hè năm nay.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất