14/10/2019 06:59 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một câu chuyện bạo hành phụ nữ mới xảy ra Hà Nội khiến cộng đồng mạng hết sức bất bình. Thông tin ban đầu cho hay, sáng 12/10, tại một cây ATM, trong khi mọi người đang xếp hàng chờ rút tiền thì có người đàn ông từ đâu đi tới không chịu xếp hàng, chen lên đứng trước.
Thấy vậy một phụ nữ liền nhắc nhở: "Em ơi phải xếp hàng, mọi người cũng đang xếp hàng chờ tới lượt. Em thanh niên ai lại làm thế, chị còn cháu nhỏ đứng cũng lâu rồi mới đến lượt, em đi xuống sau xếp hàng đi".
Người đàn ông này không những không nghe mà còn bày tỏ thái độ khó chịu và có những lời lẽ thách thức, đe dọa. Khi không rút được tiền, người đàn ông quay ra chửi bới, hành hung người phụ nữ.
Rất buồn là câu chuyện này xảy ra khi mà chỉ còn vài ngày nữa chúng ta sẽ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm.
Trước đó cũng chưa lâu, cuối tháng 9 vừa qua, trong con ngõ thuộc phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), một người đàn ông chạy xe máy SH, không đội mũ bảo hiểm, gặp một cô gái đi chiều ngược lại chen vượt lên cạnh chiếc ô tô mà chưa kịp nhường đường, đã tỏ thái độ khó chịu, cau có. Điều mà nhiều người bất ngờ đó là ngay sau khi lách qua, người đàn ông bất ngờ quay sang nhổ nước bọt vào mặt cô gái, rồi sau đó mới phóng xe vụt đi.
Dường như, những hành vi bạo lực, bắt nạt hoặc sàm sỡ phụ nữ đã trở thành một thói quen xấu trong hành xử của một số gã trai, trong đó có những gã được mệnh danh là trí thức, doanh nhân. Chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ việc một kiến trúc sư, doanh nhân thành đạt vung tay tát một nữ nhân viên bán hàng đang mang thai sau khi lời qua tiếng lại tại TP.HCM cách đây 2 năm, hay là một “đại gia” kinh doanh địa ốc bị tố có hành vi “xấu xí” với nữ hành khách vào tháng 7/2019.
***
Chúng ta đều biết rằng, ngày 20/10 là một ngày “đặc biệt” trong năm của phụ nữ Việt Nam, sau ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Bên cạnh việc tặng hoa, tặng quà cùng những lời chúc “có cánh” thì đây còn là dịp bày tỏ sự quan tâm, sự tôn trọng với nữ giới trên nhiều lĩnh vực. Tất nhiên, điều này không phải chỉ đợi đến dịp này mới thực hiện, mà còn trở thành một quy tắc xã hội, nói như người phương Tây là “Lady first” hay “First lady” (ưu tiên cho phụ nữ).
Nếu anh chàng rút tiền ở cây ATM kia hiểu được một chút gì đó về “Lady first”, thì chẳng những anh ta không tùy tiện chen ngang lên trước (nói gì đến hành hung) mà còn chủ động nhường lượt mình cho những phụ nữ xếp hàng phía sau mình (nếu có).
Đừng tưởng “Lady first” chỉ là những hành động ga-lăng dành cho những người phụ nữ “lạ”. Nó còn là quy tắc ứng xử với những người phụ nữ ngay trong nhà mình.
Có một trường hợp mà tôi vẫn gặp ở quán cà phê buổi sáng. Đó là một cặp vợ chồng đã hơn 80 tuổi nhưng còn khỏe mạnh. Sáng nào ông cũng lấy xe máy đưa bà đi ăn sáng rồi quay về quán mà cà phê tôi hay ngồi. Lúc vào quán, bao giờ ông cũng tìm chỗ và kéo ghế cho bà ngồi, rồi quay sang hỏi xem hôm nay bà uống món gì.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông luôn cười hồn hậu nói rằng, công của bà ấy lớn lắm, giờ mình về nghỉ hưu thì mới có thời gian hàng ngày đưa bà ấy đi cà phê nhưng cũng chưa bù đắp được những tháng ngày khó khăn, một mình bà ấy vừa đi làm, vừa chăm lo con cái cho chồng yên tâm công tác xa. Còn bà thì cho rằng, chỉ cần các ông nghĩ được như thế cũng đã là cư xử đẹp rồi. Cũng rất đơn giản và thực tế.
Nhà văn nữ cá tính Y Ban có một tập truyện ngắn tên là “Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?”. Trong câu chuyện của nhà văn thì cuối cùng đàn bà chỉ cần thỏa ý thích của mình thôi. Nhưng với riêng cá nhân tôi, trong sâu thẳm mong ước của những người phụ nữ thì cái họ cần và trân trọng có lẽ vẫn là sự tôn trọng và cùng nhau chia sẻ khó khăn vất vả đời thường, những hành động cư xử có văn hóa, lịch sự từ những người đàn ông trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Việc này được “phái yếu” đánh giá cao hơn nhiều nếu so với những vật chất họ được tặng.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất