19/10/2020 07:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 còn đang khiến cả nước tiếc thương, bàng hoàng thì nay chúng ta lại phải đón nhận thêm một tin rụng rời. Rạng sáng ngày 18/10, một vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, quân khu 4, thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến cho 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.
Việt Nam chúng ta là một đất nước trải qua nhiều năm tháng chiến tranh. Trong những năm tháng ấy, người lính phải chịu đựng hy sinh, gian khổ như thế nào thì sử sách cũng đã phản ánh. Ngờ đâu giờ đây, ngay trong thời bình, gia đình, đồng đội của các anh cũng phải chịu đựng những mất mát không gì có thể bù đắp được...
… Cách đây hơn 30 năm, tôi cũng đã từng là một người lính. Vào những dịp đầu năm, anh em đồng ngũ bao giờ cũng tổ chức họp mặt thăm hỏi lẫn nhau, ai cũng bồi hồi nhớ lại cảm xúc những ngày đầu nhập ngũ, kể lại những khó khăn vất vả trên thao trường, cho dù là khi ấy chiến tranh đã đi qua, cả nước đã bước vào thời kỳ Đổi mới.
Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng dễ nhận thấy nhất đó chính là địa bàn đóng quân. Những ai đã từng nhập ngũ đều biết rằng các doanh trại bộ đội hầu hết nằm ở những địa bàn khó khăn, hiểm trở, giữa núi, rừng hoặc là các vùng cao heo hút.
Mùa Hè thì nóng như đổ lửa vẫn phải lên đồi học chiến thuật, tập bắn súng. Mùa Đông lạnh thấu xương buổi sáng báo thức vẫn phải ra tập thể dục, quét dọn quanh doanh trại. Ở những vùng cao thì thiếu nước ngọt. Những nơi có mật độ mưa nhiều trong năm thì phải lo chống dột, rồi mùa bão lũ tràn về. Ngoài việc tự lo cho mình còn phải tích cực tham gia giúp đỡ người dân địa phương những khi thiên tai, dịch bệnh, rồi cả cấy hái ngày mùa…
Rất nhiều công việc lúc bấy giờ chúng tôi hoàn thành tốt đều phải dựa vào nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân. Trong các buổi sinh hoạt giao ban hàng ngày với anh em trong đơn vị, khi nói về quan hệ quân - dân, câu nói phổ biến nhất ai cũng được nghe chính là: Phải sống làm sao để “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Trong 10 lời thề danh dự mà tân binh đọc trong lễ tuyên thệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thì lời thề thứ 9 nêu rõ: “Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng 3 điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; và 3 điều răn: Không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân, để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí”. Theo tôi, đó chính là những lý do khiến cho người dân luôn dành những tình cảm tốt đẹp, quý báu cho “anh bộ đội Cụ Hồ”.
Từ những truyền thống quý báu ấy, quan hệ quân - dân luôn được gìn giữ, coi trọng. Bà con tại những nơi có bộ đội đóng quân vẫn thường hay chia sẻ, giúp đỡ bộ đội, nhất là trong việc tìm hiểu các phong tục, tập quán của địa phương. Các đơn vị thì thường hỗ trợ bà con trong việc khám chữa bệnh, xóa nạn mù chữ, làm đường, làm nhà, cùng người dân chống bão lũ, thiên tai…
Khi xảy ra lũ lụt, ngập úng hay hỏa hoạn tại các địa phương trên cả nước, chúng ta hay gặp hình ảnh anh bộ đội hòa mình vào trong nước, xắn quần, lội bùn sơ tán trẻ em, người già ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngay trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, rất nhiều đơn vị bộ đội đã phải nhường doanh trại của mình cho người dân đến tập trung cách ly, còn anh em phải làm lều lán, ngủ nghỉ tại các bìa rừng ven các khu trung tâm. Đó chính là hình ảnh trung thực, minh chứng cho tình quân dân trong thời bình.
Trở lại với vụ sạt lở vừa qua. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh thoát nạn hiểm nghèo. Nhân dân vẫn luôn tin yêu và bên cạnh các anh. Chúng ta nghiêng mình trước các anh, những người đã làm đúng lời thề thứ 9, luôn luôn “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất